Trong khi đó, tại vùng đầm lầy tại biên giới với Iraq, văn phòng kiểm soát hoạt động của giếng dầu North Azadegan chủ yếu được điều hành bởi các kỹ sư người Trung Quốc. Hiện tại, số lượng người Trung Quốc tại Iran đông hơn tất cả các cư dân ngoại quốc khác cộng lại.
Một thập kỷ phải gánh chịu các lệnh cấm vận vì chương trình hạt nhân đã khiến Iran chỉ có sự lựa chọn là các quốc gia khác phương Tây, trong đó Trung Quốc đóng vai trò là nhà đầu tư chính và đối tác thương mại lớn. Hiện tại, với việc các lệnh cấm vận được gỡ bỏ, chính quyền Iran đang cố gắng để giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc, tuy nhiên lại thấy mình lúng túng trong tình cảnh bị trói buộc với mối quan hệ cũ và những khước từ còn tồn tại với các quốc gia phương Tây.
“Trung Quốc đã thực hiện đủ các hoạt động đầu tư tại Iran. Chúng tôi sẽ cung cấp cơ hội cho các nhà đầu tư khác”, Mansour Moazami, Thứ trưởng Bộ Dầu mỏ Iran và hiện tại là Chủ tịch Tổ chức Phát triển và đổi mới công nghiệp Iran cho biết.
Mục tiêu là như vậy, nhưng những hậu quả để lại từ một thập kỷ bị cấm vận khiến Iran khó lòng rời xa khỏi vòng tay của Trung Quốc để tìm tới các nhà đầu tư khác. Khi thỏa thuận hạt nhân với các nước phương Tây được tiến hành, Iran được mô tả là kẻ chiến thắng lớn nhất khi các công ty châu Âu nóng lòng muốn thâm nhập vào một trong những thị trường mới nổi tiềm năng nhất trên toàn cầu này. Tuy nhiên, hiện tại, chính quyền Iran lại bị chỉ trích vì đã không thể hấp dẫn, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư phương Tây.
Việc các nhà đầu tư phương Tây, vì nhiều lý do, chậm tiếp cận với thị trường Iran đã đẩy quốc gia này phải quay lại vòng tay của Trung Quốc. Đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, khi áp lực gia tăng sản xuất để đưa sản lượng về mức trước khi bị trừng phạt tăng mạnh, nhằm giành lại thị phần trước các đối thủ. Trung Quốc là lựa chọn tốt nhất vì một số nhà băng phương Tây vẫn từ chối hoạt động thương mại với Iran bởi một số lệnh cấm vận về tài chính vẫn còn hiệu lực, đồng nghĩa với việc các công ty phương Tây không thể huy động vốn để tiến hành các dự án tại Iran.
Giai đoạn Iran bị cấm vận trước đây là thời kỳ tuyệt vời đối với Trung Quốc, bởi các quốc gia khác buộc phải đưa các công ty rời khỏi đây. Từ mức giao dịch thương mại của Iran với Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) tương đương nhau, mối giao dịch với Trung Quốc đã tăng hơn gấp 5 lần so với EU vào năm 2014, sau đó giảm nhẹ do tác động của giá dầu sụp đổ.
“Từ dầu mỏ cho tới chế tạo xe, điện tử, viễn thông, các công ty Trung Quốc nhanh chóng thâm nhập thị trường Iran, thường xuyên giành được những hợp đồng lớn”, Majidreza Hariri, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Iran - Trung Quốc cho biết.
Hiện tại, Trung Quốc đang muốn đưa mối quan hệ này tiến xa thêm một bước, khi kỳ vọng xây dựng lại Con đường tơ lụa kết nối thương mại tới châu Âu. Trong tháng 1/2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trở thành lãnh đạo cấp cao đầu tiên của một quốc gia trên thế giới tới thăm Iran sau khi các lệnh cấm vận được gỡ bỏ, cam kết sẽ đưa mối liên kết thương mại giữa hai quốc gia lên mức 600 tỷ USD trong 10 năm tới.
Có mối gắn kết về kinh tế chặt chẽ, nhưng mối quan hệ giữa 2 bên không hoàn toàn nồng thắm. Mặc dù Trung Quốc là một trong những nguồn cung vũ khí và công nghệ hạt nhân từ những năm 1980 cho Iran, nhưng quốc gia này đã phải hy sinh một số dự án chủ chốt nhằm bảo vệ mối quan hệ với Mỹ, theo John Garver, nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Georgia. Chưa kể, những khi cần thêm nguồn cung dầu mỏ, Trung Quốc luôn tìm tới Ả Rập Xê út đầu tiên, trong khi đây là đối thủ lâu năm của Iran.
Trong khi đó, về phần mình, Iran cũng nóng lòng muốn thoát khỏi vòng tay của Trung Quốc. Trung Quốc đã giành được rất nhiều hợp đồng kinh tế quan trọng dưới thời Cựu Thủ tướng Mahmouh Ahmadinejad. Hiện tại, chính phủ mới của Thủ tướng Hassan Rouhani muốn xây dựng lại mối quan hệ đầu tư với phần còn lại của thế giới và giảm thiểu những dấu ấn của quân đội lên nền kinh tế. Điều này có thể tạo rủi ro lớn cho các dự án của Trung Quốc tại quốc gia này.