Hiệu chỉnh phương án đầu tư khu bến cảng Liên Chiểu

0:00 / 0:00
0:00
Có 2 nhà đầu tư đã nộp hồ sơ hợp lệ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án cảng Liên Chiểu theo phương án đầu tư 2 bến cảng đang được khởi động tại Đà Nẵng.
Thi công đê chắn sóng cảng Liên Chiểu.

Thi công đê chắn sóng cảng Liên Chiểu.

“Biển báo” mới

Quá trình lựa chọn phương án triển khai đầu tư khu bến cảng Liên Chiểu của UBND TP. Đà Nẵng đã có thêm những chỉ dẫn mới nếu chiểu theo Công văn số 9618/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa được Văn phòng Chính phủ gửi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng.

Theo đó, Phó thủ tướng giao UBND TP. Đà Nẵng tiếp thu đầy đủ ý kiến của Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ý kiến của các cơ quan liên quan để hoàn thiện phương án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, cảng biển Đà Nẵng bảo đảm phát triển tổng thể, đồng bộ, hiện đại, hiệu quả tối ưu, phát huy tối đa ưu thế về vị trí địa lý, tiềm năng phát triển của TP. Đà Nẵng, cạnh tranh với các cảng trong khu vực.

UBND TP. Đà Nẵng có trách nhiệm đề xuất nguyên tắc, tiêu chí, phương án, hình thức lựa chọn nhà đầu tư để lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực; rà soát kỹ quy định pháp luật về đấu thầu, pháp luật về đầu tư và pháp luật khác có liên quan đề xuất phương án giải quyết với nhà đầu tư đã nộp hồ sơ hợp lệ.

Địa phương này cũng có trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai để bảo đảm đưa dự án bến cảng vào khai thác đồng bộ với phần cơ sở hạ tầng dùng chung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 3/5/2021 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung.

Theo gợi ý của Phó thủ tướng, trong trường hợp cần thiết, UBND TP. Đà Nẵng thành lập Tổ công tác với sự tham gia đại diện các bộ, cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học làm thành viên (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam…) để nghiên cứu, hoàn thiện phương án đầu tư bến cảng Liên Chiểu.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng xem xét, giải quyết đối với nhà đầu tư đã nộp hồ sơ hợp lệ theo quy định của pháp luật; hướng dẫn UBND TP. Đà Nẵng thực hiện các thủ tục tiếp theo theo quy định pháp luật về đầu tư; báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với những nội dung vượt thẩm quyền”, Phó thủ tướng chỉ đạo.

Cần phải nói thêm, việc lựa chọn phương án kêu gọi đầu tư khu bến cảng Liên Chiểu - một trong những dự án mang tính động lực cho TP. Đà Nẵng đang là nội dung xuất hiện một số cấn cá từ phía các bộ, ngành trung ương.

Tại các văn bản gửi lãnh đạo Chính phủ vào cuối tháng 7/2023 và tháng 11/2023, UBND TP. Đà Nẵng đã trình 2 phương án triển khai đầu tư đối với khu bến Liên Chiểu. Phương án 1 là triển khai thủ tục kêu gọi đầu tư 2 bến cảng trong giai đoạn đầu với tổng chiều dài cầu cảng 750 m; các bến cảng tiếp theo sẽ được triển khai sau.

Phương án 2 triển khai thủ tục kêu gọi đầu tư một lần cho toàn bộ khu bến cảng (phân kỳ đầu tư) với tổng diện tích 450 ha, gồm 8 bến container có tổng chiều dài cầu cảng 2.750 m tiếp nhận tàu 30.000 - 200.000 tấn, 6 bến tổng hợp tổng chiều dài cầu cảng 1.550 m tiếp nhận tàu 30.000 - 100.000 tấn, 6 bến hàng lỏng, khí và 1.200 m bến thủy nội địa với tổng công suất khu bến cảng đạt 50 triệu tấn/năm vào năm 2050.

Trên cơ sở phân tích 2 phương án đề xuất, UBND TP. Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định lựa chọn phương án 2; đồng thời kiến nghị giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT hướng dẫn TP. Đà Nẵng thực hiện các thủ tục đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Trong Công văn số 372/BC-UBND gửi Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vào cuối tháng 11/2023, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, phương án 1 có thể kêu gọi được nhiều nhà đầu tư đáp ứng được năng lực tài chính, kinh nghiệm khai thác cảng, tính khả thi cao. Tuy nhiên, do đầu tư thành 2 bến riêng lẻ, sẽ không chọn được nhà đầu tư lớn có tiềm lực tài chính để đầu tư toàn bộ khu bến cảng Liên Chiểu, việc khai thác bến cảng không phát huy hiệu quả bằng phương án đầu tư toàn bộ khu bến.

“Phương án 2 sẽ có tính tổng thể, tận dụng và tối ưu hóa hiệu quả khai thác toàn bộ chiều dài khu bến, mở ra cơ hội thu hút nhà đầu tư lớn. Đồng thời, với việc đầu tư đồng bộ khu bến cảng và khu hậu cần sau sảng, sẽ nâng cao hiệu quả khai thác quỹ đất, mặt nước khu vực biển”, ông Chinh đánh giá.

Lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng thừa nhận, trường hợp có 1 nhà đầu tư, khi thực hiện có thể gặp rủi ro về năng lực tài chính, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, kinh doanh khai thác của toàn bộ dự án, lỡ cơ hội đầu tư xây dựng các bến cảng Liên Chiểu theo quy hoạch.

Theo thông tin của Báo Đầu tư, việc đầu tư khu bến cảng Liên Chiểu - Đà Nẵng đã và đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, liên doanh nhà đầu tư trong và ngoài nước như Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng; Sumitomo - BRG; Tập đoàn Adani (Ấn Độ) - Tổng công ty Đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát…

Xử lý pháp lý về đấu thầu

Trong Công văn số 12044/BGTVT-KHĐT gửi Văn phòng Chính phủ tháng 10/2023, Bộ GTVT cho biết, Bộ ủng hộ quan điểm đầu tư khu bến Liên Chiểu theo phương án 2 như đề xuất của UBND TP. Đà Nẵng và đề nghị giao UBND TP. Đà Nẵng khẩn trương lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng khu bến cảng Liên Chiểu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định tại Điều 31, Luật Đầu tư.

Ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, nếu triển khai nhanh các thủ tục liên quan, vẫn có khả năng đáp ứng tiến độ đưa 2 bến khởi động đồng bộ với thời điểm hoàn thành, đưa vào khai thác của Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng dùng chung khu bến Liên Chiểu (năm 2025). “Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam và các cơ quan liên quan phối hợp, hỗ trợ trong quá trình UBND TP. Đà Nẵng tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.

Theo Bộ GTVT, các khu bến cảng có quy mô lớn là các khu bến Cần Giờ (TP.HCM), Cái Mép Hạ và Cái Mép Hạ hạ lưu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Trần Đề (Sóc Trăng) đang trong quá trình kêu gọi đầu tư. Trường hợp cấp thẩm quyền quyết định đầu tư khu bến Liên Chiểu theo phương án 2, sẽ là tiền đề để kêu gọi đầu tư một lần toàn bộ từng khu bến nêu trên.

Bên cạnh đó, việc đầu tư đồng bộ toàn bộ các bến cảng (có phân kỳ đầu tư theo quy hoạch) sẽ tối ưu hóa khả năng khai thác tuyến mép bến cho cỡ tàu lớn, nâng cao hiệu quả đầu tư khai thác, nhất là đối với các cảng biển lớn, phù hợp với xu thế phát triển của Việt Nam và quốc tế hiện nay, có khả năng dành dư địa để phát triển tiếp trong tương lai (sau năm 2050).

Lãnh đạo Bộ GTVT lưu ý, trường hợp cấp có thẩm quyền chấp thuận triển khai theo phương án 2, UBND TP. Đà Nẵng cần nghiên cứu phương án giải quyết đối với nhà đầu tư đã nộp hồ sơ hợp lệ (2 bến khởi động) và xử lý các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng.

Được biết, tính pháp lý trong lựa chọn nhà đầu tư cho Dự án đầu tư khu bến cảng Liên Chiểu cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị với UBND TP. Đà Nẵng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có 2 nhà đầu tư là Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng và liên doanh Công ty cảng Adani (Ấn Độ) - Tổng công ty Đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát đã nộp hồ sơ hợp lệ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu - 2 bến khởi động (phương án 1).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì thẩm định chủ trương đầu tư Dự án trên cơ sở hồ sơ hợp lệ của nhà đầu tư đầu tiên là Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng. Trường hợp đề xuất dự án của Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng không đáp ứng điều kiện, thì thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư trên cơ sở hồ sơ dự án của nhà đầu tư thứ hai là liên doanh Tập đoàn Adani (Ấn Độ) - Tổng công ty Đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trường hợp lựa chọn phương án đầu tư tổng thể, cần dừng các bước thẩm định đầu tư 2 bến. Điều đáng nói là, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ có thể dừng việc thẩm định chủ trương đầu tư Dự án với quy mô đầu tư theo phương án 1, nếu cả hai hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư trên đều không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 3, Điều 33, Luật Đầu tư. Do đó, UBND TP. Đà Nẵng cần nghiên cứu đề xuất phương án giải quyết với nhà đầu tư đã nộp hồ sơ hợp lệ.

Bên cạnh đó, việc kêu gọi đầu tư tổng thể, toàn bộ một lần khu bến cảng Liên Chiểu có thể dẫn đến việc Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng không được tham gia đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác Cảng Liên Chiểu - giai đoạn khởi động. Đồng thời, với tiến trình quy hoạch sau năm 2030, các đơn vị liên quan sẽ từng bước chuyển đổi công năng cảng Tiên Sa đang do Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng đầu tư, vận hành khai thác thành bến cảng du lịch phù hợp với tiến trình đầu tư khai thác khu bến Liên Chiểu.

“Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc tồn tại, phát triển của Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng, có khả năng gây mất vốn nhà nước và phát sinh các vấn đề xã hội đối với người lao động tại doanh nghiệp này”, đại diện Bộ GTVT lưu ý.

Các khu bến chính của khu bến cảng Liên chiểu (tổng diện tích 450 ha)

Khu bến container tiếp nhận được tàu đến 8.000 Teus (giai đoạn I) và định hướng tiếp nhận các tàu đến 18.000 Teus (tương đương 200.000 DWT) trong dài hạn, gồm 8 bến với tổng chiều dài 2.750 m cho tàu từ 30.000 -200.000 DWT.

Khu bến tổng hợp với tổng số lượng bến và chiều dài 6 bến/1.550 m, tiếp nhận tàu có trọng tải 100.000 DWT (phía ngoài) và các tàu cỡ nhỏ phía trong (khoảng 30.000 DWT)…

Khu bến thủy nội địa với tổng chiều dài tuyến bến 1.200 m tiếp nhận tàu trọng tải đến 5.000 DWT để phục vụ gom/chia hàng cho khu bến container, tổng hợp đến các cảng biển, thủy nội địa khác trong cả nước.

Khu bến hàng lỏng/khí gồm 6 bến bố trí tại khu vực đê chắn sóng, tiếp nhận tàu 30.000 DWT.

Khu kho bãi đường sắt: Làm bãi tập kết, bốc xếp hàng hóa phục vụ đường sắt nhằm kết nối trực tiếp khu bến Liên Chiểu với mạng đường sắt quốc gia.

Khu hạ tầng kỹ thuật đầu mối; khu hành chính dịch vụ; vành đai cây xanh cách ly.

Nguồn: Quyết định số 1059/QĐ-UBND ngày 18/4/2022 của UBND TP. Đà Nẵng

Tin bài liên quan