ILO: Hơn một nửa dân số thế giới không được bảo trợ xã hội

0:00 / 0:00
0:00
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên hợp quốc, thế giới hiện có 4,1 tỷ người đang không nhận được bất cứ hình thức bảo trợ xã hội nào.
Chỉ có 46,9% dân số toàn cầu được hưởng lợi từ các biện pháp bảo trợ xã hội trong năm 2020. (Nguồn: socialprotection.org).

Chỉ có 46,9% dân số toàn cầu được hưởng lợi từ các biện pháp bảo trợ xã hội trong năm 2020. (Nguồn: socialprotection.org).

Hơn 50% dân số thế giới không được bảo trợ xã hội, ngay cả khi đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy chính phủ các nước hỗ trợ nhiều hơn cho người dân.

Đó là kết luận được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên hợp quốc đưa ra ngày 1/9 trong báo cáo về tình hình bảo trợ xã hội trên toàn cầu.

Theo ILO, thế giới hiện có 4,1 tỷ người đang không nhận được bất cứ hình thức bảo trợ xã hội nào.

Bảo trợ xã hội bao gồm tiếp cận chăm sóc sức khỏe và đảm bảo thu nhập, các biện pháp hỗ trợ đặc biệt cho tuổi già, thất nghiệp, ốm đau, tàn tật, gặp tai nạn lao động, thai sản hoặc mất đi người trụ cột chính trong gia đình, cũng như hỗ trợ bổ sung cho các gia đình có con nhỏ.

Báo cáo của ILO cho thấy trong năm 2020, chỉ có 46,9% dân số toàn cầu được hưởng lợi từ ít nhất một trong số những biện pháp bảo vệ nêu trên.

Tỷ lệ thấp này được duy trì ngay cả khi việc tiếp cận chăm sóc y tế và thất nghiệp đã chứng minh mối liên quan chặt chẽ hơn bao giờ hết trong bối cảnh dịch COVID-19.

Phát biểu với báo giới, Giám đốc ILO Guy Ryder cho biết: "Cuộc khủng hoảng này đã cho thấy công tác bảo trợ xã hội có vai trò quan trọng ra sao trong cách ứng phó của các quốc gia trên khắp thế giới. Nếu không có sự mở rộng ồ ạt và nhanh chóng của bảo trợ xã hội trong cuộc khủng hoảng COVID-19, tác động của đại dịch này chắc chắn sẽ còn tồi tệ hơn rất nhiều so với hiện nay."

Ông Ryder cho biết sự đánh giá mới này đối với các biện pháp bảo trợ xã hội đã mang lại "những tia sáng lạc quan giữa sự tàn phá của đại dịch." Ông kêu gọi các quốc gia tập trung vào những nỗ lực phục hồi xung quanh việc thúc đẩy các biện pháp bảo trợ xã hội.

Giám đốc ILO nêu rõ: "Các quốc gia đang ở ngã ba đường. Đây là thời điểm quan trọng để kiểm soát đại dịch, nhằm xây dựng các hệ thống bảo trợ xã hội dựa trên quyền lợi."

Mặc dù vậy, ông cũng cho rằng tuy đại dịch đã tạo cơ hội cho việc cải thiện các biện pháp bảo trợ xã hội, nhưng đại dịch cũng cho thấy sự chênh lệch rõ ràng giữa các biện pháp bảo trợ xã hội đang được thực hiện ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, chỉ ra "những khoảng trống lớn trong phạm vi bảo hiểm, mức độ đầy đủ và tính toàn diện của bảo trợ xã hội."

Theo ILO, châu Âu và Trung Á là những khu vực có tỷ lệ bao phủ bảo trợ xã hội cao nhất, với 84% dân số được hưởng ít nhất một hình thức bảo trợ xã hội. Tiếp đó là châu Mỹ, với mức bao phủ bảo trợ xã hội 64,3%.

Khoảng 44% số người dân sống ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và 40% số người dân ở các quốc gia Arab được hưởng ít nhất một chế độ bảo trợ xã hội, trong khi tỷ lệ này ở châu Phi chỉ là 17,4%.

Nhìn chung, các quốc gia chi trung bình 12,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho công tác bảo trợ xã hội, không bao gồm khoản chăm sóc y tế.

Tuy nhiên, mức chi tiêu này giữa các nước cũng có sự khác biệt đáng kể. Trong khi các quốc gia giàu có chi ra 16,4% GDP cho công tác bảo trợ xã hội, thì mức chi này ở các nước thu nhập thấp chỉ là 1,1%. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 có thể dễ dàng làm trầm trọng thêm sự chênh lệch này.

Báo cáo của ILO chỉ ra rằng nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các biện pháp đảm bảo thu nhập trong thời kỳ đại dịch COVID-19 đã khiến các chi phí nhằm đảm bảo những dịch vụ bảo trợ xã hội cơ bản đã vượt trần đối với những kinh tế bị khủng hoảng.

Báo cáo cho thấy để đảm bảo ít nhất một mức an sinh xã hội cơ bản, các quốc gia có mức thu nhập trên mức trung bình cần đầu tư thêm 750,8 tỷ USD/năm - tương đương 3,1% GDP của những nước này. Trong khi đó, các nước thu nhập thấp sẽ cần đầu tư thêm 77,9 tỷ USD/năm - tương đương 15,9% GDP.

Tin bài liên quan