Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Hoàn thiện chế tài 'bắt buộc' xuất hóa đơn điện tử từ máy tính tiền

0:00 / 0:00
0:00
Trong tổng số 85,4 triệu hóa đơn điện tử của 3.943 cơ sở kinh doanh đăng ký ở giai đoạn 1, chỉ có 544 hóa đơn điện tử được xuất từ máy tính tiền gửi đến hệ thống của cơ quan thuế.

Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu và lấy ý kiến của các bộ, ngành về triển khai lắp máy tính tiền bắt buộc có kết nối dữ liệu in hóa đơn điện tử.

Nội dung trên được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh tại Hội nghị ngày 3/2 về triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với một số hoạt động kinh doanh cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công an cùng các bộ, ngành tổ chức triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

805/3.943 cơ sở kinh doanh đăng ký

Trước đó ngày 1/7/2022, ngành thuế đã triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc, đến nay 100% các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp đến người tiêu dùng đã sử dụng loại hình hóa đơn này.

Các hình thức hóa đơn điện tử thông thường (như hóa đơn có mã, hóa đơn không mã) đã triển khai song chưa đáp ứng tốt cho một số hoạt động kinh doanh đặc thù và có thời gian hoạt động thường xuyên, cũng như giá trị từng hóa đơn không nhiều nhưng số lượng hóa đơn rất lớn (như hoạt động kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ vui chơi giải trí, siêu thị, ngành vàng).

Để đáp ứng tốt hơn việc sử dụng hóa đơn điện tử của những ngành nghề đặc thù này, cơ quan thuế đã xây dựng giải pháp và chính thức vận hành hệ thống hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền từ ngày 15/12/2022.

Cơ quan thuế đã xây dựng giải pháp và chính thức vận hành hệ thống hóa đơn điện từ khởi tạo từ máy tính tiền từ ngày 15/12/2022. (Ảnh: Vietnam+).
Cơ quan thuế đã xây dựng giải pháp và chính thức vận hành hệ thống hóa đơn điện từ khởi tạo từ máy tính tiền từ ngày 15/12/2022. (Ảnh: Vietnam+).

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, chia sẻ kết quả triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền (sau hơn một tháng) có 62/63 Cục Thuế báo cáo kế hoạch triển khai giai đoạn 1 (đến hết tháng 3/2023). Kết quả có 3.943 cơ sở kinh doanh đăng ký sẽ triển khai hóa đơn điện tử. Riêng, Cục Thuế tỉnh Bắc Kạn chưa lập được danh sách người nộp thuế sẽ triển khai giai đoạn 1 do gặp khó khăn trong việc thuyết phục người nộp thuế chuyển đổi hình thức hóa đơn điện tử (bởi đây không phải là quy định bắt buộc).

Song, ông Minh cho hay trên thực tiễn, trong số 62 Cục Thuế đã đăng ký triển khai giai đoạn 1 thì chỉ có 25 Cục Thuế chính thức phát sinh tiếp nhận đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền.

Hiện mới có 805/3.943 cơ sở kinh doanh chính thức đăng ký và được chấp nhận đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền trên hệ thống của cơ quan thuế.

Điểm đáng nói, trong tổng số 85,4 triệu hóa đơn điện tử của 3.943 cơ sở kinh doanh đang sử dụng chỉ có 544 hóa đơn điện tử là từ máy tính tiền được gửi đến hệ thống của cơ quan thuế.

“805 cơ sở kinh doanh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền nhưng vẫn đồng thời sử dụng các hình thức hóa đơn điện tử khác nên việc xuất hóa đơn điện tử từ máy tính tiền còn chưa nhiều,” ông Minh nói.

Đảm bảo công bằng về nghĩa vụ thuế

Số liệu trên cho thấy là quá thấp so với yêu cầu cần phải chuyển đổi hình thức hóa đơn điện tử thông thường sang hình thức hóa đơn điện tử từ máy tính tiền.

Theo ông Minh, lý do quy định hiện hành vẫn cho phép cơ sở kinh doanh đồng thời được sử dụng nhiều hình thức hóa đơn điện tử. Mặt khác, các cơ sở kinh doanh cho biết cần có thời gian để nâng cấp, chuyển đổi phần mềm ứng dụng của các máy tính tiền tại từng điểm bán hàng để đồng nhất việc xuất hóa đơn từ máy tính tiền trên toàn hệ thống, đặc biệt là mô hình chuỗi, siêu thị.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công An Nguyễn Duy Ngọc cho rằng cần có đủ tính pháp lý chặt chẽ từ thông tư, nghị định và luật để đảm bảo bắt buộc người nộp thuế phải chấp hành theo Luật.

Về công cụ cho các chủ thể thực hiện nghĩa vụ thuế, ngành thuế cần xây dựng những tiêu chuẩn về lưu hành đối với máy thanh toán (như làm sao bảo mật dữ liệu).

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh việc phối hợp sẵn sàng kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành. Trong đó có dữ liệu quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về doanh nghiệp, hộ kinh doanh hay dữ liệu thuế, dữ liệu dân cư.

“Tổng cục Thuế sớm xác thực dữ liệu, đảm bảo mỗi người dân có một mã số thuế đúng, chính xác, để quản lý, kết nối và chia sẻ. Điều này sẽ giúp thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm về thuế,” Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nói.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp cùng các bộ, ngành đặt ra lộ trình và chọn đơn vị làm thí điểm để từ đó rút kinh nghiệm.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến tại hội nghị để nghiên cứu và tiếp tục lấy ý kiến của các bộ, ngành để có kế hoạch triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay ngành thuế sẽ chọn 3 đơn vị Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải phòng triển khai thí điểm với mục tiêu 100% về kết nối với máy tính tiền khởi tạo hóa đơn điên tử. Trong đó, lĩnh vực trọng tâm là nhà hàng, khách sạn, siêu thị và kinh doanh vàng bạc.

Kế đến, ngành thuế sẽ tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền theo quy định của Luật Thuế - yêu cầu các chủ thể đã bán hàng là phải xuất hóa đơn và lắp máy tính tiền phải đi vào cổng kết nối. Các đối tượng bán lẻ không cấp hóa đơn sẽ dứt khoát bị xử phạt đồng thời ngành thuế sẽ thực hiện kiểm tra đột xuất với một số điểm.

Ngoài ra, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh chương trình bốc thăm may mắn thời gian qua đã được thử nghiệm rất tốt, công tác này góp phần tuyên truyền, khuyến khích người dân lấy hoá đơn khi mua hàng hóa và sử dụng các loại hình dịch vụ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết đến nay cần phải ban hành Nghị định về quy định hóa đơn điện tử "quay may mắn," như cách thực hiện quay thưởng và nguồn kinh phí. Theo đó, Bộ sẽ giao cho các đơn vị chuyên trách trong ngành nghiên cứu, tham mưu và trình Chính phủ.

“Vấn đề quan trọng nhất vẫn là tính pháp lý, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu và lấy ý kiến của các bộ, ngành để thực hiện triển khai lắp máy tính tiền có kết nối dữ liệu để in hóa đơn điện tử trên cơ sở chế tài là bắt buộc,” Bộ trưởng nói.

Về quan hệ phối hợp, Bộ Tài chính cho biết đã giao cho Tổng cục Thuế xây dựng trung tâm dữ liệu về hóa đơn điện tử và kết nối với trung tâm dữ liệu quốc gia. Trước hết sẽ kết nối với dữ liệu dân cư để thực hiện tài chính, thuế đối với hộ kinh doanh và doanh nghiệp. Theo đó, công tác triển khai và quy định về máy tính tiền đảm bảo kết nối thông suốt sẽ được nghiên cứu.

“Hiện nay số cơ sở kinh doanh triển khai thực hiện rất ít, đến thời điểm hiện tại có hơn 800 cơ sở chấp nhận máy tính tiền khởi tạo hóa đơn điện tử, nhưng chỉ có 544 hóa đơn gửi về cơ quan thuế, do đó giải pháp là tăng cường kiểm tra phối hợp công tác tuyên truyền, bên cạnh đó thực hiện và hoàn thiện chế tài ‘bắt buộc’,” Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tin bài liên quan