HSC và “ngôi vua” đầy thị phi

HSC và “ngôi vua” đầy thị phi

(ĐTCK) Tìm hiểu kỹ con đường đến "ngôi vua" của HSC thì thấy, không phải mọi chuyện đều lấp lánh như thị trường vẫn tưởng.

Chiếm thị phần môi giới số 1 thị trường cũng như có lợi nhuận khủng khi hầu hết các CTCK thua lỗ, thành tích của CTCK TP. HCM (HSC) thật đáng kính nể nếu như không có sự vụ bị phạt nặng do liên quan đến hành vi bán khống tuần qua. Tìm hiểu kỹ câu chuyện này cũng như con đường kiếm lợi nhuận của HSC thì thấy, không phải mọi chuyện đều lấp lánh như thị trường vẫn tưởng.

HSC và “ngôi vua” đầy thị phi ảnh 1Theo thống kê của ĐTCK, HSC đứng thứ nhất về thị phần môi giới trên cả 2 sàn 9 tháng qua

Bị phạt vì… nhân viên?

Tuần qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) ra quyết định xử phạt HSC 105 triệu đồng do đã bố trí người chưa có chứng chỉ hành nghề chứng khoán thực hiện nghiệp vụ môi giới và chưa giám sát, ngăn ngừa một cách hiệu quả, để xảy ra vi phạm của người hành nghề, nhân viên môi giới. Theo UBCK, ông Nguyễn Viết Xuân - người hành nghề chứng khoán và bà Phạm Thị Sương - nhân viên môi giới của HSC, đã cho khách hàng mượn chứng khoán trên tài khoản của khách hàng khác để bán. Mỗi đối tượng đã bị phạt 85 triệu đồng, đồng thời ông Nguyễn Viết Xuân bị thu hồi chứng chỉ hành nghề chứng khoán.

Ngay sau khi sự việc diễn ra, HSC đã có thông cáo báo chí, viết: “HSC đã nghiêm khắc xem xét xử lý kỷ luật với hình thức cao nhất đối với các nhân viên không tuân thủ quy định”. Lãnh đạo Công ty cho rằng, đây là hành vi mang tính chất cá nhân của một vài nhân viên và Công ty không có chính sách tạo kho hàng để cho khách hàng vay mượn chứng khoán.

Nếu đúng như vậy, điều dư luận quan tâm là có hay không việc HSC dung túng hoặc làm ngơ cho nhân viên thực hiện tình trạng vay mượn cổ phiếu và bán khống? Theo lời một môi giới làm việc cho HSC, họ thoái mái lập ra các “kho hàng” để phục vụ cho khách hàng khi có nhu cầu. Trường hợp 2 môi giới Nguyễn Viết Xuân và Phạm Thị Sương bị xử phạt chỉ là “không may” bị phát hiện.

Một nhà đầu tư có tài khoản tại HSC cho biết, bà thường xuyên được nhân viên của Công ty mời chào dịch vụ cho vay và vay cổ phiếu trực tiếp và qua tin nhắn. Nhân viên thực hiện công khai như vậy, tại sao hệ thống giám sát của Công ty không phát hiện được? Theo một nguồn tin từ UBCK, cán bộ thanh tra từng đóng vai nhà đầu tư mở tài khoản tại một số CTCK, trong đó có HSC, nên có đủ bằng chứng về việc nhân viên môi giới mời chào nhà đầu tư sử dụng dịch vụ vay và cho vay chứng khoán.

Trên danh nghĩa, việc vay mượn chứng khoán được ngụy trang dưới hình thức các cá nhân thỏa thuận với nhau, cơ quan quản lý chỉ phát hiện ra khi có nhà đầu tư đứng ra tố cáo (trong trường hợp này là nhà đầu tư tố cáo ông Nguyễn Viết Xuân đến UBCK). Môi giới là người đóng vai trò trung gian, kết nối nhà đầu tư có nhu cầu vay - cho vay cổ phiếu, bằng mọi cách khuyến khích họ giao dịch để đạt định mức Công ty giao và được hưởng hoa hồng cao.

Theo một số môi giới, khi đã thỏa thuận được với bên cho vay chứng khoán, bên vay sẽ phải chịu một khoản gọi là chi phí cho vay bán chứng khoán, mức phí này dao động từ 0,06% đến 0,07%/ngày, tính trên tổng giá trị giao dịch thực hiện. Ở một số trường hợp, mức phí sẽ được tính là 1,1% trên giá trị giao dịch trong vòng 6 - 7 ngày kể từ ngày thực hiện giao dịch, nếu sau thời điểm này mà người vay vẫn chưa “trả hàng” thì sẽ áp mức lãi suất cao hơn.

HSC có hoàn toàn vô can và tất cả lỗi đều là do nhân viên làm? Rất nhiều người đặt ra câu hỏi này, nhất là sau khi đọc Thông cáo báo chí “giải thích” vụ việc với công chúng của HSC.

 

Lợi nhuận lớn từ đâu?

HSC được lợi gì từ dịch vụ “chui” mà nhân viên Công ty này thực hiện? Giao dịch nhiều, khách hàng sẽ sử dụng các sản phẩm tài chính của Công ty và phải nộp khoản phí đáng kể. Bên cạnh đó, Công ty còn thu được phí từ việc nhà đầu tư bán và mua chứng khoán để trả hàng, tạo ra doanh số giao dịch lớn hơn rất nhiều nếu chỉ thực hiện trên tài khoản thực có của nhà đầu tư.

Nếu đọc báo cáo thường niên 2011 của HSC có thể thấy, cách quản lý tài khoản khách hàng của Công ty hiện nay không khó để nhân viên thực hiện việc vay mượn tiền và chứng khoán trong tài khoản: Đa số khách hàng chọn việc mở tài khoản qua tài khoản tổng tại HSC. Đối với các nhà đầu tư, HSC hoạt động như một tổ chức tín dụng và nhà đầu tư gửi tiền vào tài khoản tổng do HSC quản lý. HSC đã trang bị sẵn sàng hệ thống SBL (Securities Borrowing and Lending) đối với nghiệp vụ vay và cho vay chứng khoán. “Cùng với nghiệp vụ cho vay giao dịch ký quỹ mới được phép triển khai trong năm 2011, HSC sẽ đáp ứng nhu cầu giao dịch của khách hàng với nghiệp vụ vay và cho vay chứng khoán trong tương lai”, báo cáo viết.

Ông Johan Nyeve, Tổng giám đốc HSC trả lời cơ quan truyền thông rằng, lợi nhuận của Công ty chủ yếu đến từ việc kinh doanh nguồn vốn chủ sở hữu trên 2.000 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính của HSC, năm 2011, Công ty này có doanh thu 397 tỷ đồng, trong đó dịch vụ hỗ trợ thanh toán chiếm tới 163 tỷ đồng, lãi tiền gửi đạt 145 tỷ đồng, góp phần tạo ra lợi nhuận sau thuế gần 200 tỷ đồng.

Dấu hỏi ở đây là dịch vụ hỗ trợ thanh toán chiếm tỷ trọng lớn nhất đến từ những nguồn nào? Báo cáo thường niên 2011 của HSC viết “HSC có khả năng đáp ứng ngay cả với các khoản mục cho vay thanh toán những giao dịch lớn, ngay lập tức”. Cần lưu ý rằng, CTCK không có chức năng cho vay, đồng thời mãi tới cuối quý III/2011, sản phẩm cho vay giao dịch ký quỹ mới được UBCK cho phép thực hiện. Ở đây nên hiểu dịch vụ hỗ trợ thanh toán của HSC như thế nào để tạo ra khoản doanh thu lớn như vậy?

Không ít sản phẩm của HSC cũng đang gây băn khoăn cho nhà đầu tư rằng, liệu cơ quan thanh tra để mắt đến, họ có “vô tình” vi phạm quy định pháp luật (phải có tiền và chứng khoán trong tài khoản mới được giao dịch)  như: “Tự động tính sức mua ngay khi đặt lệnh mua cho dù lệnh mua chưa khớp.  Khoản tiền bán chứng khoán được cộng ngay vào sức mua tài khoản mà không cần làm thủ tục ứng trước tiền bán. Quyền mua đã thanh toán, cổ phiếu thưởng đang chờ về được cộng ngay vào sức mua của tài khoản”…

 

Thất vọng “ngôi vua”   

Đứng số 1 trong bất cứ lĩnh vực hoạt động nào cũng là niềm mơ ước của doanh nghiệp khi hoạt động trong lĩnh vực đó. Tuy nhiên, điều này chỉ thực sự có ý nghĩa khi doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển bền vững của thị trường.

Vụ việc HSC bị phạt đang làm bùng lên những bức xúc bấy lâu của nhà đầu tư khi họ cảm thấy tại một số CTCK, nguyên tắc công bằng bị phá vỡ và vi phạm nghiêm trọng, tạo ra môi trường cạnh tranh không bình đẳng, làm các nhà đầu tư chân chính thua lỗ nặng nề và mất niềm tin vào TTCK. Đơn cử, hiện tượng tiếp tay cho bán khống, tình trạng một số môi giới kết hợp với một nhóm đầu tư thỏa thuận mượn cổ phiếu khách hàng, sau đó bán để "dìm" giá cổ phiếu giảm đến một mức nào đấy, rồi họ sẽ mua trả lại hàng. Điều này đã từ lâu khiến rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ bức xúc, nhất là khi từ đầu tháng 9 đến nay, thị trường đã sụt giảm rất mạnh.

Điều nguy hiểm đã và đang tồn tại ở các CTCK nói chung là việc sử dụng tài khoản tổng, môi giới là người theo dõi tài khoản của nhà đầu tư. Khi thấy tình trạng một số tài khoản đứng im không có giao dịch, nếu CTCK không được quản trị tốt thì môi giới sẽ dễ nảy sinh tình trạng chủ động mượn tạm chứng khoán cho khách hàng nào có nhu cầu “bán khống”. Một cộng tác viên của HSC cho hay, trong hợp đồng của HSC ký với khách hàng khi mở tài khoản, có một điều khoản trao quyền rất lớn cho nhân viên: “Ủy quyền toàn bộ cho người quản lý tài khoản được quyền đặt lệnh mua, bán…”.

Những hạn chế của TTCK Việt Nam về sự nghèo nàn về sản phẩm đã được đề cập rất nhiều lần, nhưng “lách luật” để tạo ra những ưu thế cho riêng khách hàng của mình và lôi kéo khách hàng gia tăng giao dịch, tạo ra sự bất công bằng và lộn xộn trên thị trường rõ ràng không phải là con đường đi lên “có hậu” của bất kỳ CTCK nào. Con đường này, dù có khiến CTCK đạt được “ngôi vương”, nhưng không nhận được sự kính nể của các thành viên thị trường.

Hơn bất cứ lời tự quảng bá đẹp đẽ nào, trở thành CTCK được yêu thích nhất trên TTCK Việt Nam do chính thị trường công nhận và từ các hoạt động nghiệp vụ hợp pháp để giành lợi nhuận cao, đó mới là con đường bền vững để tiến đến “ngôi vương” mà CTCK cần hướng tới.        

Ông Lê Công Thiện, Phó tổng giám đốc phụ trách môi giới HSC

Về việc nhà đầu tư Nguyễn Thế Nhân khiếu nại về nhân viên và trách nhiệm của HSC, chúng tôi muốn giải thích rõ thêm sự việc này bao gồm hai nội dung hoàn toàn khác nhau: Việc nhân viên môi giới cung cấp dịch vụ giới thiệu cho khách hàng vay mượn chứng khoán lẫn nhau mà không có sự đồng ý của Công ty là vi phạm quy định Công ty, quy định của Luật Chứng khoán. Nhân viên này đã bị UBCK phạt và Công ty xử lý kỷ luật. Công ty cũng có trách nhiệm liên đới và đã bị UBCK phạt vi phạm hành chính.

Việc NĐT thỏa thuận với nhân viên môi giới cùng kinh doanh trên tài khoản của nhân viên, dẫn đến thua lỗ và khiếu kiện là vụ viêc mang tính chất dân sự. HSC không thể theo dõi việc nhà đầu tư tự mình chuyển tiền vào tài khoản của nhân viên, cũng như không thể cấm nhân viên giao dịch trên tài khoản của mình, vì đây là các hành vi hợp pháp.

Về lợi nhuận của HSC, với một TTCK nhỏ như hiện nay thì giá trị giao dịch và những hoạt động môi giới  rất giới hạn nên chúng tôi không trông chờ vào lợi nhuận từ những hoạt động môi giới. Tất cả lợi nhuận tại HSC đều đến từ các hoạt động liên quan đến việc  kinh doanh và sử dụng nguồn vốn và những con số này đã được công khai trên báo cáo tài chính có kiểm toán của Công ty.

> Xử lý bán khống: “Giơ cao” rồi lại “đánh khẽ”?

> Hai nhân viên của HSC bị phạt 170 triệu đồng vì cho khách bán khống