Dệt may là một trong những ngành dự báo được hưởng lợi từ RCEP.

Dệt may là một trong những ngành dự báo được hưởng lợi từ RCEP.

Hiệp định RCEP: Cơ hội và thách thức

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 sẽ tác động đáng kể lên các lĩnh vực bền vững, hỗ trợ thể chế và phát triển kinh tế tại Việt Nam.

Cơ hội mới cho doanh nghiệp

TS. Erhan Atay, giảng viên cấp cao ngành Kinh doanh quốc tế, Đại học RMIT cho biết, cùng với việc thiết lập các tiêu chuẩn chung cho thương mại, quy tắc xuất xứ hàng hoá giao dịch thương mại, sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử, RCEP được kỳ vọng sẽ loại bỏ các rào cản thương mại và thuế quan.

Dù đại dịch Covid-19 tạo ra những thách thức và gián đoạn nghiêm trọng cho các nền kinh tế, RCEP có thể mang đến cơ hội quan trọng cho các nước thành viên, giúp họ tăng cường xuất khẩu và hiện đại hóa các tiêu chuẩn.

RCEP còn có thể là nguồn động lực giúp doanh nghiệp trong nước tiếp cận với nguồn khách hàng đa dạng trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương bằng cách tham gia vào mạng lưới thương mại điện tử trong khu vực.

Thương mại điện tử và các dịch vụ kỹ thuật số mới sẽ xoá bỏ đường biên giới và cho doanh nghiệp nhỏ cơ hội tiếp cận khách hàng mới trên toàn cầu.

Nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm kỹ thuật số, mặt hàng viễn thông và nông nghiệp có thể tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt tiếp cận với tất cả khách hàng thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nhu cầu với các mặt hàng điện tử, dầu thô, dệt may, giày dép và nội thất ở Úc tăng cao cũng có thể đem đến cơ hội mới cho Việt Nam.

RCEP còn có thể giúp doanh nghiệp Việt nhập khẩu nguyên liệu thô cũng như nguyên liệu đầu vào trung gian hoặc bán thành phẩm để sản xuất với giá thấp hơn so với giai đoạn trước.

Để đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước RCEP, doanh nghiệp vừa và nhỏ nên tập trung vào thương mại điện tử, vào các thị trường nhỏ và ngách, tìm kiếm những sản phẩm mà các nền công nghiệp Việt có thể cung cấp, đồng thời trau dồi kiến thức và chuyên môn về mạng lưới thương mại điện tử, các quy định về quản lý chất lượng, tiêu chuẩn quốc tế và các chính sách liên quan đến xuất nhập khẩu đối với các thị trường mục tiêu.

Thách thức phía trước

Bên cạnh các cơ hội, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng khi sản phẩm nước ngoài có thể thâm nhập vào thị trường nội địa dễ dàng hơn trước đây,

Ngoài ra, trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, Việt Nam đang thực hiện cam kết tự do hóa hơn nữa lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Do đó, áp lực cạnh tranh sẽ không chỉ giới hạn ở lĩnh vực sản xuất, mà sẽ mở rộng sang lĩnh vực dịch vụ do điều kiện tiếp cận thị trường được nâng cao.

Là 1 trong 15 nước thành viên thuộc RCEP, Việt Nam sẽ tận dụng việc giảm thuế quan và hàng rào phi thuế quan, đồng nghĩa với việc mức độ bảo hộ hàng hóa trong giao dịch thương mại sẽ giảm xuống đáng kể.

Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai RCEP. Vấn đề các doanh nghiệp Việt Nam cần làm là tập trung vào các sản phẩm có giá trị cao hơn, bên cạnh việc duy trì kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu thô.

Với tư cách là thành viên chủ chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam sẽ thu hút các hiệp định thương mại - cả song và đa phương - nhiều hơn nữa, vì các nước khác sẽ có xu hướng đảm bảo dòng chảy của nguyên liệu thô và sản phẩm tiêu dùng.

Việt Nam sẽ tiếp tục tìm thấy cơ hội từ hàng hoá và các ngành sản xuất chính. Tuy nhiên, nỗ lực sinh lợi cao nhất sẽ đến từ việc sản xuất các sản phẩm có giá trị cao hơn.

Tin bài liên quan