Ngày 29/7/2010, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh đã ra quyết định xử phạt 19 DN bảo hiểm tham gia ký kết vào Bản điều khoản biểu phí tiêu chuẩn bảo hiểm vật chất xe cơ giới, mặc dù các DN bảo hiểm đã điều trần do bị thua lỗ nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, ký kết nhưng chưa DN bảo hiểm nào thực hiện, chưa báo cáo sản phẩm bảo hiểm mới triển khai theo mẫu Phụ lục số 7 ban hành kèm theo Thông tư 155/2007/TT-BTC ngày 20/12/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm. Các điều tra viên và Hội đồng cho rằng, việc ký kết và 19 DN bảo hiểm tham gia ký kết có thị phần chiếm hơn 30% là đủ yếu tố cấu thành vi phạm Luật Cạnh tranh, nên phải xử lý.
Hệ lụy của vấn đề trên là hiện nay tất cả các hợp đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm được các DN bảo hiểm cùng ký kết trong đó nội dung điều khoản của hợp đồng ghi rõ điều khoản, điều kiện bảo hiểm, phí bảo hiểm thống nhất có được coi là áp đặt một mức giá hạn chế cạnh tranh, vi phạm Luật Cạnh tranh hay không?
Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, mỗi DN bảo hiểm chỉ được phép bảo hiểm cho một đối tượng được bảo hiểm (tài sản, trách nhiệm), với số tiền bảo hiểm tối đa là 10% vốn chủ sở hữu và được gọi là mức giữ lại. Phần vượt quá, các DN bảo hiểm phải đồng bảo hiểm hoặc tái bảo hiểm cho các DN bảo hiểm khác. Với vốn pháp định đối với DN bảo hiểm phi nhân thọ là 300 tỷ đồng thì mức giữ lại tối đa là 30 tỷ đồng, nhưng thực tế trên thị trường bảo hiểm, các DN bảo hiểm chỉ xây dựng mức giữ lại tối đa là 400.000 USD đến 1.000.000 USD, tương đương với 8 tỷ đồng đến 20 tỷ đồng như chương trình tái bảo hiểm của từng DN bảo hiểm đã báo cáo Bộ Tài chính. Tuy nhiên, các DN bảo hiểm vẫn chấp nhận bảo hiểm cho đối tượng bảo hiểm với giá trị lớn hơn mức giữ lại, thậm chí có giá trị hàng ngàn tỷ đồng nhưng ngay sau đó phải chia sẻ rủi ro thông qua đồng bảo hiểm và tái bảo hiểm.
Đồng bảo hiểm là 2 hay nhiều DN bảo hiểm cùng bảo hiểm cho một đối tượng bảo hiểm có giá trị lớn thông qua hợp đồng đồng bảo hiểm. Nội dung hợp đồng đồng bảo hiểm ghi rõ điều khoản, điều kiện và phí bảo hiểm mà các DN đồng bảo hiểm cùng thống nhất, rồi từ đó phân chia trách nhiệm bảo hiểm (theo giá trị) và phí bảo hiểm cho từng DN bảo hiểm theo một tỷ lệ nhất định và mỗi DN bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ đó với giá trị tổn thất thiệt hại được bảo hiểm xảy ra.
Tái bảo hiểm là cuối năm DN bảo hiểm ký kết một hợp đồng nguyên tắc chia sẻ rủi ro cho các DN bảo hiểm trong nước, DN nhận tái bảo hiểm trong nước và DN nhận tái bảo hiểm nước ngoài thông qua hợp đồng tái bảo hiểm. Nội dung hợp đồng quy định đối tượng bảo hiểm, điều khoản điều kiện bảo hiểm, phí tái bảo hiểm và mức trách nhiệm bảo hiểm của mỗi bên. Trên cơ sở hợp đồng tái bảo hiểm này, DN bảo hiểm bắt đầu từ năm sau sẵn sàng ký hợp đồng bảo hiểm với các đối tượng bảo hiểm có giá trị lớn hơn mức giữ lại của DN bảo hiểm đó, phần vượt quá đương nhiên được chia sẻ trách nhiệm cho các nhà nhận tái bảo hiểm và DN bảo hiểm đó (còn gọi là bảo hiểm gốc) phải chuyển trả phí tái bảo hiểm cho các nhà nhận tái.
Trên thị trường hiện nay, các DN bảo hiểm trong nước hợp tác với nhau trong khâu tái bảo hiểm trong nước, có nghĩa là ưu tiên tái bảo hiểm cho các DN bảo hiểm trong nước trước, sau đó phần vượt quá mới tái ra thị trường nước ngoài. Ngay tái bảo hiểm ra nước ngoài, các DN bảo hiểm trong nước cũng lựa chọn các công ty tái bảo hiểm có uy tín trên thị trường quốc tế đạt tiêu chuẩn xếp hạng BBB trở lên (theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm) như Munich Re, Swiss Re. Từ điều khoản điều kiện và phí bảo hiểm được ký kết trên, hợp đồng tái bảo hiểm các DN bảo hiểm sẽ áp dụng với các khách hàng tham gia bảo hiểm trong năm. Nếu áp dụng điều khoản điều kiện bảo hiểm sai khác hoặc mức phí thấp hơn sẽ không tái được bảo hiểm, đồng nghĩa với DN bảo hiểm gốc ôm trọn rủi ro đã nhận bảo hiểm, không được các nhà nhận tái bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm và giải quyết bồi thường.
Về hình thức hợp đồng đồng bảo hiểm và hợp đồng tái bảo hiểm là nhiều DN bảo hiểm (chiếm thị phần trên 30%) cùng thống nhất áp dụng điều khoản điều kiện biểu phí bảo hiểm áp đặt cho khách hàng được coi như là hạn chế cạnh tranh, làm giảm sự lựa chọn cho khách hàng, vi phạm Luật Cạnh tranh.
Về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đây là việc làm cần thiết để tăng năng lực khai thác bảo hiểm cho các DN bảo hiểm (đối tượng bảo hiểm có giá trị rất lớn) và chia sẻ rủi ro giữa các DN bảo hiểm trong nước và quốc tế. Hay nói một cách khác, một tổn thất lớn xảy ra tại Việt
Đứng trước sự kiện xử phạt cạnh tranh vừa qua, các DN bảo hiểm đang hoang mang liệu có phải huỷ bỏ tất cả các hợp đồng đồng bảo hiểm, hợp đồng tái bảo hiểm đã ký kết đang thực hiện hay không, có bị xử phạt vì đã vi phạm hay không.
Nếu huỷ bỏ các hợp đồng đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm thì chỉ có những tài sản, trách nhiệm có giá trị từ 8 tỷ đồng đến 20 tỷ đồng mới được các DN bảo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam chấp nhận bảo hiểm. Nếu giá trị lớn hơn buộc phải bảo hiểm tại DN bảo hiểm đang hoạt động tại nước ngoài, tham gia bảo hiểm đã khó, đòi bồi thường càng khó hơn khi luật của nước có DN bảo hiểm nước ngoài và luật Việt Nam có nhiều vấn đề chưa tương thích. Điều này càng gây khó khăn cho Việt Nam khi đang thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nước nhà, nhiều tài sản công trình có giá trị hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ, hàng ngàn tỷ đồng đang cần có bảo hiểm. Nếu không được bảo hiểm thì các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có dám bỏ tiền ra hình thành những tài sản, dự án có giá trị lớn như trên không?
Câu hỏi này đang được đặt ra với các nhà quản lý bảo hiểm và quản lý cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.