Jetstar Pacific là hãng có tỷ lệ chậm, hủy chuyến cao nhất trong tháng 7/2014

Jetstar Pacific là hãng có tỷ lệ chậm, hủy chuyến cao nhất trong tháng 7/2014

Hỏng chuyến, chậm chuyến hàng không đã về mức tiêu chuẩn quốc tế!

Chất lượng dịch vụ của các hãng hàng không nội địa đã có dấu hiệu  cải thiện đáng kể trong tháng 7/2014, khi tỷ lệ chậm, hủy chuyến bay bình quân đã được đưa về mức 21,8%. Tỷ lệ này khá đẹp nếu so cả với hãng hàng không tại Mỹ, châu Âu, nhưng tất nhiên, Việt Nam không có... bão tuyết. 

Theo Cục Hàng không Việt Nam (CHKVN), trong tháng 7/2014, các hãng hàng không Việt Nam (gồm Vietnam Airlines, VietJet Air, Jestar Pacific, Vasco) đã thực hiện tổng cộng 15.844 chuyến bay, trong đó có 3.276 chuyến bay bị chậm (chiếm 20,7%) và 182 chuyến bị hủy (chiếm 1,1%).

Tỷ lệ chậm, hủy chuyến bay này được các chuyên gia đánh giá là tương đương với cùng kỳ năm 2013 và ở mức trung bình của khu vực.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), tỷ lệ chậm,  hủy chuyến bình quân trên tổng số chuyến bay của hãng hàng không là 25%, trong đó ở khu vực Bắc Mỹ là 30%, châu Âu là 20%, châu Á là 29%...

Với tỷ lệ chậm chuyến là 31,9%, hủy chuyến là 1,2%, Jestar Pacific là hãng hàng không có tỷ lệ chậm, hủy chuyến cao nhất; tiếp theo là Vietnam Airlines có tỷ lệ chậm chuyến là 18,2%, hủy chuyến là 1,1%; Vasco có tỷ lệ chậm chuyến là 8,7%, hủy chuyến là 0,3%.

VietJet Air là hãng có tỷ lệ chậm, hủy chuyến giảm ấn tượng nhất trong 2 tuần qua, với tỷ lệ chậm chuyến là 24,7% và hủy chuyến là 1,2% do những động thái quyết liệt của CHKVN giải toả những nút tắc, nghẽn tại sân bay, tăng cường trang thiết bị mặt đất để phục vụ cho hãng, như cấp thêm xe thang, xe buýt cho các sân bay.

VietJet Air cũng được đánh giá là xử lý tốt việc hỗ trợ, bồi thường cho hành khách trong các trường hợp chuyến bay của hãng này bị chậm, hủy chuyến vì những lý do bất khả kháng.

Đại diện CHKVN cho biết, nguyên nhân khách quan gây ra tình trạng máy bay bị chậm là 9,7%; do tàu bay về muộn chiếm 50,5% và nguyên nhân chủ quan chiếm 39,8%. Trong số các nguyên nhân chủ quan, thì nguyên nhân do các hãng hàng không chiếm 25,1% các chuyến bay bị chậm; do quản lý bay chiếm 10% và do trang thiết bị, dịch vụ tại cảng hàng không chiếm 4,7%.

Về hủy chuyến, yếu tố thời tiết chiếm 41,2% số các chuyến bay bị hủy; yếu tố kỹ thuật chiếm 47,3%, còn lại do các lý do khác như không bố trí kịp tổ bay dự kiến, tàu bay sửa chữa, bảo dưỡng quá thời gian dự kiến; bảo dưỡng sửa chữa do sự cố đột xuất…

Cần phải nói thêm rằng, tỷ lệ chậm, hủy chuyến bay trong 7 tháng đầu năm 2014 của các hãng hàng không Việt Nam là 23,9%, trong đó đến tháng 7, tỷ lệ của Vietnam Airlines và VietJet Air đã nằm trong mức trung bình của thế giới.

“Đặc biệt, không có chuyện các hãng hàng không huỷ chuyến vì lý do thương mại như dư luận nêu”, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng CHKVN khẳng định.

Để tiếp tục kéo giảm tỷ lệ chậm, hủy chuyến bay, CHKVN đã đưa ra một số khuyến cáo đối với các hãng hàng không chi phí thấp. Theo đó, hiện một số hãng hàng không chi phí thấp đang xây dựng thời gian lăn ra (taxi out) đối với chuyến bay cất cánh và lăn vào (taxi in) đối với chuyến bay hạ cánh đều là 10 phút/lần đối với tất cả các chuyến bay tới tất cả các cảng hàng không vào tất cả các khung giờ trong ngày.

Trong khi đó, theo thống kê, trong thời gian cao điểm tại Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Đà Nẵng, với điều kiện thời tiết bình thường, thời gian cho 1 lần lăn dao động từ 17 phút đến hơn 20 phút, cá biệt có nhiều chuyến lên tới 25 phút (hầu hết các chuyến bay xuất phát từ Tân Sơn Nhất trong khung giờ cao điểm sáng từ 9 đến 11h30 và chiều từ 15h30 đến 18h đều phải lăn ra vị trí xuất phát mất từ 17 đến 23 phút).

Ngược lại, nhiều chuyến bay của các hãng tới các cảng hàng không địa phương như Vinh, Liên Khương, Buôn Mê Thuột, Phú Quốc, Cần Thơ, Thanh Hóa, Quy Nhơn, các chuyến bay đến Nội Bài sau 21h… đều chỉ mất thời gian taxi out là 5-8 phút, cá biệt có nhiều chuyến chỉ 3 - 4 phút.

“Vì vậy, các hãng hàng không chi phí thấp cần cân nhắc, tiếp tục rà soát lịch bay, lịch quay đầu tàu bay tại từng cảng hàng không, từng thời điểm nhằm hạn chế ảnh hưởng tới tổng thời gian khai thác từng tàu bay hàng ngày, nhưng đảm bảo giảm tỷ lệ chậm chuyến, vì lý do tàu bay về muộn do ảnh hưởng của thời gian chờ cất cánh”, CHKVN khuyến cáo.

Với những chuyển biến rõ rệt này, có cơ sở để tin rằng, mục tiêu giảm nhanh tỷ lệ huỷ chuyến bay mà Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng đặt ra cho ngành hàng không có khả năng trở thành hiện thực.

Tin bài liên quan