Về bản chất, KSNB và KTNB khác nhau như thế nào?
Theo định nghĩa của Hiệp hội Kiểm toán nội bộ (IIA), kiểm soát nội bộ (KSNB) là một hệ thống quy trình do các cấp quản lý, hội đồng quản trị và các nhân viên của đơn vị thực hiện, được thiết lập để cung cấp một sự đảm bảo hợp lý nhằm thực hiện mục tiêu hoạt động hữu hiệu và hiệu quả, báo cáo tài chính đáng tin cậy, các luật lệ và quy định được tuân thủ.
Trong khi đó, kiểm toán nội bộ (KTNB) được xem là một chức năng với các hoạt động đảm bảo và tư vấn có tính độc lập, khách quan cao nhất trong nội bộ tổ chức nhằm nâng cao giá trị và giúp tổ chức đạt được các mục tiêu đề ra. Nói một cách ngắn gọn, KSNB là nói đến cả một hệ thống quy trình hoạt động trải dài và xuyên suốt tất cả các cấp và các chức năng của một đơn vị, bao gồm cả chức năng KTNB tham gia hoạt động giám sát độc lập.
Tuy nhiên, trong thực tiễn, bản thân các cấu phần của một hệ thống quy trình KTNB sẽ có những cách hiểu trong phạm vị hẹp về KTNB như một chốt hoặc một hoạt động kiểm soát đơn lẻ do một cá nhân hoặc một bộ phận đảm nhiệm. Hoặc, một phòng chức năng có tên gọi là “phòng KSNB”, nhưng bản chất chỉ là một đầu mối điều phối, hỗ trợ hoặc giám sát việc triển khai KSNB trong một đơn vị.
Còn mối liên hệ giữa Ban Kiểm soát và bộ phận KTNB là gì? Quy định hiện nay có xác định rõ mối liên hệ này?
Nghị định 05/2019/NÐ-CP về KTNB tại Việt Nam không quy định mối quan hệ rõ ràng giữa bộ phận KTNB và ban kiểm soát. Nghị định chỉ nhắc đến yêu cầu bộ phận KTNB phải gửi kế hoạch KTNB năm tiếp theo cho các đối tượng, trong đó có ban kiểm soát.
Ngoài ra, theo Luật Doanh nghiệp 2014 với mô hình quản trị theo Ðiều 134.1.a, ban kiểm soát có quyền kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu lực hoạt động KTNB và có quyền sử dụng bộ phận KTNB của công ty để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và Thông tư 13/2018/TT-NHNN cũng quy định KTNB thuộc quyền giám sát cấp cao của ban kiểm soát tại các ngân hàng. Do đó, chức năng của KTNB thường được hiểu là trực thuộc chức năng của Ban Kiểm soát.
Trên thực tế, rất nhiều đơn vị đang có sự nhầm lẫn về cấu trúc tổ chức cũng như vai trò, trách nhiệm của ban kiểm soát, dẫn đến việc coi chức năng KTNB nằm trong ban kiểm soát, chứ không phải là 2 cấp riêng biệt trong mô hình quản trị.
Ðể mô hình quản trị có ban kiểm soát và có chức năng KTNB hoạt động hiệu quả thì cần phải hiểu rõ ban kiểm soát giữ vai trò định hướng, giám sát, còn chức năng KTNB giữ vai trò thực thi các hoạt động kiểm tra chi tiết. Hiện tại, Nghị định 05 chưa có hướng dẫn chi tiết để giải quyết triệt để mối quan hệ giữa ban kiểm soát, hội đồng quản trị và KTNB trong mô hình quản trị có ban kiểm soát.
Ðâu là sự khác biệt giữa KTNB và kiểm toán độc lập?
Nói một cách ngắn gọn, trách nhiệm chính của kiểm toán độc lập là đưa ra ý kiến về tính trung thực và hợp lý của báo cáo tài chính của đơn vị so với các quy định và chuẩn mực kế toán trên cương vị là một bên độc lập thứ ba, trong nhiều trường hợp bao gồm cả báo cáo đánh giá khung KSNB trên khía cạnh ảnh hưởng đến báo cáo tài chính (nếu có), trước khi đơn vị công bố thông tin tài chính đến các bên liên quan.
Trong khi đó, nhiệm vụ chính của KTNB là rà soát và đánh giá các quy trình hoạt động, hệ thống quy trình quản lý rủi ro và KSNB trong nội bộ đơn vị, trong đó có bao gồm cả quy trình KSNB liên quan đến quy trình lập báo cáo tài chính và các hoạt động tài chính kế toán khác.
Từ đó, KTNB đưa ra ý kiến kiểm toán và khuyến nghị cải thiện trên cương vị là một bộ phận trong nội bộ đơn vị nhưng độc lập với đối tượng được kiểm toán, qua đó hỗ trợ đơn vị vận hành hiệu quả và đạt được các mục tiêu đề ra. KTNB cần có kế hoạch kiểm toán chi tiết và hợp lý để tránh chồng chéo các phạm vi và đối tượng được kiểm tra và đánh giá với kiểm toán độc lập, cũng như với các chức năng giám sát độc lập khác (nếu có). Theo thông lệ, báo cáo KTNB chỉ được công bố đến các đối tượng liên quan trong nội bộ đơn vị.
Mọi câu hỏi về quản trị công ty và các vấn đề liên quan, độc giả vui lòng gửi về địa chỉ vn.enquiries@vn.pwc.com để nhận được tư vấn từ các chuyên gia của PwC.