Dịp Tết, các hãng bay thường kín khách ở chiều đi, vắng khách ở chiều về

Dịp Tết, các hãng bay thường kín khách ở chiều đi, vắng khách ở chiều về

Hàng không kỳ vọng “cất cánh” mùa Tết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngành hàng không đã lên kế hoạch tăng chuyến để đáp ứng nhu cầu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Chi phí tăng, giá vé không tăng so với năm ngoái

Dịp Tết Nguyên đán (từ 29 tháng Chạp tới mùng 5 Tết) luôn là mùa cao điểm hoạt động của ngành hàng không. Năm nay, dịp này trùng với các ngày từ 8/2 - 14/2/2024.

Khảo sát chặng bay TP.HCM - Hà Nội, trong dịp này, giá vé được hãng Vietravel Airlines áp dụng là hơn 5 triệu đồng/cặp vé khứ hồi (chưa bao gồm thuế, phí), giá vé của Vietnam Airlines là hơn 7 triệu đồng/cặp vé khứ hồi (chưa bao gồm thuế, phí).

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, từ ngày 25/1 - 24/2/2024, dự kiến các hãng hàng không nội địa sẽ khai thác và cung ứng khoảng 5,5 triệu vé trên toàn mạng bay nội địa, tăng 4% so với Tết năm trước và tăng 69% so với ngày thường.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện Vietravel Airlines cho biết, tính đến ngày 13/12/2023, tỷ lệ lấp đầy các chuyến bay dịp Tết của hãng đạt khoảng 78%. Giá vé Tết 2024 không cao hơn năm trước, mặc dù chi phí đầu vào các hãng đang cao hơn. Chịu áp lực cạnh tranh, các hãng giá vé giữ đi ngang, quy luật cung - cầu quyết định giá vé.

“Vé Tết năm nay không chỉ có sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không, mà còn là sự cạnh tranh giữa hàng không với đường bộ, đường sắt. 2023 là một năm khó khăn của nền kinh tế, người lao động bị ảnh hưởng thu nhập, phải thắt chặt chi tiêu. Các hãng hàng không đã xem xét đưa ra mức giá phù hợp cho mỗi sản phẩm đường bay dịp Tết. Đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức trách để xin tăng tần suất các chặng bay có nhu cầu di chuyển lớn”, Vietravel Airlines cho biết.

Cục Hàng không Việt Nam cũng nhấn mạnh, giá vé máy bay (cả quốc tế và nội địa) hiện nay đều được thực hiện theo cơ chế giá vé linh hoạt với nhiều dải giá, tùy cung - cầu, điều kiện vé, thời điểm xuất vé…

Nhu cầu đi lại của người dân giai đoạn Tết thường tăng cao và dồn vào những ngày đẹp, khung giờ đẹp. Đương nhiên, giá vé ở những khung giờ này cũng cao hơn. Tuy vậy, vận chuyển hàng không trong giai đoạn Tết có tính chất đặc thù là chỉ đông khách ở một chiều bay, chiều còn lại rất ít khách, thậm chí không có khách. Bởi vậy, giá vé cao mỗi chiều áp dụng vào thời điểm này nhằm bù đắp chi phí cho cả hai chiều, nhưng vẫn không cao hơn giá trần quy định. Như thường lệ, các đường bay có nhu cầu lớn trong giai đoạn Tết Nguyên đán 2023 là các đường bay từ TP.HCM đi các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Một số hãng hàng không cho biết đã tăng chuyến bay dịp Tết để phục vụ mùa cao điểm. Vietnam Airlines Group đã quyết định tăng thêm 100.000 chỗ, tương đương gần 550 chuyến bay, nâng tổng số chỗ lên 2,1 triệu, với 10.700 chuyến bay cho mùa Tết từ ngày 25/1 - 24/2/2024 (tức từ ngày 15 tháng Chạp năm nay đến 15 tháng Giêng năm sau). Các chuyến bay tăng cường tập trung vào các đường bay giữa TP.HCM/ Hà Nội và Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Huế, Đà Lạt, Cần Thơ, Nha Trang, Phú Yên, Phú Quốc...

Theo Vietnam Airlines, hành khách có xu hướng đặt hành trình bay có ngày khởi hành sớm hơn các năm trước. Giá vé dịp Tết năm nay vẫn mở bán linh hoạt theo tình hình thị trường, với đa dạng mức giá và tuân thủ quy định giá trần nội địa. Hãng khuyến cáo hành khách chủ động đặt mua sớm vé máy bay Tết qua các kênh bán vé chính thức của Hãng để tìm được vé có khung giờ và giá vé phù hợp.

Theo thống kê từ các hãng hàng không, tính đến cuối tuần qua, tỷ lệ đặt chỗ trên các đường bay từ TP.HCM đi các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (chiều đi) đạt từ 40 - 50%, trong khi ở chiều ngược lại đạt khoảng 10%. Dù vậy, một thực tế mà các hãng hàng không Việt Nam cũng như các hãng hàng không trên thế giới đang phải đối mặt là chi phí khai thác tăng (giá nhiên liệu tăng, tỷ giá hối đoái biến động), nhưng mặt bằng giá vé Tết 2024 cũng chỉ tương đương với năm 2023.

Kinh doanh vẫn khó

Vietnam Airlines vừa bổ sung thêm 50 máy bay vào danh sách đặt hàng, nhưng sẽ không có máy bay nào được nhận trước năm 2027. Trong khi đó, Vietjet đang đặt hàng hơn 300 máy bay, hướng tới mục tiêu mở rộng thị phần hàng không nội địa và quốc tế.

Cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường hàng không quốc tế gần đây, Vietjet đã nhanh chóng mở rộng mạng lưới đường bay mới đến Trung Quốc, Úc, Kazakhstan, Ấn Độ… Trong quý III/2023, Hãng đã mở thêm 7 đường bay quốc tế mới để nắm bắt nhu cầu phục hồi, nâng tổng số đường bay lên 125 đường bay (45 đường bay nội địa và 80 đường bay quốc tế). Việc tập trung vào thị trường quốc tế sẽ giúp Vietjet cải thiện biên lợi nhuận gộp vì hành khách quốc tế thường đóng góp vào doanh thu phụ trợ nhiều hơn so với hành khách nội địa do thời gian bay dài hơn.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu của Vietjet đạt 43.737 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 192 tỷ đồng, lần lượt tăng 58,8% và 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty Chứng khoán VNDIRECT vừa nâng dự báo doanh thu cốt lõi năm 2023 của Vietjet thêm 4,3%, nhờ sự gia tăng đóng góp của doanh thu vé quốc tế và doanh thu dịch vụ phụ trợ, đồng thời giảm chi phí nhiên liệu máy bay/ASK (do hiệu quả sử dụng nhiên liệu tốt hơn).

Tuy vậy, Vietjet là điểm sáng hiếm hoi trong ngành hàng không Việt Nam hiện nay. Hiện Bamboo Airway đang tập trung tái cơ cấu sau giai đoạn thua lỗ nặng, hãng này không còn khai thác các chuyến bay đường dài và đang thu hẹp mạng bay nội địa. Trong khi đó, tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines vẫn còn nhiều khó khăn. Quý III vừa qua, Vietnam Airlines báo lỗ sau thuế 2.203 tỷ đồng và lỗ trong 9 tháng đầu năm là hơn 3.534 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính năm 2022 được kiểm toán của Vietnam Airlines cho thấy, năm qua, doanh thu tăng 20% so với kế hoạch, đạt 70.792 tỷ đồng, song lỗ sau thuế là 11.223 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế tại thời điểm cuối năm 2022 lên 35.072 tỷ đồng.

Kiểm toán nhấn mạnh, khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê.

Ban lãnh đạo Vietnam Airlines đã đưa ra các giải pháp về nguồn vốn, tái cấu trúc tình hình tài chính, cải thiện hiệu quả hoạt động…

Trong khi đó, Vietravel Airlines, sau gần 3 năm đi vào hoạt động, vẫn chưa có lãi. Hãng vẫn trong quá trình đầu tư, nâng quy mô đội tàu bay cũng như mở rộng mạng lưới đường bay và chuẩn bị các thủ tục phát hành cổ phần riêng lẻ để tăng vốn điều lệ. Hiện vốn điều lệ của Hãng là 1.300 tỷ đồng và nếu phát hành riêng lẻ thành công sẽ nâng lên 2.000 tỷ đồng.

Tin bài liên quan