Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp: Hiệu ứng lan tỏa

Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp: Hiệu ứng lan tỏa

(ĐTCK) Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn TP. HCM là một giải pháp, một hành động cụ thể để triển khai cơ chế, chính sách của NHTW về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và giải quyết hàng tồn kho.

Hiệu quả của chương trình này mang lại là rất lớn, bởi hiệu ứng và hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh.

Thứ nhất, chương trình đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là DNVVN và hộ sản xuất - kinh doanh tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng thuận lợi hơn. Đến nay, tổng dư nợ cho vay của chương trình đạt 17.671 tỷ đồng (riêng năm 2013 đạt 13.704 tỷ đồng), cho vay 654 khách hàng.

Thứ hai, đối tượng vay vốn qua chương trình là tất cả các doanh nghiệp, khách hàng sản xuất - kinh doanh trên địa bàn quận, huyện, không chỉ 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên, song đều được các ngân hàng tiếp cận, xem xét cho vay với lãi suất ưu đãi, cũng như điều chỉnh giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ.

Thứ ba, bản chất của hoạt động này là gắn kết giữa doanh nghiệp với ngân hàng, đáp ứng vốn và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Song hiệu quả mang lại là rất lớn về mặt chính sách, thực thi, đưa chính sách vào thực tế cuộc sống, mang lại hiệu ứng vĩ mô và kết quả tăng trưởng kinh tế Thành phố, sự ổn định trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Điểm nhấn của chương trình, không chỉ về phương thức thực hiện, mà còn là hiệu quả sử dụng vốn của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Chính hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các DNVVN và hộ gia đình, có ý nghĩa tác động rất lớn đối với tăng trưởng tín dụng hiệu quả của các ngân hàng, cũng như sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế. Hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân sẽ là yếu tố đảm bảo cho sự phục hồi bền vững của kinh tế Thành phố nói riêng và cả nước nói chung trong năm 2014.

Tuy nhiên, để hiệu ứng đó tiếp tục lan tỏa trong suốt năm 2014, để sự phát triển và phục hồi của doanh nghiệp góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và đảm bảo đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô, cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp như: thứ nhất, các NHTM tiếp tục khai thác và sử dụng vốn hợp lý, hiệu quả, tập trung các giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vốn, về lãi suất. Lãi suất cho vay hiện nay trong khoảng 8 - 10%/năm, trần lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên là 8%/năm. Các ngân hàng nên xem xét giảm thêm lãi suất, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, tích cực tham gia chương trình và tiếp cận, trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng ngân hàng - khách hàng.

Thứ hai, các ngân hàng cần nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu gắn liền quá trình tái cơ cấu hoạt động. Giải pháp này được thực hiện tốt sẽ tạo điều kiện cho các NHTM không chỉ mở rộng và tăng trưởng tín dụng hiệu quả, nâng cao hiệu quả hoạt động, mà còn đảm bảo tăng trưởng và phát triển bền vững.

Thứ ba, đối với doanh nghiệp, cơ chế chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất của NHTW đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh. Song hiệu quả và sự phát triển phụ thuộc chính vào các doanh nghiệp, vào hiệu quả quản trị điều hành, hiệu quả sản xuất - kinh doanh và quá trình đổi mới của doanh nghiệp.

Dưới góc độ quản trị, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp không chỉ là nền tảng phát triển, mà còn là cơ sở phát triển quan hệ tín dụng ngân hàng - khách hàng bền vững, tác động và tạo hiệu ứng tốt tới quá trình luân chuyển vốn và sử dụng vốn trong toàn bộ nền kinh tế. Qua đó, phát huy hiệu quả sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành của Thành phố với NHNN TP. HCM, tạo điều kiện cho việc thực hiện chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp trên địa bàn với mức độ sâu hơn, chất lượng và hiệu quả hơn.

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới.

Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới”

Tin bài liên quan