TS. Phùng Quốc Chí

TS. Phùng Quốc Chí

Khó “khai tử” hợp tác xã vì công nợ

Cả nước hiện còn 3.300 hợp tác xã nằm trong đối tượng tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể, nhưng vẫn tồn tại trên hình thức. Theo TS. Phùng Quốc Chí, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), có rất nhiều vướng mắc trong việc “khai tử” những hợp tác xã đã “chết” trên thực tế, trong đó có vấn đề công nợ.     

Ngày 1/7/2016 là thời hạn cuối cùng hợp tác xã hoạt động không phù hợp với quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 phải đăng ký lại hoặc chuyển sang loại hình tổ chức khác. Kết quả đăng ký lại, chuyển đổi thế nào?

Có tổng cộng 13.450 đơn vị phải chuyển đổi, đăng ký lại, nhưng 3 năm kể từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực, vẫn còn 3.261 đơn vị (chiếm 24%) chưa đăng ký lại hoạt động theo đúng luật và cũng không chuyển đổi sang loại hình tổ chức khác.

Báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho biết, rất nhiều đơn vị chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động theo đúng luật đã phát triển khá tốt, phong phú về ngành nghề, quy mô và trình độ, đặc biệt là trong cung cấp dịch vụ nông nghiệp, du lịch, thương mại, giao thông, vận tải… Các đơn vị này góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, xóa đói, giảm nghèo trong nông thôn.

Thông qua hoạt động tổ chức lại, chuyển đổi, giải thể, số lượng hợp tác xã giảm, nhưng chất lượng từng bước được nâng cao, do hợp tác xã được củng cố lại tổ chức, bộ máy, thu hút được lao động có kinh nghiệm, trình độ. Vì vậy, để phát triển kinh tế tập thể, cần phải sớm giải quyết số hợp tác xã chưa chuyển đổi, chưa đăng ký lại, tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể.

Phải chăng một trong những nguyên nhân của việc chậm chuyển đổi, đăng ký là do cơ quan quản lý chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này...

Thực tế cho thấy, những địa phương nào thực sự quan tâm đến vấn đề này về cơ bản đã hoàn thành việc đăng ký lại, chuyển đổi, giải thể hợp tác xã. Ở các địa phương mà việc chuyển đổi, đăng ký lại diễn ra chậm chạp, bên cạnh sự thiếu quan tâm của chính quyền địa phương, còn có nguyên nhân là cán bộ quản lý về kinh tế tập thể hầu hết làm việc kiêm nhiệm, khiến việc theo dõi, đôn đốc, tư vấn, hỗ trợ, chỉ đạo thiếu kịp thời.

Thậm chí, ở không ít địa phương, cán bộ cấp xã can thiệp quá sâu vào hoạt động của hợp tác xã, như yêu cầu hợp tác xã phải xin ý kiến chỉ đạo khi làm thủ tục chuyển đổi, đại hội thành viên, xây dựng phương án sản xuất - kinh doanh… Thực tế này cho thấy, hiện có rất nhiều cán bộ cấp xã và cả cấp huyện có hiểu biết rất hạn chế về Luật Hợp tác xã năm 2012.

Không đăng ký lại, không chuyển đổi sang loại hình tổ chức khác, tại sao không thực hiện giải thể cho nhanh, vì các đối tượng này không hoạt động theo đúng Luật Hợp tác xã năm 2012, thưa ông?

Trong 4 năm qua đã giải thể được hơn 3.700 hợp tác xã, trong đó, năm 2016 giải tán 1.815 đơn vị. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 3.300 đơn vị tạm ngừng hoạt động nằm trong đối tượng tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể (không hoạt động trong 12 tháng liên tục), nhưng chưa giải tán được.

Theo quy định, muốn giải thể hợp tác xã, phải thành lập hội đồng giải thể với sự tham gia của ban quản trị, ban kiểm soát, thành viên hợp tác xã. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày ra quyết định giải thể, hội đồng giải thể phải đăng báo địa phương 3 số liên tiếp về quyết định giải thể; thông báo tới các tổ chức, cá nhân có quan hệ kinh tế với hợp tác xã về việc giải thể và thời hạn thanh toán nợ, thanh lý các hợp đồng…

Sau khi hoàn thành việc giải thể, hội đồng giải thể phải nộp con dấu và giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Trong thực tế, hợp tác xã thuộc đối tượng giải thế bắt buộc làm gì còn tài sản để thanh toán nợ. Con dấu, giấy đăng ký hợp tác xã cũng không còn thì lấy gì mà nộp lại. Sổ sách kế toán, hồ sơ, giấy tờ liên quan bị thất lạc, nên không có cơ sở để xác định nợ. Thành viên ban quản trị mỗi người một nơi, thì làm gì có người tham gia hội đồng giải thể, nên việc giải thể bị tắc.

Kinh tế tập thể là thành phần quan trọng trong nền kinh tế. Thưa ông, chắc không thể để tình trạng hợp tác xã hoạt động hình thức, không chuyển đổi, không giải tán được?

Một trong những vướng mắc khiến việc đăng ký, tổ chức lại và giải thể những hợp tác xã thực tế không còn tồn tại là do xử lý vướng mắc về công nợ. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu và đề xuất phương án khoanh nợ, xóa nợ thuế, nợ ngân hàng và nợ doanh nghiệp nhà nước… đối với các khoản nợ phát sinh từ năm 2010 trở về trước của hợp tác xã ngừng hoạt động, không còn tài sản chung, không có khả năng trả nợ, tạo điều kiện cho việc giải thể các đơn vị này, không để hợp tác xã tồn tại hình thức.

Về phần mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn đối với trường hợp hợp tác xã chưa chuyển đổi, chưa đăng ký lại tính đến ngày 1/7/2016.

Ngoài ra, để phát triển kinh tế tập thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục tìm và cân đối nguồn vốn hỗ trợ cho các bộ, ngành, địa phương để thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển hợp tác xã theo Chương trình Hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tin bài liên quan