Ban quản lý Đường sắt đô thị TP HCM cho biết, việc nghiên cứu dự án xây dựng tuyến monorail (tàu điện một ray) số 2 (Quốc lộ 50 - Khu đô thị Bình Quới) được thực hiện trong một năm - từ 6/2019 đến 5/2020.
Kinh phí cho việc này là 2,04 triệu USD, do cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại.
Dự kiến, tuyến monorail số 2 sử dụng bánh lốp, chạy bằng điện trên cầu riêng biệt và không có người lái. Nó gồm 6 toa, sức chở 316 hành khách với tốc độ 30-70 km/h.
Dài hơn 27 km, tuyến monorail số 2 bắt đầu từ nút giao đường Nguyễn Văn Linh - Quốc lộ 1 - Quốc lộ 50 đi theo đường Nguyễn Văn Linh - Huỳnh Tấn Phát vượt sông Sài Gòn - đường trục Bắc Nam Thủ Thiêm - Khu đô thị mới Thủ Thiêm - Trần Não - Xuân Thủy - vượt sông Sài Gòn - Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa. Định hướng sẽ kết nối với tuyến metro số 3a (Bến Thành - Tân Kiên).
Tuyến monorail này được kỳ vọng thu hút nhiều hành khách vì đi qua nhiều khu vực đông dân cư gồm quận 2, 7, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh.
Dự án được TP HCM kêu gọi đầu tư từ các nguồn vốn BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), PPP (đối tác công - tư) với tổng mức đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng.
Theo quy hoạch điều chỉnh đã được Chính phủ phê duyệt, TP HCM sẽ có 8 tuyến metro (tàu điện ngầm), một tuyến tramway (xe điện mặt đất) và hai tuyến monorail. Trong đó, tuyến monorail số 3 dài 16,5 km từ ngã tư Phan Văn Trị - Nguyễn Oanh - ga Tân Chánh Hiệp).
Sơ đồ hướng tuyến tàu điện một ray số 2.
Hồi tháng 5, trong chuyến công tác tại Hàn Quốc do Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong dẫn đầu, chính quyền TP HCM và thành phố Busan ký bản ghi nhớ việc đầu tư xây dựng tuyến monorail số 2.
Tàu điện một ray đã xuất hiện ở nhiều thành phố lớn trên thế giới, có ưu điểm là rẻ hơn rất nhiều so với đường sắt trên cao và đường sắt ngầm cùng năng lực vận tải.
Thời gian xây dựng cũng ngắn hơn và ít ảnh hưởng đến giao thông xung quanh. Ngoài ra, loại hình vận tải này cũng chiếm ít không gian vì trụ monorail nhỏ, giãn cách xa.