Năm 1991, hai công ty kiểm toán đầu tiên là Công ty Kiểm toán Việt Nam (VACO) và Công ty Dịch vụ Kế toán & Kiểm toán Việt Nam (AASC) được thành lập với số lượng nhân viên là 13 người. Đến nay, đã có gần 200 công ty kiểm toán độc lập, gần 100 công ty dịch vụ kế toán, trong đó có cả công ty kiểm toán nhà nước, công ty kiểm toán tư nhân, công ty 100% vốn nước ngoài và công ty liên doanh với gần 200 kiểm toán viên, gần 200 kế toán viên có chứng chỉ hành nghề hoạt động tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Dịch vụ kế toán, kiểm toán là một lĩnh vực thương mại, dịch vụ nhạy cảm. Chất lượng nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề là yêu cầu quan trọng của nghề nghiệp.
Theo thông lệ các nước, dịch vụ kế toán và kiểm toán có thể được cung cấp bởi các pháp nhân, thể nhân với các điều kiện khá chặt chẽ về pháp lý, về tiêu chuẩn và bảo hiểm. Đồng thời, các pháp nhân và thể nhân hành nghề kế toán và kiểm toán phải chịu sự quản lý của tổ chức nghề nghiệp, đặc biệt là sự quản lý và kiểm soát về chất lượng dịch vụ, đạo đức nghề nghiệp. Đây là những biện pháp quản lý mềm nhưng có tác dụng trực tiếp và rất mạnh mẽ.
Ở Việt Nam, dịch vụ kế toán, kiểm toán được coi là một loại hình dịch vụ mới. Theo quy định hiện hành, DN dịch vụ kế toán, kiểm toán và cá nhân chỉ được hành nghề sau khi đã đăng ký hành nghề với Bộ Tài chính hoặc đơn vị được Bộ Tài chính ủy quyền (Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam -VAA). Nếu DN hoặc cá nhân hành nghề kế toán nhưng không đăng ký hành nghề sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Thông tư hướng dẫn đăng ký hành nghề kế toán, kiểm toán quy định cụ thể, bao quát các đối tượng tham gia hành nghề và khá chặt chẽ, rõ ràng. Khi cung cấp dịch vụ, người hành nghề kế toán, kiểm toán phải xuất trình Chứng chỉ hành nghề kế toán, kiểm toán (do Bộ Tài chính cấp) và khi ký tên trong các tài liệu liên quan đến dịch vụ cung cấp, người hành nghề kế toán, kiểm toán phải ghi rõ họ, tên, số chứng chỉ hành nghề do Bộ Tài chính cấp.
Để được đăng ký hành nghề kế toán, kiểm toán, cá nhân phải hội tụ đủ điều kiện: có lý lịch rõ ràng, phẩm chất trung thực, đạo đức nghề nghiệp kế toán; có chứng chỉ kế toán viên, kiểm toán viên do Bộ Tài chính cấp; phải có văn phòng, địa chỉ giao dịch và phải đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán, kiểm toán. DN cung cấp dịch vụ kế toán, phải có đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán, có ít nhất hai người có chứng chỉ hành nghề kế toán hoặc chứng chỉ kiểm toán viên do Bộ Tài chính cấp, trong đó, Giám đốc DN bắt buộc phải có một trong hai chứng chỉ hành nghề trên.
Nếu phát hiện người cung cấp dịch vụ vi phạm kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp kế toán mà pháp luật nghiêm cấm trong quá trinh hành nghề thì sẽ xóa tên khỏi danh sách đăng ký hành nghề và không được đăng ký hành nghề lại trong thời hạn ít nhất 3 năm kể từ ngày bị xóa tên.
Hiện chức năng chức năng quản lý hành nghề kế toán đã được Bộ Tài chính chuyển giao cho VAA. Để làm tốt chức năng này, không phải chỉ cần quyết tâm, nỗ lực của VAA mà phải là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước với Hội.
Qua quá trình kiểm tra các BCTC, cơ quan thuế phát hiện được những sai phạm trong hoạt động hành nghề (nếu có) và thông báo cho cơ quan đảm bảo chức năng quản lý nghề nghiệp. Nhưng quan trọng hơn cả là việc xây dựng ý thức xã hội về nghề nghiệp này.
Chỉ khi DN dịch vụ, cá nhân tham gia hành nghề kế toán chủ động trong liên hệ với cơ quan quản lý trong việc đăng ký hành nghề, cập nhật thông tin liên quan để nhận được những quyền lợi hợp pháp của người hành nghề và phía các DN, cơ sở kinh doanh có ý thức về việc được cung cấp dịch vụ đảm bảo chất lượng, thì hoạt động dịch vụ kế toán mới đi vào nền nếp và phát triển lành mạnh.
Trích bài viết “Dịch vụ kế toán kiểm toán - Hoạt động kinh doanh có điều kiện ở Việt Nam” của PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán - Kiểm toán Việt Nam