Gần đây, Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy 2 Nghị quyết ĐHCĐ của CTCP Bê tông Ly tâm T1.
Theo đó, một cổ đông là doanh nghiệp nước ngoài đã đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Long An hủy 2 Nghị quyết ĐHCĐ được tổ chức trong năm 2017 vì lý do đại hội được tổ chức trái với trình tự, thủ tục quy định trong Luật Doanh nghiệp.
Ngoài các nội dung báo cáo về kết quả kinh doanh, báo cáo của HĐQT, Ban Kiểm soát…, 2 nghị quyết này còn có những nội dung quan trọng khác là bầu bổ sung thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2022, thông qua việc sửa đổi điều lệ công ty, chia cổ tức bằng cổ phiếu…
Theo cổ đông nước ngoài, họ không nhận được thông báo về việc tổ chức ĐHCĐ theo đúng thời hạn quy định (trước 10 ngày) nên không kịp cử người tham dự đại hội và do đó không thể ứng cử thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát, dù họ sở hữu hơn 14% vốn điều lệ.
Bản án sơ thẩm đã chấp nhận đơn khởi kiện của cổ đông này, tuyên hủy 2 nghị quyết ĐHCĐ. Bản án phúc thẩm sau đó đã bác đơn kháng cáo của CTCP Bê tông ly tâm T1.
Theo quy định, bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án, nên đến nay, 2 nghị quyết ĐHCĐ trên của CTCP Bê tông ly tâm T1 không còn hiệu lực pháp lý. Tuy nhiên, để bản án được thực thi, cổ đông của công ty này còn nhiều việc phải làm.
Báo Đầu tư Chứng khoán đã liên hệ với CTCP Bê tông ly tâm T1 để tìm hiểu khi nào Công ty sẽ tổ chức lại ĐHCĐ, nhưng chỉ nhận được câu trả lời “sẽ kiểm tra và thông tin sau” và không hẹn thời gian thông tin lại.
Thực tế xét xử tại các tòa án cho thấy, có không ít vụ kiện đề nghị tòa án tuyên hủy nghị quyết ĐHCĐ của doanh nghiệp. Khi nghị quyết bị hủy, doanh nghiệp cần tổ chức lại ĐHCĐ cho đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định. Nếu doanh nghiệp chậm trễ tổ chức lại sẽ ảnh hưởng đến cổ đông, đối tác, cũng như chính doanh nghiệp.
Theo Luật sư Nguyễn Vĩnh Ban (Công ty Luật DNAS), sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, đương sự - cổ đông cần làm đơn đề nghị thi hành án gửi tới cơ quan thi hành án. Trên cơ sở này, cơ quan thi hành án sẽ ra quyết định thi hành án và gửi tới cơ quan chức năng có liên quan.
Nếu nghị quyết ĐHCĐ có nội dung cần thay đổi đăng ký kinh doanh như vốn điều lệ, người đại diện theo pháp luật, ngành nghề kinh doanh…, thì cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ hủy bỏ đăng ký kinh doanh mới và khôi phục tình trạng trước đó.
Tương tự, thông tin về thành viên HĐQT mới cũng sẽ không được công nhận và khôi phục nguyên trạng.
Trong thời gian tòa án giải quyết vụ việc, để đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp không bị ảnh hưởng, các nghị quyết, quyết định bị khởi kiện vẫn tiếp tục được thực hiện cho đến khi có bản án có hiệu lực pháp luật. Đây chính là điều dễ gây ra những tranh chấp sau này.
Luật Doanh nghiệp quy định, cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu 10% cổ phần liên tục trong 6 tháng có quyền yêu cầu triệu tập cuộc họp ĐHCĐ. Nếu Chủ tịch HĐQT hoặc Trưởng Ban Kiểm soát của doanh nghiệp không triệu tập cuộc họp thì cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu từ 10% trở lên có quyền đại diện triệu tập cuộc họp
- Luật sư Nguyễn Vĩnh Ban
Trả lời câu hỏi, nếu tòa án tuyên hủy Nghị quyết ĐHCĐ, trong đó có kết quả bầu cử HĐQT và Ban Kiểm soát thì các quyết định, giao dịch, hợp đồng do HĐQT đó thực hiện có bị coi là vô hiệu?
Luật sư Nguyễn Vĩnh Ban cho rằng, bên thứ 3 - đối tác của doanh nghiệp không buộc phải biết và cũng không thể biết liệu nghị quyết đó có hiệu lực hay không nếu giao dịch hai bên ký kết không phải thông qua HĐQT.
“Đối với bên thứ 3, cần phải công nhận các giao dịch đó, dù sau này Nghị quyết ĐHCĐ bị tuyên hủy dẫn đến sự thay đổi về thành phần HĐQT”, Luật sư Ban nêu quan điểm.
Luật sư Bùi Thanh Lam (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, trong trường hợp 2 bên giao dịch, ký hợp đồng, nếu hành vi đó gây bất lợi cho doanh nghiệp thì xem xét trách nhiệm cá nhân những người có liên quan dẫn đến việc nghị quyết bị hủy, trong đó có trách nhiệm vật chất (bồi thường) và trách nhiệm hình sự (nếu cố ý làm trái, gây thiệt hại cho cổ đông và doanh nghiệp).
Trong trường hợp khác, dù tòa đã tuyên hủy nghị quyết, nhưng có doanh nghiệp không tổ chức lại ĐHCĐ. Trong trường hợp này, cơ quan thi hành án gặp khó bởi không biết phải áp dụng biện pháp nào để cưỡng chế Chủ tịch HĐQT/Trưởng Ban Kiểm soát của doanh nghiệp đó phải đứng ra triệu tập cuộc họp ĐHCĐ.
“Luật Doanh nghiệp quy định, cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu 10% cổ phần liên tục trong 6 tháng có quyền yêu cầu triệu tập cuộc họp ĐHCĐ. Nếu Chủ tịch HĐQT hoặc Trưởng Ban Kiểm soát của doanh nghiệp không triệu tập cuộc họp thì cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu từ 10% trở lên có quyền đại diện triệu tập cuộc họp”, Luật sư Ban nói.
Quy định là vậy, nhưng việc cổ đông đại diện công ty triệu tập cuộc họp ĐHCĐ là không dễ dàng bởi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lập hồ sơ, thời gian, chi phí...
Ngoài ra, theo quy định về điều kiện tiến hành họp ĐHCĐ, Luật Doanh nghiệp yêu cầu số lượng cổ đông dự họp phải đạt ít nhất là 51% cho lần đầu tiên, 33% cho lần thứ 2 và không yêu cầu cho lần thứ 3. Do đó, rất có thể sẽ phải triệu tập đến 3 lần mới có thể tổ chức được ĐHCĐ.