JERA Nhật Bản trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài nắm 35,1% cổ phần của Điện Gia Lai (GEG)

JERA Nhật Bản trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài nắm 35,1% cổ phần của Điện Gia Lai (GEG)

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lễ Ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Jera Nhật Bản (JERA Asia) và JERA Asia chính thức trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài của CTCP Điện Gia Lai (GEC, mã chứng khoán GEG - sàn HOSE) diễn ra ngày 16/8.

Theo đó, JERA Asia sẽ nhận chuyển nhượng phần vốn góp từ IFC - Công ty Tài chính Quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Đầu tư Năng lượng Tái tạo Armstrong Asset Management để sở hữu 35,1% cổ phần tại GEC.

Sau thời gian hợp tác thành công giữa IFC và TTC Group qua việc IFC tham gia cổ phần trực tiếp vào GEC, sát cánh cùng GEC và GEC đã đón đầu việc phát triển Năng lượng tái tạo hiện đang là xu hướng của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng hướng đến Net Zero vào 2050 đã cam kết tại COP 26.

GEC đã đạt được các thành tích đáng khích lệ với danh mục năng lượng tái tạo phong phú, đa dạng loại hình, từ thủy điện đến điện mặt trời, áp mái và điện gió... và trở thành công ty năng lượng tái tạo duy nhất thuộc rổ VNSI 20 bao gồm 20 công ty phát triển bền vững tiêu biểu tại thị trường Việt Nam.

Đến nay, kết thúc chu kỳ đầu tư, IFC trên tinh thần trách nhiệm và chuyên nghiệp nhất, đã tìm kiếm nhà đầu tư kế nhận chuyển nhượng cổ phần GEC là JERA Asia, một trong những tập đoàn năng lượng hàng đầu tại Nhật Bản.

JERA hiện đang sở hữu tổng công suất phát điện lên đến gần 80 GW tại Nhật Bản và 16 quốc gia thuộc 4 châu lục.

Tại Nhật, JERA đang vận hành 26 nhà máy nhiệt điện - tổng công suất 66 GW, cung cấp 255 TWh sản lượng điện, tương ứng 33% thị phần sản lượng điện cho thị trường Nhật Bản. Đối với 10 quốc gia còn lại, tổng công suất phát điện là gần 11 GW, trong đó 1,7 GW là năng lượng tái tạo.

Với vị thế là một trong những tập đoàn cung cấp khí LNG lớn nhất tại Nhật Bản, JERA có tần suất giao dịch 37 triệu tấn LNG từ 13 quốc gia thông qua 19 đội tàu chuyên chở chuyên dụng để cung cấp cho thị trường trong nước và các nhà máy nhiệt điện đang sở hữu.

Ngoài ra, JERA còn sở hữu hơn 11 kho lưu trữ chuyên dụng khắp cả nước để tối ưu quá trình vận chuyển và đảm bảo nguồn cung khí LNG luôn được duy trì xuyên suốt.

Trong chiến lược mở rộng đầu tư vào năng lượng sạch góp phần giảm thiểu khí CO2 hướng đến phát triển bền vững tại Việt Nam, JERA đã chọn TTC/GEC trở thành đối tác chiến lược để phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Với kinh nghiệm và nền tảng công nghệ hiện đại, JERA được xem là chuyên gia trong việc cung cấp dịch vụ O&M cho các nhà máy điện có công suất lũy kế 80 GW với chi phí thấp hơn 20% so với các đối thủ cạnh tranh.

Cùng thế mạnh trong công nghệ Amoniac và Hydrogen mà JERA đang sở hữu để giảm phát thải CO2 kỳ vọng sẽ hỗ trợ GEC trong chiến lược phát triển các công nghệ đang là xu hướng trên thế giới được từng bước hiện thực hóa tại thị trường Việt Nam.

Hoạt động kinh doanh hiệu quả đã mang về cho JERA 33 tỷ USD doanh thu và 2 tỷ USD lợi nhuận trong năm 2021. Tổng tài sản lên đến 79 tỷ USD tính đến cuối quý I/2022.

Tại thị trường Việt Nam, sau khi thành công trong việc đầu tư vào Dự án Nhiệt điện khí Phú Mỹ tại Vũng Tàu, JERA định hướng phát triển các dự án LNG.

JERA nhận định, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng để phát triển LNG và năng lượng tái tạo để từ đó góp phần vào giảm thải CO2 và cung cấp năng lượng ổn định hỗ trợ tăng trưởng phát triển kinh tế đất nước.

Sau thời gian gần 1 năm tích cực trao đổi, xúc tiến các thủ tục liên quan, đến nay việc hợp tác đã đạt được và hoàn tất các thỏa thuận, mở ra 1 chương mới cho sự phát triển của GEC.

Kinh nghiệm cùng nền tảng công nghệ hiện đại của JERA hứa hẹn sẽ hỗ trợ GEC trong chiến lược mở rộng danh mục năng lượng tái tạo tiềm năng đến năm 2025.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, GEC tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh so với cùng kỳ.

Doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.076 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 572 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp duy trì tại mức 53%, đạt mức tích cực so với mức 39% trung bình ngành.

Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm đạt 228 tỷ đồng và 212 tỷ đồng, nếu so với kế hoạch phấn đấu 2022 lợi nhuận trước thuế 400 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm Công ty cũng đã hoàn thành 57%.

Từ đầu năm 2022 đến nay, các công ty chứng khoán đã phát hành cho cộng đồng nhà đầu tư 16 báo cáo phân tích tập trung chủ yếu là khuyến nghị mua/nắm giữ cổ phiếu GEG của Điện Gia Lai, với giá mục tiêu lên tới 30.000 đồng/cổ phiếu, tăng 36% so với giá thị trường hiện nay.

Trong Báo cáo cập nhật về cổ phiếu GEG vào tháng 6/2022, VCBS đã đưa ra khuyến nghị Mua với giá mục tiêu lên tới 29.800 (+22% so với thị giá cùng ngày).

VCBS đánh giá GEC là công ty có tiềm năng hưởng lợi nhất từ các chính sách cho các Dự án điện gió, điện mặt trời cùng tham vọng đầu tư các dự án năng lượng tái tạo khá tham vọng. Dòng tiền hoạt động từ các dự án về tốt đảm bảo cho việc trả nợ và các nhu cầu đầu tư mới.

Gần đây nhất, Công ty Chứng khoán HSC vừa ban hành báo cáo phân tích về cổ phiếu GEG với khuyến nghị mua vào cho giá mục tiêu 27.600 (+24% so với thị giá cùng ngày).

HSC uớc tính lợi nhuận sau thuế của GEC điều chỉnh tăng 44% trong năm 2022, tăng 19% trong năm 2023 và tăng 13% trong năm 2024.

CAGR lợi nhuận giai đoạn 2022-2024 đạt 25% nhờ các dự án điện gió mới đi vào hoạt động kèm theo sự gia tăng của nhu cầu điện tại Việt Nam.

Trên thị trường chứng khoán, mở cửa phiên ngày 17/8 giá cổ phiếu GEG đang ở mức 22.550 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan