Kết quả kiểm toán gây sốc
Ngày 2/4/2018, HAGL công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2017. Theo đó, doanh thu hợp nhất của Tập đoàn đạt 4.841 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 302 tỷ đồng. Trong đó, mảng trái cây đóng góp 1.618 tỷ đồng doanh thu; mảng bò đóng góp 758 tỷ đồng; mảng cao su đóng góp 454 tỷ đồng; doanh thu bán hàng hóa 244 tỷ đồng, mảng bắp 134 tỷ đồng. Mảng cây gia vị, ớt đóng góp 25 tỷ đồng, tiêu đóng góp 32 tỷ đồng doanh thu.
Mảng đường đã hoàn tất chuyển nhượng từ 22/5/2017 nên doanh thu hạch toán chỉ đạt 81 tỷ đồng. Còn mảng căn hộ cho doanh thu 53 tỷ đồng, mảng dịch vụ đóng góp 55 tỷ đồng.
Kết quả này gây sốc cho các cổ đông, bởi trước đó, trong báo cáo tài chính tự lập cuối năm 2017, HAGL công bố doanh thu 4.895 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 403,6 tỷ đồng.
Không chỉ sụt giảm mạnh về lợi nhuận so với báo cáo tự lập, trong báo cáo kiểm toán hợp nhất, đơn vị kiểm toán là E&Y Việt Nam cũng lưu ý một số điểm trên báo cáo tài chính của HAGL.
Cụ thể, trong số các khoản phải thu ngắn và dài hạn gồm khoản phải thu từ Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản An Phú và các bên của công ty này với tổng giá trị là hơn 10.570 tỷ đồng, khoản trả trước hơn 28 tỷ đồng, phải thu hơn 47 tỷ đồng, kiểm toán viên cho biết không thể thu thập đủ bằng chứng thích hợp để xác định khả năng thu hồi của tổng số dư hơn 4.023 tỷ đồng.
“Chúng tôi không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh các khoản mục nói trên hay không và các ảnh hưởng nếu có đến báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn cho năm tài chính kết thúc vào ngày 31/12/2017”, báo cáo kiểm toán viết.
Ngoài lưu ý về tính khả thi của việc thu hồi lượng lớn tài sản, E&Y Việt Nam cũng bày tỏ nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của HAGL khi nợ ngắn hạn của Tập đoàn vượt quá tài sản ngắn hạn tới 3.563 tỷ đồng.
Dẫu tình trạng khó khăn về tài chính của HAGL đã được thông tin từ vài năm trở lại đây, nhưng kết quả kinh doanh phản ánh trong báo cáo tài chính kiểm toán 2017 vẫn gây sốc với nhiều nhà đầu tư. Lý do là bởi thị trường đang kỳ vọng vào sự trở lại của HAGL với mảng kinh doanh mới là trái cây. Trước đó, HAGL cũng có báo cáo tài chính với kết quả kinh doanh tốt hơn.
Cuối tháng 10/2017, HAGL đã có Nghị quyết Hội đồng quản trị thông qua kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2017 và kế hoạch kinh doanh quý IV/2017. Theo đó, 9 tháng đầu năm 2017, HAGL đạt 3.982 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, 1.188 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế. Trong số này, mảng trái cây mang lại doanh thu 1.289 tỷ đồng, cao su 401 tỷ đồng, mảng bò mang lại 654 tỷ đồng, bất động sản 1.011 tỷ đồng, doanh thu khác là 636 tỷ đồng.
Trong quý IV/2017, HAGL dự kiến 1.020 tỷ đồng doanh thu trái cây, 400 tỷ đồng lợi nhuận gộp từ mảng này; mảng cao su dự kiến 200 tỷ đồng doanh thu, 40 tỷ đồng lợi nhuận gộp; bò thịt 200 tỷ đồng doanh thu và 40 tỷ đồng lợi nhuận gộp; bất động sản 350 tỷ đồng doanh thu, 200 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Tính tổng hợp, quý IV/2017, HAGL dự kiến 1.770 tỷ đồng doanh thu và 180 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất.
Năm 2017, HAGL có tới 807 tỷ đồng lãi từ thoái vốn công ty con và thanh lý khoản đầu tư, 799 tỷ đồng tiền lãi cho vay. Trong khi đó, tổng lợi nhuận trước thuế (hợp nhất) của HAGL là 430 tỷ đồng. Như vậy, nếu loại bỏ tác động (gây giảm lợi nhuận) của khoản trích lợi thế thương mại 320 tỷ đồng, 297 tỷ đồng thay đổi mục đích sử dụng tài sản thì hoạt động kinh doanh của HAGL tính trên toàn bộ nền tảng tài chính hiện tại đang lỗ tới 559 tỷ đồng.
Thất vọng về con số và mừng vì… sự thành thật
Năm 2017, HAGL đã có một giai đoạn ngắn thay đổi rất mạnh mẽ về mặt công bố thông tin, khi các thông tin về hoạt động kinh doanh, đặc biệt về mảng trái cây được Tập đoàn chủ động công bố rất tích cực. Nhà đầu tư kỳ vọng về một sự lột xác của HAGL sau quãng đường dài thăng trầm. Thế nhưng, sau đó, thông tin về hoạt động kinh doanh bất ngờ trầm xuống. Đi kèm với đó là kết quả kinh doanh không như mong đợi.
Báo cáo tài chính kiểm toán 2017 của HAGL dù đưa ra những con số không mấy khả quan, nhưng lại mang lại những cảm xúc trái ngược cho giới phân tích: Thất vọng về con số và mừng vì… sự thành thật.
Trên một số diễn đàn về chứng khoán, nhiều nhà đầu tư và chuyên gia tỏ ra thất vọng vì doanh thu, lợi nhuận thấp, đặc biệt là ở mảng trái cây và gia vị khi HAGL đang sở hữu quy mô trồng trái cây thuộc diện lớn nhất thế giới.
Trong chuyến đi thăm các vùng nguyên liệu của Tập đoàn hồi cuối tháng 11/2017, nhà đầu tư còn được tận mắt chứng kiến một mảng kinh doanh tiềm năng khác, đó là ớt. Thế nhưng, ngoài lý do khách quan của việc đóng góp doanh thu thấp của ớt do diện tích mới trồng thì số liệu doanh thu mảng trái cây thấp hơn dự kiến (cả năm 2017 đạt 1.618 tỷ đồng, trong khi 9 tháng đầu năm là 1.289 tỷ đồng và dự kiến trên 1.000 tỷ đồng quý IV). Quá kỳ vọng đã dẫn đến những thất vọng.
Đó là chưa kể những yếu tố về chất lượng tài sản mà kiểm toán nghi ngờ. Nhưng, nhiều chuyên gia tài chính lại đón nhận những điều này ở góc độ khá tích cực.
“Những ai đã theo dõi và phân tích đủ lâu HAGL đều hiểu thực trạng các khoản tài chính liên quan đến An Phú, cũng như một số vấn đề khác. Chỉ là họ chưa từng thừa nhận thôi. Tôi cho rằng, ít nhất ở thời điểm này, Ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng đã thành thực đối mặt với nó. Đó là một tín hiệu mừng, vì trong những giai đoạn trước đó, HAGL phải chiến đấu vì mục tiêu sinh tồn đã”, Giám đốc đầu tư một quỹ lớn nhận xét.
Tin đồn và những kỳ vọng
Giám đốc phụ trách dự án của một doanh nghiệp ngành nông nghiệp khác, hiện đang niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán thậm chí còn chia sẻ, công ty ông đã mất 3 năm mà vẫn chưa có được sản phẩm để làm thương mại. Những hình ảnh đưa lên báo chí “thực chất chỉ là phục vụ làm hình ảnh thôi”. Thế nên, với HAGL, việc có sản phẩm, đã xuất bán được – dù chưa bằng con số dự phóng – cũng có thể coi là niềm an ủi.
Những nhà đầu tư với cái đầu đầy nhiệt huyết và kỳ vọng về một “ông lớn” HAGL tầm cỡ thế giới trong lĩnh vực trồng cây ăn trái đã có phần bình tĩnh hơn. Theo họ, suy đến cùng, HAGL cũng mới chỉ đang trong những năm đầu triển khai lĩnh vực và có thể phát sinh nhiều vấn đề mà trong vụ đầu thu hoạch, doanh nghiệp chưa lường được.
Thị trường đang kỳ vọng vào một tin đồn khác. Năm 2017, trước khi ông Lý Xuân Hải về HAGL, thị trường đã có tin đồn về việc này, đi kèm với các tin đồn về đầu tư. Nay, thị trường lại bắt đầu xuất hiện một tin đồn về khả năng một đại gia trong nước ở lĩnh vực công nghiệp sẽ tham gia sở hữu lớn tại Haagrico. Và nhờ thế, HNG tăng giá, bất chấp việc HAG đang quay đầu về đáy cũ.
Nhưng đó mới chỉ là tin đồn và kỳ vọng. Thực tế là trong năm 2018, những cú điều chỉnh hồi tố lợi nhuận như thương vụ bán mảng mía đường vào giữa năm 2017 sẽ không còn nữa. Khoản lưu ý lên tới hơn 4.000 tỷ đồng có lẽ cũng sẽ đến lúc phải phản ánh tác động của mình lên kết quả kinh doanh trong kỳ. Và HAGL thì chỉ còn ba mảng có thể kỳ vọng là nông nghiệp (cây ăn trái và ớt), cao su và bất động sản (Myanmar). Áp lực trả nợ vẫn còn đó. HAGL vẫn đang tồn tại hàng loạt vấn đề, mà trọng tâm nhất là nguồn thu nào để vực lại Công ty trước áp lực nợ nần.