Khó khăn lớn nhất của các dự án đường sắt đô thị tại TP.HCM vẫn là vấn đề vốn.
Áp lực giải ngân
TP.HCM đang triển khai thực hiện các dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và số 2 (Bến Thành - Tham Lương).
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị (chủ đầu tư dự án), tới giữa tháng 7/2020, tiến độ thực hiện tuyến metro số 1 đạt 85% kế hoạch năm 2020 và 73,72% khối lượng dự án. Với tuyến metro số 2, TP.HCM đang trong bước bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đây được dự báo là khâu nhiều vướng mắc do tuyến này đi qua địa bàn 6 quận trung tâm, với tổng diện tích 251.136 m2.
Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban Quản lý dự án đường sắt đô thị cho biết, lũy kế tới ngày 3/8/2020, giải ngân tuyến metro số 1 là 4.558,728 tỷ đồng, đạt 32,84% tổng kế hoạch vốn đã giao năm 2020. Cụ thể, nguồn vốn ngân sách thành phố bao gồm vốn ODA vay lại lũy kế giải ngân là 4.416,283 tỷ đồng (đạt 44,40% kế hoạch đã giao); vốn đối ứng 142,445 tỷ đồng (đạt 10,61 % so với kế hoạch). Đáng ngại là, đối với vốn ODA cấp phát, vốn các dự án từ ngân sách thành phố chưa thể giải ngân.
Theo báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị, tình hình giải ngân vốn đầu tư tuyến metro số 2 cũng rất thấp. Theo đó, vốn ODA cấp phát đã phân bổ là 381,791 tỷ đồng vẫn chưa thể giải ngân đồng nào. Lý do là chưa hoàn tất việc đàm phán, thương thảo ký kết Phụ lục hợp đồng số 13 của Hợp đồng Tư vấn thực hiện dự án (tư vấn IC).
Về vốn đối ứng, kế hoạch giao năm 2020 cho tuyến metro số 2 là 250 tỷ đồng, chủ yếu giải ngân cho hạng mục di dời công trình hạ tầng kỹ thuật và các phát sinh thuộc Hợp đồng tư vấn lập và thẩm tra điều chỉnh dự án.
Tới đầu tháng 8/2020, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này rất khiêm tốn, chỉ đạt 2,97%, với 7,435 tỷ đồng. Nguyên nhân là kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu liên quan đến hạng mục di dời công trình hạ tầng kỹ thuật chưa được phê duyệt và các thủ tục liên quan đến Hợp đồng tư vấn lập, thẩm tra điều chỉnh dự án chưa hoàn tất.
Hàng loạt vướng mắc chờ tháo gỡ
Trong các báo cáo định kỳ gửi UBND TP.HCM và Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố thời gian gần đây, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị đã đề cập rất nhiều vướng mắc và kiến nghị cần có các giải pháp tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến metro số 1 và số 2.
Theo đó, khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề vốn. Điều đáng nói là, đây không phải là khó khăn mới nảy sinh và cũng không phải do thiếu vốn. Vấn đề nằm ở các thủ tục hành chính trong phối hợp giữa chủ đầu tư với các tư vấn, nhà thầu…, giữa chính quyền thành phố và các bộ liên quan.
Đơn cử, với tuyến metro số 1, nguồn vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương được phân bổ cho năm 2020 là 2.185 tỷ đồng, nhưng đến đầu tháng 8 vẫn chưa giải ngân được đồng nào. Lý do là việc xác định giá trị ODA cấp phát còn lại bằng yên Nhật vẫn gặp vướng mắc chưa thể giải quyết dứt điểm.
Tới giữa tháng 7/2020, tiến độ thực hiện tuyến metro số 1 đạt 85% kế hoạch năm 2020 và 73,72% khối lượng dự án. Với tuyến metro số 2, TP.HCM đang trong bước bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Trong khi đó, nguồn vốn ODA vay lại thì vướng vấn đề hợp đồng tư vấn chung. Cụ thể, Biên bản ghi nhớ của Hợp đồng Tư vấn chung đã hết hiệu lực ngày 30/6/2020, Ban Quản lý đường sắt đô thị vẫn đang làm việc với bên tư vấn NJPT để ký tiếp. Chừng nào biên bản ghi nhớ tiếp theo chưa được ký thì chưa có cơ sở giải ngân.
Theo chủ đầu tư dự án, một khó khăn đến từ khách quan là diễn biến phức tạp của Covid-19 khiến Việt Nam chưa thể thông thương, mở cửa biên giới. Do đó, các chuyên gia không thể nhập cảnh dẫn đến tiến độ thực hiện dự án bị ảnh hưởng, khối lượng thi công dự án giảm. Dịch bệnh cũng khiến việc nhập khẩu thiết bị, máy móc khó khăn, ảnh hưởng tới khối lượng công việc thực hiện và khối lượng thanh toán.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị cũng nhìn nhận một lý do chủ quan đến từ công tác nghiệm thu thanh toán cho các nhà thầu. Các lệnh phát sinh trong các thời kỳ trước cần được rà soát chặt chẽ về mặt pháp lý và kỹ thuật, dẫn đến chưa ký kết các phụ lục hợp đồng để thanh toán cho nhà thầu. Nhà thầu cũng mắc sai sót trong công tác quản lý chất lượng lập hồ sơ thanh toán khối lượng đã thi công.
Ngoài ra, nguồn vốn đối ứng ngân sách bố trí cho dự án năm 2020 là 1.071,1 tỷ đồng. Lũy kế giải ngân đến ngày 3/8 mới vỏn vẹn 134,078 tỷ đồng (đạt 12,52%).
Trong báo cáo gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị lý giải, số vốn đối ứng đã giao dự kiến chủ yếu giải ngân thuế giá trị gia tăng các gói thầu sử dụng vốn ODA. Khi các vướng mắc trong giải ngân vốn ODA chưa thể gỡ, thì nguồn vốn đối ứng này cũng bị ảnh hưởng.