Theo đó, một hội đồng chuyển nhượng KCN này sẽ được thành lập riêng để tiến hành đàm phán và thực hiện các thủ tục pháp lý nhằm hoàn tất việc chuyển nhượng.
Trước đó, tại văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hải Dương, việc chuyển nhượng KCN Lai Vu đã được Thủ tướng đồng ý về chủ trương, nhưng phải đảm bảo không làm thất thoát vốn nhà nước. “Đây cũng là vấn đề mấu chốt trong các cuộc đàm phán tới đây về giá chuyển nhượng KCN này”, ông Thưởng nói.
Theo ông Vương Đức Sáng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, trước đây, việc đàm phán chuyển nhượng KCN Lai Vu từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sang Công ty May Tinh Lợi cũng thất bại vì lý do đó. Cụ thể, khi tiến hành đàm phán từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2014, mức giá chuyển nhượng được hai bên thống nhất đưa ra là 600 tỷ đồng, gần tương đương số tiền mà PVN đã chi cho Công ty KCN Lai Vu. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến tài chính của Công ty KCN Lai Vu như khoản lỗ, sự chênh lệch về tỷ giá với tổng số tiền hơn 108 tỷ đồng thì hai bên không tìm được tiếng nói chung. Do vậy, KCN này cùng với Công ty KCN Lai Vu đã được bàn giao nguyên trạng cho UBND tỉnh Hải Dương đầu tháng 4/2015.
Đến ngày 27/7/2015, Bộ Tài chính mới có Văn bản số 10176/BTC-TCDN hướng dẫn xử lý khoản lỗ và chênh lệch tỷ giá này. Theo đó, Công ty KCN Lai Vu phải rà soát, điều chỉnh hạch toán kế toán và bảng cân đối với khoản chênh lệch tỷ giá, ghi giảm nợ phải trả đối với PVN, đồng thời ghi tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu doanh nghiệp tương ứng số tiền ngân sách nhà nước cấp cho tỉnh Hải Dương là 593,1 tỷ đồng (bằng số tiền PVN đã chi cho Công ty KCN Lai Vu). Còn với số lỗ lũy kế hơn 18,4 tỷ đồng, Công ty KCN Lai Vu phải thực hiện chuyển lỗ theo quy định hiện hành và tự bù đắp.
Như vậy, nếu nhận chuyển nhượng lại KCN Lai Vu, ngoài việc phải đảm bảo số vốn mà ngân sách đã chi hơn 593,1 tỷ đồng, May Tinh Lợi cũng phải thực hiện những nghĩa vụ tài chính của Công ty KCN Lai Vu (khoản lỗ lũy kế và chệnh lệch tỷ giá còn tồn đọng).
Ông Thưởng cho biết, giá chuyển nhượng KCN Lai Vu chắc chắn không còn là con số 600 tỷ đồng như tại thời điểm đàm phán với PVN, bởi từ khi bàn giao KCN cho UBND tỉnh Hải Dương, Công ty KCN Lai Vu đã đầu tư hơn 170 tỷ đồng để xây dựng giai đoạn I Nhà máy Xử lý nước thải và hệ thống đường nội khu. Hơn nữa, phía May Tinh Lợi cũng có yêu cầu phải đối trừ khoản tiền 116 tỷ đồng đã bỏ ra để giải phóng mặt bằng hơn 30 ha trong tổng số 100 ha của cụm công nghiệp tại huyện Tứ Kỳ mà công ty này làm chủ đầu tư để xây dựng Nhà máy Tinh Lợi II. Do gặp vấn đề về giải phóng mặt bằng, nên Công ty đã trả lại đất cho tỉnh Hải Dương và chuyển vào KCN Lai Vu để thực hiện dự án. Nhưng đề xuất này đã không được UBND tỉnh Hải Dương đồng ý.
Để thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo toàn vốn nhà nước, việc đàm phán với May Tinh Lợi để có được mức giá cuối cùng chắc chắn sẽ khá căng thẳng. Tuy nhiên, với mong muốn được làm chủ đầu tư KCN Lai Vu của May Tinh Lợi, cùng với việc xác định rõ nghĩa vụ với khoản lỗ và sự chênh lệch tỷ giá thuộc về Công ty KCN Lai Vu, cơ hội thành công là rất cao.