Hancorp thoái vốn thành công khỏi ICON4

Hancorp thoái vốn thành công khỏi ICON4

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc thoái vốn khỏi ICON4 thành công với giá cao hơn gấp 2,4 lần thị giá cổ phiếu giúp Hancorp thu về hơn 66,6 tỷ đồng.

Trong bản công bố thông tin ngày 16/9/2020, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP (Hancorp) cho biết, đã bán thành công hơn hơn 4.137.500 cổ phiếu, tương ứng với 26% cổ phần đang nắm giữ tại Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 4 (ICON4 - mã chứng khoán: CC4 - UPCoM) sau phiên đấu giá ngày 1/9/2020 vừa qua.

Giá đấu trúng thành công sát với giá khởi điểm 16.100 đồng/cổ phiếu, giúp Hancorp thu về hơn 66,613 tỷ đồng. Danh tính người nhận chuyển nhượng không được công bố, tuy nhiên, thông tin cho biết, lô cổ phiếu này đã được cả 4 nhà đầu tư cá nhân mua gom thành công sau phiên đấu giá. Hiện thị giá trên thị trường UPCoM của cổ phiếu CC4 là 6.500 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu này không có giao dịch trong 1 tháng rưỡi qua.

Tới ngày 14/9/2020, 4 nhà đầu tư cá nhân tham gia đấu giá đã chuyển đủ số tiền mua cổ phiếu CC4 cho Hancorp thông qua tài khoản tại Ngân hàng BIDV.

ICON4 từng là một trong những công ty có hoạt động kinh doanh hiệu quả nhất của Hancorp, nhưng vài năm trở lại đây hoạt động khá èo uột với kết quả kinh doanh liên tục đi xuống.

Ghi nhận từ 2008 - 2016, tận dụng lợi thế thành viên Hancorp, ICON4 được tham gia thi công khá nhiều công trình lớn, mang lại doanh thu và lợi nhuận đáng kể với mức doanh thu trung bình hàng năm trên 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận trung bình khoảng 17,7 tỷ đồng/năm.

Trong đó, giai đoạn 2010 - 2014, bất chấp thời điểm thị trường bất động sản - xây dựng gặp nhiều khó khăn, ICON4 vẫn ghi nhận doanh thu tăng trưởng nhảy vọt và đạt đỉnh hơn 1.506 tỷ đồng vào năm 2013, nhưng lợi nhuận lao dốc, chỉ đạt 100 triệu đồng. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn từ 2017 trở lại đây, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bắt đầu thụt lùi nhanh chóng (xem bảng 1).

Hoạt động kém khởi sắc, tuy nhiên, ICON4 lại có lợi thế về quỹ đất khi sở hữu một số mảnh đất "vàng" tại Hà Nội. Trong đó, đáng chú ý là dự án "Nhóm nhà ở Đông Nam đường Tố Hữu" ngay gần Trung Văn, Hà nội.

Dự án được UBND TP. Hà Nội chấp thuận cho ICON4 làm chủ đầu tư từ năm 2008 với diện tích quy hoạch ban đầu khoảng 90.745 m2, sau điều chỉnh lên 91.720 m2, trong đó đất ở thấp tầng (nhà vườn) có tổng diện tích đất khoảng 15.795 m2, đất công trình hỗn hợp (ký hiệu: HH) có chức năng nhà ở, dịch vụ công cộng, văn phòng, khách sạn là 12.043 m2.

Tuy nhiên, dự án này tới nay vẫn vướng chưa thể triển khai được. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 vừa qua, Ban lãnh đạo của ICON4 cho biết, Công ty không đáp ứng được về năng lực tài chính để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật (Luật Đầu tư, Luật đất đai và Luật Nhà ở), nên mặc dù được chấp thuận làm chủ đầu tư nhưng cho đến nay, công tác hoàn tất thủ tục pháp lý vẫn bế tắc. Thậm chí, việc thực hiện thủ tục này đã được thẩm định tới lần thứ 3 tại các sở, ban ngành của TP. Hà Nội.

Do đó, trong năm nay, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý theo chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội tại Văn bản số 2834/UBND-ĐT ngày 22/6/2018, trước mắt, chủ đầu tư đang xin đề xuất được làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại ô đất quy hoạch HH:02A (diện tích 2.726,1 m2), thuộc quỹ đất 20% dự án phải bàn giao lại Thành phố theo cơ chế dự án.

Ngày 15/6/2020, HĐQT ICON4 đã ban hành Nghị quyết thông qua tờ trình của Tổng giám đốc Công ty về việc phê duyệt chủ trương để ký phụ lục số 06, 07 Hợp đồng hợp tác đầu tư dự án "Nhóm nhà ở Đông Nam đường Tố Hữu". Tuy nhiên, đáng lưu ý, vốn góp liên danh nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội này, ICON4 chỉ góp vỏn vẹn 5%, còn Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng NHS (NHS) góp tới 95%.

Liên quan đến ICON4, một trong những doanh nghiệp hào hứng nhất với doanh nghiệp này Taseco Land, một thành viên thuộc Taseco Airs, công ty chuyên về dịch vụ hàng không.

Taseco Land bắt đầu mua vào cổ phiếu của CC4 từ năm 2017 sau khi Hancorp có chủ trương thoái lui khỏi một số đơn vị thành viên để tập trung tái cấu trúc mô hình Tổng công ty mẹ theo chủ trương của Chính phủ. Thời điểm đó, Taseco đã mua vào hơn 6 triệu cổ phiếu CC4, tương ứng 37,6% vốn điều lệ ICON4 trước thời điểm Công ty đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM.

Trong kế hoạch của mình, Taseco muốn nắm giữ tới 75% vốn điều lệ của ICON4, đồng thời tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2018, ICON4 đã trình cổ đông thông qua chủ trương cho Taseco tăng tỷ lệ sở hữu lên mức tối đa 75% mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai. Dẫu vậy, tờ trình này đã không được thông qua khi có tới 78,1% tổng số cổ phần tham gia biểu quyết không tán thành. Không lâu sau đó, tới cuối 2018, Taseco thông báo thoái toàn bộ số cổ phần CC4 đang nắm giữ.

Tuy nhiên, tham vọng với ICON4 của Taseco vẫn chưa chấm dứt, bởi trước khi Taseco thông báo thoái vốn, ngày 16/11/2018, Taseco Land, một công ty con chuyên về bất động sản của Taseco đã mua 920.636 cổ phiếu CC4 (tỷ lệ 5,75%) và trở thành cổ đông lớn tại ICON4.

Sau đó, đến cuối tháng 11/2018, Hội đồng quản trị ICON4 tiếp tục có tờ trình xin Đại hội đồng cổ đông thông qua nội dung cho Taseco Land nhận chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông hiện hữu của CC4 để sở hữu lên mức 49% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai, nhưng vẫn không được đại hội thông qua.

Đến đầu năm 2019, trong khi Taseco thoái xong hết vốn tại ICON4, thì Taseco Land chỉ mua được thêm gần 2 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu lên 18% vốn của ICON4 và giữ nguyên tỷ lệ sở hữu cho tới nay.

Chính vì vậy, tại phiên đấu giá vừa qua, nhóm cổ đông lớn Taseco Land được cho là có mối quan tâm nhiều nhất tới lô cổ phiếu đấu giá của ICON4.

Tin bài liên quan