Trong báo cáo “về một số quan ngại trên thị trường bất động sản 2019” vừa công bố những ngày đầu năm nay, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cung cấp thông tin, trong số khoảng 1.000 khu chung cư đang hiện diện trên địa bàn, thì có tới hơn 100 khu có mâu thuẫn đáng kể, hàng chục chung cư có mâu thuẫn gay gắt, kéo dài.
Trên địa bàn Hà Nội, tình hình cũng tương tự. Và điều đáng nói là khi mâu thuẫn xảy ra, đa số dư luận mặc nhiên đứng về phía cư dân - vốn thường bị cho là bên dễ bị thiệt thòi, bị “ăn chặn”.
Tuy nhiên, có những vụ việc nếu tìm hiểu bản chất thì không phải vậy, mà là do một bộ phận cư dân vô tình hoặc cố ý “hiểu nhầm” các quy định pháp luật.
Đại diện một chủ đầu tư bất động sản tại Hà Nội từng "than trời" khi trao đổi với người viết, chỉ vì những hành động thiện chí của họ với cư dân bị biến thành “lá bài” để mặc cả.
Mua lại một phần dự án từ năm 2011 tại một tổ hợp đô thị gồm 1 tòa chung cư 2 đơn nguyên và 1 đơn nguyên thuộc tòa khác, nên phần dự án này ban đầu trong thiết kế đương nhiên không có hạng mục nhà sinh hoạt cộng đồng riêng.
Chiếu theo khoản 10, Điều 80, Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở có hiệu lực từ ngày 10/12/2015, nếu cư dân các khu này muốn có nhà sinh hoạt cộng đồng riêng, thì sẽ phải thỏa thuận để các chủ sở hữu chung mua hoặc thuê mua lại từ phần diện tích kinh doanh của chủ đầu tư.
Trên thực tế, nhằm chứng tỏ thiện chí, chủ đầu tư này đã chủ động cắt một phần không gian thương mại thuộc 1 đơn nguyên để bố trí làm nhà sinh hoạt cộng đồng.
Thế nhưng, đến khi xong thủ tục, dự định bàn giao lại cho Ban quản trị chung của 3 đơn nguyên nói trên, thì lại phát sinh việc cư dân tòa 2 đơn nguyên còn lại đòi thành lập ban quản trị riêng, đồng thời yêu cầu đòi thêm 1 nhà sinh hoạt cộng đồng nữa.
Vì chỉ đáp ứng được nguyện vọng thành lập ban quản trị riêng, chứ không thể cung cấp thêm 1 nhà sinh hoạt cộng đồng, doanh nghiệp này đã bị cư dân tòa 2 nguyên đơn đồng loạt đăng đàn tố cáo lừa đảo, không tuân thủ quy định pháp luật về việc bàn giao không gian sử dụng chung cho ban quản trị!?.
Lãnh đạo doanh nghiệp “dở khóc dở cười” vì chuyện “có voi đòi tiên” này, nhưng thông tin thì đã loang ra, thương hiệu bị ảnh hưởng, không thể đến từng địa chỉ để thanh minh, giải thích.
Một chủ dự án chung cư khác tại Mỹ Đình lại khổ vì “khoảng trống” của luật pháp. Vốn được đánh giá cao trong suốt quá trình xây dựng vì những nỗ lực kiến tạo môi trường sống đẹp, dự án này bỗng nổi cơn sóng gió sau khi nhận bàn giao khoảng một năm vì “câu chuyện cái logia”.
Vấn đề là quy định hiện hành chi quy định cách tính ban công, chứ không hề nhắc tới từ logia. Do đó, mặc chủ đầu tư giải thích rằng mọi việc phải theo Luật Dân sự và hợp đồng, một số cư dân vẫn phản đối khắp nơi về việc chủ đầu tư “đo gian” diện tích căn hộ.
Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) khi được chủ đầu tư này đề nghị đứng ra làm “trọng tài” cũng chỉ phản hồi là mọi việc cần làm theo luật hiện hành và theo hợp đồng đã ký.
Chủ đầu tư này sau đó đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng để chia sẻ với cư dân theo hướng “mỗi bên lùi một chút”, nhưng có vẻ như một bộ phận người dân vẫn chưa hài lòng. Chia sẻ với người viết, chủ đầu tư dự án cho biết đến nay "tiếng xấu" từ trên trời rơi xuống vẫn đeo bám.
Hai câu chuyện, khác nhau về bản chất, nhưng lại chung một vấn đề là khi xảy ra tranh chấp, dù chưa biết rõ thực hư, nhưng "người sai vẫn luôn là chủ đầu tư". Tư duy “ô tô luôn sai” khi có va chạm giao thông này thực tế lại dung dưỡng cho những mâu thuẫn tiềm ẩn tại chung cư khi khiếu kiện, treo băng rôn luôn là giải pháp đầu tiên được tính đến khi xuất hiện khúc mắc.
Do đó, hiện dư luận rất mong chờ Bộ Xây dựng hoàn thiện Quy chế quản lý chung cư nhằm lấp đầy những khoảng trống có thể tạo ra tranh chấp tại chung cư.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com