Là thành viên Ban Biên tập Dự thảo Hiến pháp năm 2013, ông cảm nhận đạo luật gốc này đã đi vào cuộc sống thế nào?
Tôi cảm nhận rất rõ đạo luật gốc này đang “thấm” vào từng người dân. Theo tôi được biết, đến thời điểm này, tại hầu hết các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn chuyên sâu về từng nội dung của Hiến pháp cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Để Hiến pháp đi vào cuộc sống, một số cơ quan, tổ chức và cơ quan thông tin đại chúng đã, đang tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu Hiến pháp nước
CHXHCN Việt Nam” trên toàn quốc. Cuộc thi dù mới được khởi động và phải tới quý III/2015 mới kết thúc, nhưng đã nhận được sự quan tâm đông đảo của người dân.
Không chỉ có tổ chức, cá nhân trong nước, mà người Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan, tổ chức quốc tế cũng quan tâm tới Hiến pháp năm 2013 nhờ công tác tuyên truyền đối ngoại thông qua hình thức tuyên truyền phù hợp với từng mục đích, từng nội dung, từng đối tượng được thực hiện khoa học, bài bản.
Tuyên truyền, phổ biến chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ để Hiến pháp đi vào cuộc sống là phải thể chế hóa tư tưởng của Hiến pháp. Thưa ông, những tư tưởng nào của Hiến pháp năm 2013 đã được thể chế hóa?
Thể chế hóa tư tưởng của Hiến pháp không phải chỉ mất một vài năm, mà cần thời gian rất dài, mà trước hết là phải xây dựng, sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước và các luật liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Từ nay đến năm 2020, Quốc hội sẽ thông qua 14 luật quy định về tổ chức bộ máy nhà nước và các thiết chế trong hệ thống chính trị; 15 luật quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; 43 luật quy định về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; và 10 luật quy định về bảo vệ Tổ quốc.
Tại Kỳ họp Quốc hội thứ tám, Quốc hội đã thông qua 18 luật, cho ý kiến vào 12 dự án luật và thông qua 5 nghị quyết liên quan trực tiếp tới tổ chức bộ máy nhà nước, quyền con người, bảo vệ Tổ quốc nhằm thể chế từng điều, khoản của Hiến pháp năm 2013.
Quốc hội là cơ quan lập hiến, xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung luật, nghị quyết kỳ họp Quốc hội nào cũng thực hiện, thưa ông?
Tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội thông qua, cho ý kiến số lượng luật, nghị quyết gấp 2 - 3 lần các kỳ họp trước nhằm đẩy nhanh tiến trình thể chế hóa Hiến pháp. Điều đáng nói là, tất cả các luật được thông qua hay cho ý kiến đều thể hiện đúng tư duy và quan điểm đột phá của Hiến pháp năm 2013.
Cụ thể, nhằm thể chế hóa quy định: “mọi người có quyền tự do kinh doanh” đã được hiến định, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư vừa được Quốc hội thông qua đã có sự thay đổi mang tính đột phá trả lại đầy đủ quyền tự do đầu tư, kinh doanh của công dân trong các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Những lĩnh vực, ngành nghề hạn chế, hoặc cấm được thu hẹp rất nhiều và được công khai, nên mọi tổ chức, cá nhân có quyền tự do đầu tư, kinh doanh.
Luật Kinh doanh bất động sản mở rộng phạm vi kinh doanh cho người Việt Nam ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài đã thể chế hóa tư tưởng: “các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật” đã được hiến định.
Hay như Luật Nhà ở cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài nếu được phép nhập cảnh đều được sở hữu nhà ở thông qua nhiều hình thức, đã thể hiện đúng tư tưởng của Hiến pháp năm 2013: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế… cũng đều quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân được Hiến pháp quy định.
Nhưng nhiều quyền của công dân được hiến định như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình, tín ngưỡng, tôn giáo vẫn chưa được Quốc hội cho ý kiến?
Hiện nay, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ. Theo Điều 14, Hiến pháp, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết. Vì vậy, 2 năm tới, Quốc hội sẽ thông qua Luật Tiếp cận thông tin; Luật về hội; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Biểu tình và sửa đổi Luật Báo chí.