Kết quả kinh doanh quý II của doanh nghiệp địa ốc: Bức tranh nhạt màu!

Kết quả kinh doanh quý II của doanh nghiệp địa ốc: Bức tranh nhạt màu!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo chu kỳ, quý III và quý IV mới là quý cao điểm trong năm của thị trường bất động sản.

Mùa báo cáo bán niên bắt đầu cũng là lúc hé lộ bức tranh chính thức về tình hình sản xuất - kinh doanh nửa đầu năm 2020 của nhóm ngành bất động sản, một trong những nhóm ngành được đánh giá chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 thời gian vừa qua.

Mà với đặc thù vòng đời kéo dài của quá trình tạo lập dự án bất động sản, chỉ vài tháng đình trệ hoạt động xúc tiến thủ tục pháp lý, triển khai thi công… cũng có thể khiến chủ đầu tư và các thành viên thị trường bị “khớp” cả năm sau đó.

Kiểu như một cầu thủ, nếu sau khi nghỉ giữa hiệp đấu, không có giai đoạn khởi động, làm nóng, khi trở lại sân rất dễ chuột rút, vọp bẻ…

Ghi nhận từ mùa đại hội cổ đông thường niên muộn vừa diễn ra hồi cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, không quá khó để thấy được yếu tố lạc quan đã không còn được các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp địa ốc xướng lên như những năm trước.

Ngoài Covid-19, tín dụng bị siết chặt trong khi tình trạng tắc nghẽn về thủ tục pháp lý vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để cũng là tâm điểm được lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lo lắng cho kết quả hoạt động kinh doanh sẽ phải báo cáo với các cổ đông và nhà đầu tư, trước mắt là mùa báo cáo bán niên năm nay.

Ngay từ quý I/2020, số liệu thống kê của Fiin Group cho thấy, doanh thu của khối doanh nghiệp đã giảm tới 18% so với cùng kỳ của năm 2019, đứng thứ 5 trong nhóm ngành sụt giảm về doanh thu. Trong đó, nhiều tên tuổi sụt giảm mạnh lợi nhuận như Hà Đô (giảm 24%), Cenland (giảm gần 53%), Đất Xanh (giảm 78%), Licogi14 (giảm gần 54%)…

Với việc quý II/2020 mới là quý chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với gần 1,5 tháng chịu cách ly xã hội, hoạt động kinh doanh của mọi ngành, nhất là nhóm doanh nghiệp bất động sản gần như đứng hình.

Trong giai đoạn vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh hoạt động tái cấu trúc nhằm cắt giảm chi phí vận hành, quản lý doanh nghiệp, tuy nhiên, khảo sát nhanh từ nhiều lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết cho thấy, mức độ giảm trên thực tế là không nhiều và không theo kịp tốc độ giảm của doanh thu và lợi nhuận.

Đặc biệt, trong giai đoạn vừa qua, mặc dù mặt bằng lãi suất đã được Chính phủ kéo giãn xuống để hỗ trợ doanh nghiệp qua mùa dịch Covid-19, nhưng điều này không đồng nghĩa chi phí tài chính của doanh nghiệp sẽ được giảm ngay trong quý II/2020.

Trong báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp hiện nay, ngoài con số lãi vay phải trả được thể hiện trực tiếp trong chi phí tài chính, tồn tại một con số khá lớn lãi vay đã được vốn hòa vào dự án và đây là phần chi phí “vô hình” đem lại những rủi ro đáng kể nhưng không dễ nhận diện ở bối cảnh hiện tại.

Cụ thể, trong quá trình xây dựng, phần lãi vay được vốn hóa làm tăng giá thành dự án; qua đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản sẽ giảm mạnh khi giá bán sản phẩm hiện nay đang được các doanh nghiệp chủ động giảm bằng nhiều cách để nhanh chóng thu hồi vốn sau đợt nghỉ dài vì dịch Covid-19 vừa qua.

Tệ hơn, nếu dự án hoàn thành nhưng không bán được (mất thanh khoản), chi phí lãi vay khi đó được tính trực tiếp vào chi phí sản xuất - kinh doanh và xói mòn phần lớn thành quả của doanh nghiệp.

Tất nhiên, cũng cần lưu ý rằng, bức tranh kinh doanh bán niên chưa thể bao quát hết được toàn cảnh ngành bất động sản trong năm 2020, và nó còn phụ thuộc vào diễn biến chung của thị trường vào những tháng tiếp theo có thực sự tốt hay không.

Thực tế, theo chu kỳ, quý III và quý IV mới là quý cao điểm trong năm của thị trường bất động sản!

Trong trường hợp kịch bản khả quan khi dịch bệnh sớm dập tắt, dòng vốn ngoại được mở cửa trở lại, phần lớn hoạt động kinh doanh được khôi phục và thu nhập của người dân ổn định, doanh nghiệp địa ốc hoàn toàn có thể tự tin vào một kết quả lạc quan vào cuối năm.

Chưa kể, ghi nhận của Đầu tư Bất động sản cho thấy, trong vài năm vừa qua, khi bất động sản gặp khó khăn, có không ít các doanh nghiệp "vượt cạn" ngoạn mục vào thời điểm cuối cùng của năm nhờ vào các khoản lợi nhuận đột biến từ đầu tư tài chính và chuyển nhượng tài sản như Hải Phát Invest, F.I.T, Vinaconex 3, FLC Homes, Tân Tạo, Quốc Cường Gia Lai,…

Mặc dù các cách "vượt cạn" bằng kỹ thuật này thường không thực sự bền vững, bởi yếu tố quan trọng nhất với một doanh nghiệp vẫn là báo lãi nhờ hoạt động chủ lực, đồng thời dòng tiền về thực sự. Tuy nhiên, chí ít đó có thể là cách giúp các doanh nghiệp có thể hoàn thành những mục tiêu được xem là khá thận trọng đưa ra tại các đại hội cổ đông thường niên vừa diễn ra!

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan