Ở Xã Tân Cương (TP Thái Nguyên, Tỉnh Thái Nguyên đã có 6/12 hợp tác xã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 đến 5 sao - Ảnh thi sao chè tại lễ hội trà xuân Tân Cương
Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ thì được góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp nhằm mục tiêu hỗ trợ hoạt động, hỗ trợ liên kết, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Đây là nội dung khoản 1 điều 81 dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi (Dự thảo) sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp chiều nay (16/3).
Dự thảo Luật này đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 4, sau chỉnh lý đã tăng 2 điều (Dự thảo Luật hiện nay gồm 12 chương với 113 điều).
Tại báo cáo một số vấn đề lớn của Dự thảo vừa hoàn thành ngày 14/3, Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra - Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, thảo luận tại kỳ họp thứ tư, đa số ý kiến đề nghị giữ nguyên tên gọi là Luật Hợp tác xã (sửa đổi) theo đúng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, tránh các hệ lụy và tác động của việc thay đổi tên gọi như các chi phí xã hội phát sinh liên quan đến công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật cũng như việc phải rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan.
Thường trực Ủy ban Kinh tế xin tiếp thu, giữ nguyên tên gọi của dự án Luật là Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung tại các điều, khoản của dự án Luật và thiết kế lại bố cục, kết cấu của dự án Luật bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với tên gọi của dự án Luật.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo mới nhất cũng đã chỉnh lý các quy định về nguyên tắc, tiêu chí và nguồn vốn thực hiện chính sách, trong đó khẳng định một trong những nguyên tắc thực hiện chính sách là thống nhất triển khai theo Chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước ở từng thời kỳ, không thấp hơn chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; làm rõ tiêu chí thụ hưởng chính sách của Nhà nước đối với tổ hợp tác, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã.
Cơ quan thẩm tra cho biết, một trong những tiêu chí ưu tiên lựa chọn tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thụ hưởng chính sách của Nhà nước là tham gia liên kết hình thành chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi số vì mục tiêu phát triển bền vững, tổ chức hoặc tham gia các hoạt động lợi ích cộng đồng dân cư.
Tại dự thảo cũng quy định một số chính sách ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp như hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh, hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp quy mô lớn; tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong một số lĩnh vực nông nghiệp tại một số địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp.
Dự thảo cũng có các chính sách hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh để làm nhà kho, cửa hàng mua bán, trưng bày, giới thiệu sản phẩm... được hưởng mức ưu đãi thuế, ưu đãi phí và lệ phí cao nhất trong cùng lĩnh vực, ngành, nghề và địa bàn theo pháp luật về thuế, phí và lệ phí.
Về liên đoàn hợp tác xã, nhiều ý kiến đề nghị chưa luật hóa các nội dung liên quan đến liên đoàn hợp tác xã tại dự thảo Luật lần này, việc luật hóa sẽ xem xét điều chỉnh sau khi thực hiện nghiên cứu xây dựng thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã theo đúng chủ trương của Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Với quan điểm những nội dung chưa đủ chín, chưa đủ rõ, vẫn còn ý kiến khác nhau thì chưa đưa vào luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị chưa luật hóa các nội dung về liên đoàn hợp tác xã tại dự thảo Luật lần này. Để thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 20-NQ/TW, đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật . Sau thời gian thí điểm, sẽ tiến hành đánh giá tổng kết và nghiên cứu đề nghị Quốc hội bổ sung tại Luật những quy định phù hợp, khả thi, đã được kiểm nghiệm trên thực tiễn liên quan đến mô hình liên đoàn hợp tác xã.
Liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp, một số ý kiến đề nghị không cần quy định chi tiết các hình thức đăng ký thành lập doanh nghiệp tại hợp tác xã; đề nghị bổ sung quy định về điều kiện cho phép thành lập doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chỉnh lý và thể hiện tại Điều 81 dự thảo Luật về việc hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ thì được góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp nhằm mục tiêu hỗ trợ hoạt động, hỗ trợ liên kết, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Theo đó, Điều 81 quy định:
1. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ thì được góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp nhằm mục tiêu hỗ trợ hoạt động, hỗ trợ liên kết, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
2. Việc góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải bảo đảm các quy định sau đây:
a) Được Đại hội thành viên thông qua;
b) Không được sử dụng các nguồn vốn thuộc quỹ chung không chia và tài sản chung không chia để góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp;
c) Tổng mức đầu tư của việc góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ và Điều lệ.
3. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải thông báo với cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Sau khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Dự thảo sẽ được hoàn thiện trình Quốc hội thảo luận, thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).