Chiến lược “Làn gió phương Nam” của Hàn Quốc
Khoảng 300 nhà đầu tư tổ chức đến từ Hàn Quốc và Việt Nam đã hội tụ tại Hà Nội, tham gia Hội nghị tài chính quốc tế lần thứ 7 nhằm tìm kiếm sự thấu hiểu và hợp tác sâu hơn trong lĩnh vực đầu tư, cung cấp dịch vụ tài chính.
Ông Yoo Kwang Yeol, Phó chủ tịch thứ I, Ủy ban Tư vấn tài chính Hàn Quốc cho biết, trong chính sách “Làn gió mới phương Nam”, Chính phủ Hàn Quốc đã đặt mục tiêu đến năm 2020, quan hệ thương mại Việt Nam – Hàn Quốc sẽ lên tới 100 tỷ USD, chiếm khoảng 50% tổng giá trị kim ngạch thương mại từ Hàn Quốc sang các nước ASEAN.
Ông Yeol cho biết, Việt Nam là quốc gia chủ chốt trong chính sách “Làn gió phương Nam” của Hàn Quốc, mà lý do đến từ nhiều yếu tố, trong đó có sự tương đồng về hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, sự thấu hiểu sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và đặc biệt là do môi trường đầu tư tại Việt Nam đang ngày càng cởi mở, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Năm 1992, hai quốc gia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch giao thương trong năm này là 500 triệu USD. Sau 25 năm, kim ngạch giao thương giữa 2 quốc gia (đến năm 2017) đã đạt 63,9 tỷ USD và Việt Nam đã trở thành một trong bốn đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc.
Dòng vốn từ Hàn Quốc bên cạnh việc đầu tư trực tiếp vào Việt Nam thông qua các dự án mà lớn nhất là Nhà máy Samsung, thì cũng đã có 47 thương vụ vốn đầu tư Hàn Quốc đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam thông qua việc mua lại cổ phần, cổ phiếu, M&A các doanh nghiệp (DN).
Năm 2008, Ngân hàng Standard Chartered thực hiện đầu tư vào trái phiếu chuyển đổi của Ngân hàng TMCP Á châu, nhằm nâng sở hữu tại đây lên mức 15,86%. Năm 2009, Ngân hàng ANZ (Hàn Quốc) góp 78 triệu USD mua cổ phần của FPT.
Năm 2009, Quỹ đầu tư từ Hàn Quốc (Vietnam Phoenix Fund Limite) bỏ 2,8 triệu USD mua cổ phần của CTCP Nhựa và Môi trường xanh An Phát và sau đó, các thương vụ góp vốn từ Hàn Quốc diễn ra đều đều hàng năm. Năm 2016, CTCP Gelex nhận khoản đầu tư 79 triệu USD từ Hàn Quốc. Năm 2017, Quỹ đầu tư Rhinos Asset Management chi 20 triệu USD mua cổ phần của CTCP Dược phẩm Cửu Long.
Đầu tháng 2 vừa qua, An Phat Holdings, thành viên của tập đoàn An Phát, đã nhận được 353 tỷ đồng (tương đương 15,6 triệu USD) từ quỹ đầu tư quản lý bởi công ty quản lý quỹ Valuesystem, một phần trong mức vốn cam kết của quỹ đầu tư đến từ Hàn Quốc này.
Theo phương án đầu tư của Valuesystem, An Phát holdings được định giá khoảng 143 triệu USD. Ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch AAA cho biết, đây là bước khởi đầu trong kế hoạch thu xếp vốn cho các công ty thành viên trong Tập đoàn An Phát, hướng tới hiện thực hóa kế hoạch kinh doanh táo bạo nhưng đầy tiềm năng để chạm mốc doanh thu 1 tỷ USD của toàn Tập đoàn đến năm 2025.
Bên cạnh hoạt động đầu tư trực tiếp đã xác lập vị trí số 1 tại Việt Nam, đầu tư gián tiếp của Hàn Quốc 10 năm qua đã và đang giúp những DN được nhận đầu tư lớn mạnh. Là người có mặt tại Việt Nam từ năm 2007, ông Gang Mun Gyeong, Phó tổng giám đốc Miraeasset Daewoo “kể” cho nhà đầu tư Hàn Quốc nghe về sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam thông qua hình ảnh những tòa nhà cao tầng mọc lên ngày một nhiều.
TTCK Việt Nam có khoảng 30 DN có giá trị rất lớn (quy mô vốn hóa từ 1 tỷ USD) và các DN này đều có khát vọng vươn tầm quốc tế. Viamilk, Vietcombank, Sabeco, Vingroup… là những “cánh cửa lớn rộng mở” trong tầm nhìn dài hạn mà ông Gyeong cho rằng, nhà đầu tư Hàn Quốc không nên bỏ qua.
Cơ hội không đến lần hai
Trong khi Chiến lược “Làn gió phương Nam” của Hàn Quốc hướng trọng tâm vào nâng tầm quan hệ hợp tác với Việt Nam thì từ Việt Nam, cơ hội đầu tư tài chính cho dòng vốn nước ngoài đang rộng mở chưa từng có. Như lời luật sư Lê Nết, Công ty Luật LNT&Partner thì sau khi hoàn tất cổ phần hóa DNNN (giai đoạn 2017-2020), Chính phủ Việt Nam sẽ không còn những DN lớn để chào bán nữa. Vì thế, nếu thực sự “để mắt” tới Việt Nam, thì dòng vốn Hàn Quốc không thể bỏ qua cơ hội này.
Cơ hội trên thị trường tài chính Việt Nam được nhận diện trong nhiều không gian như tham gia vào quá trình tái cấu trúc ngân hàng, phát triển các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm hợp với xu hướng công nghệ sáng tạo, tham gia vào các DN tư nhân đang có khát vọng vươn ra toàn cầu của Việt Nam và đặc biệt là tham gia vào quá trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước mà Chính phủ đã định.
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, riêng năm 2018, Chính phủ đã quyết định sẽ cổ phần hóa 64 DN và thoái vốn tại 180 DN mà Nhà nước đang nắm cổ phần. Các DN này cung ứng một lượng hàng hóa lớn ra thị trường (sau IPO, DN sẽ phải lên sàn) và nếu bắt đúng cơ hội, thì cả bên bán và bên mua sẽ đều có lợi.
Theo tính toán sơ bộ của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Việt Nam, các thương vụ IPO, thoái vốn từ Việt Nam năm 2018 có quy mô khoảng 4 tỷ USD. Điểm thuận lợi là 3 cuộc bán vốn đầu năm nay (chào bán của Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Oil, CTCP Điện lực dầu khí) đã thu hút khá đông người mua, trong đó có các tổ chức lớn nước ngoài. Những DN tốt như vậy không còn quá nhiều, nhà đầu tư nếu bỏ lỡ cơ hội sẽ khó có thể tìm thấy một lần nữa.
Tuy nhiên, góc nhìn của một số đơn vị tư vấn cho rằng, ngay cả ở những DN kinh doanh thua lỗ như CTCP Gang thép Thái Nguyên cũng có thể là cơ hội với nhà đầu tư Hàn Quốc nếu tìm được tiếng nói chung và cải tổ DN bằng công nghệ, kỹ thuật mới từ Hàn Quốc.
Như Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK chia sẻ thì đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần của DN Việt Nam năm 2017 đã mang lại khoản lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư nước ngoài. Riêng các quỹ đầu tư (thuần túy đầu tư tài chính) ghi nhận lợi nhuận trên 50% trong 1 năm qua.
Cơ hội từ Việt Nam là rõ nét, nhưng vốn từ Hàn Quốc có chảy vào thị trường tài chính Việt Nam mạnh mẽ hơn được hay không vẫn là câu hỏi ngỏ. Như luật sư Gil Yeong Min chia sẻ thì ông đã ở Việt Nam 2 năm để tìm hiểu về luật pháp và tư vấn cho các DN Hàn Quốc về khía cạnh luật pháp và ông nhận ra rằng, mỗi thương vụ đầu tư tại Việt Nam là một câu chuyện riêng.
Dù hệ thống pháp lý và chất lượng cải cách thủ tục hành chính tại Việt Nam đã tốt hơn nhiều, nhưng ông Yeong Min cho rằng, nếu muốn đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư Hàn Quốc phải nỗ lực gấp 4 lần so với đầu tư tại nước sở tại, mới có thể hoàn thiện các bước về pháp lý để tiến đến đầu tư.
Nhu cầu mở rộng đầu tư từ Hàn Quốc sang Việt Nam thể hiện rõ qua hàng trăm con người đến dự sự kiện. Cơ hội từ Việt Nam cũng thấy rõ khi các kênh đầu tư đều rộng mở đón chào. Nhưng “không có bữa trưa nào miễn phí” và cũng không có khoản đầu tư nào là dễ dàng sinh lời khi các hai bên không thực sự dấn thân.