Đây là thông tin được Bộ GTVT đưa ra tại Hội nghị “Triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020" do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì, được tổ chức sáng nay tại tỉnh Khánh Hòa.
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố có tuyến cao tốc đi qua. Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, đây là Hội nghị có ý nghĩa lớn nhằm khẳng định quyết tâm chính trị trong việc triển khai đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến cao tốc Bắc-Nam trong thời gian ngắn nhất, đạt chất lượng cao nhất. Muốn như vậy, ngay từ giai đoạn đầu, công tác chuẩn bị đầu tư, đền bù, GPMB phải được thực hiện một cách đồng bộ, khoa học, chính xác.
Theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, trong giai đoạn 2017 – 2020 sẽđầu tư 11 dự án đường bộ cao tốc (3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn Ngân sách nhà nước và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư) với tổng chiều dài 654km; tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng, đi qua địa phận 13 tỉnh, bao gồm: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long.
Theo Bộ GTVT, tính đến ngày 31/10/2018, Bộ GTVT đã hoàn thành phê duyệt 11/11 dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tạo tiền đề quan trọng để triển khai hàng loạt các công việc chuẩn bị đầu tư tiếp theo.
Cụ thể, đối với công tác khảo sát thiết kế, cắm cọc, bàn giao cọc giải phóng mặt bằng và mốc lộ giới các dự án, Bộ GTVT dự kiến hoàn thành cuối quý I, đầu quý II năm 2019. Trong đó, riêng Dự án Cao Bồ - Mai Sơn đã phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng và triển khai cắm xong cọc giải phóng mặt bằng ngoài thực địa, đã bàn giao cho địa phương thực hiện công tác kiểm đếm, đo đạc. Dự án Cam Lộ - La Sơn đang thực hiện việc lập hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng và định vị cắm cọc ngoài thực địa. Các dự án còn lại đang trong bước đấu thầulựa chọn tư vấn.
Về khung chính sách giải phóng mặt bằng, hiện đã có 3/11 dự án (QL45 – Nghi Sơn, Nha Trang – Cam Lâm, Vĩnh Hảo – Phan Thiết) do đi qua 01 tỉnh nên không phải phê duyệt khung chính sách giải phóng mặt bằng (UBND các tỉnh Thanh Hóa, Khánh Hòa, Bình Thuận đã có văn bản thống nhất phương án tổng thể về giải phóng mặt bằng); 8/11 dự án (Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, Nghi Sơn – Diễn Châu, Diễn Châu – Bãi Vọt, Cam Lộ - La Sơn, Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Phan Thiết – Dầu Giây và cầu Mỹ Thuận 2) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung chính sách;
Về kế hoạch sử dụng đất ở các địa phương, tính đến thời điểm này, Bộ GTVT đã có văn bản gửi các Tỉnh có dự án đi qua (11 dự án) về dự kiến diện tích sử dụng đất và giao nhiệm vụ cho các Ban QLDA làm việc với địa phương.
Do Dự án cao tốc Bắc - Nam là dự án quan trọng quốc gia, đã được Quốc hội thông qua, do đó không phải thực hiện thủ tục trình HĐND các tỉnh thông qua danh mục dự án có thu hồi đất và chuyển mục đích đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng (theo Điều 58, Điều 62 Luật Đất đai); các Ban QLDA đã và đang phối hợp làm việc cụ thể với các địa phương, Sở Tài nguyên môi trường các Tỉnh để cập nhật kế hoạch sử dụng đất cho dự án năm 2019 trình UBND tỉnh phê duyệt.
Hiện 10/11 dự án các địa phương đã thành lập các Hội đồng giải phóng mặt bằng; riêng dự án Phan Thiết – Dầu Giây qua 2 tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai đang chỉ đạo các Huyện hoàn chỉnh thủ tục điều chỉnh Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng trên cơ sở kiện toàn lại Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết để thực hiện dự án theo đúng quy định.
Để đảm bảo tiến độ triển khai các dự án, Bộ GTVT đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng dự án chỉ đạo Hội đồng giải phóng mặt bằng các địa phương phối hợp với các Ban QLDA/chủ đầu tư khẩn trương xây dựng kế hoạch giải phóng mặt bằng cho dự án và kế hoạch vốn phục vụ giải phóng mặt bằng.
Đồng thời chủ động, khẩn trương triển khai ngay các thủ tục lựa chọn nhà thầu tư vấn, xây lắp phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư (Tư vấn điều tra, khảo sát, đo đạc, giải thửa, lập bản đồ địa chính, lập quy hoạch khu tái định cư; Tư vấn khảo sát, thiết kế khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật,...) và triển khai thực hiện ngay các gói thầu này.
Bộ GTVT đề nghị Chính phủ chỉ đạo các tỉnh chịu trách nhiệm và khẩn trương rà soát quy hoạch tái định cư, triển khai các thủ tục xây dựng các khu tái định cư; chỉ đạo UND các huyện, thị xã triển khai các thủ tục về thu hồi đất, lập và trình duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Khuyến khích các hộ tái định cư phân tán, đặc biệt là khu vực nông thôn. Đối với các hộ tái định cư thì vận động thực hiện phương án thuê nhà tạm cư để sớm bàn giao mặt bằng; đồng thời có chính sách hỗ trợ, thưởng cho các hộ sớm bàn giao mặt bằng.
Tại Hội nghị, Bộ GTVT đã tiếp thu ý kiến đề xuất kiến nghị của các địa phương và sẽ triển khai chỉ đạo các Ban Quản lý dự án và các đơn vị thực hiện một số nhiệm vụ sau.
Một là, sớm bàn giao hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng, cọc giải phóng mặt bằng để triển khai các bước tiếp theo (như mốc thời gian nêu trên).
Hai là, sớm bố trí kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để chuyển đến các Hội đồng giải phóng mặt bằng và cung cấp mã dự án cho các địa phương để mở tài khoản phục vụ công tác giải phóng mặt bằng tại kho bạc các huyện.
Ba là, chỉ đạo các cán bộ điều hành các dự án và giải phóng mặt bằng thường xuyên phối hợp với UBND, Hội đồng giải phóng mặt bằng cấp huyện, thị xã của các địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.