Đó là khuyến nghị của ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó phòng Phân tích, CTCK MayBank KimEng (MBKE) khi trao đổi với ĐTCK.
Với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, nỗi lo về biến động tỷ giá và dòng vốn ngoại vẫn đang thường trực trong tâm trí nhiều NĐT. Đây có phải là rủi ro ngắn hạn lớn nhất hay không, thưa ông?
Theo cá nhân tôi đánh giá, động thái tăng lãi suất thêm 0,25% của Fed là kịch bản nằm trong dự báo của giới tài chính thế giới, thể hiện qua việc không có bất kỳ phiếu chống nào (10/10 phiếu thuận) trong nội bộ của Fed khi thông qua quyết định này.
Nhìn chung, quyết định tăng lãi suất của Fed sẽ có tác động tiêu cực nhất định lên dòng vốn đầu tư vào nhóm các thị trường mới nổi do một phần dòng vốn có thể lựa chọn quay trở lại thị trường Mỹ.
Dù vậy, cần lưu ý, kể từ khi Fed “đánh tiếng” về khả năng tăng lãi suất đến thời điểm thật sự tăng vừa qua là hơn 1 năm và sự dịch chuyển dòng vốn đã được thực hiện khá rõ nét trong khoảng thời gian này. Nói cách khác, thị trường đã phản ánh một phần tác động của việc Fed tăng lãi suất.
Ông Nguyễn Thanh Lâm
Về tác động đối với Việt Nam, câu chuyện dễ thấy nhất có lẽ là sức ép về mặt tỷ giá. Tình hình tỷ giá những ngày cuối năm hiện đang khá căng thẳng khi tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại đều ở mức gần hoặc kịch trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước.
Theo tôi, khả năng cao là Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm có những điều chỉnh về mặt tỷ giá vào giai đoạn đầu năm 2016 để phán ánh phù hợp tình hình của thị trường.
Về yếu tố dòng vốn ngoại, tôi cho rằng, đặc thù TTCK Việt Nam có phần khác biệt so với thị trường ở các quốc gia mới nổi khác do quy mô của chúng ta vẫn còn nhỏ, vì vậy tác động tiêu cực từ sự dịch chuyển của dòng vốn ngoại sẽ không quá lớn.
Dù vậy, thực tế cho thấy, động thái bán ròng của các NĐT nước ngoài đã xuất hiện khá rõ nét tại TTCK Việt Nam trong 2 tháng vừa qua (đặc biệt mạnh trong tháng 12 này), tính riêng tại sàn HOSE, khối ngoại bán ròng hơn 2.700 tỷ đồng.
Theo ông, xu hướng của dòng vốn ngoại trên TTCK Việt Nam sắp tới sẽ như thế nào?
Như đã lưu ý bên trên, khối ngoại đang trong chuỗi ngày bán ròng kéo dài suốt 2 tháng nay và động thái bán ròng có lẽ sẽ tiếp diễn trong thời gian còn lại của tháng 12. Tình hình sẽ sớm được cải thiện vào đầu năm 2016.
Tính theo yếu tố chu kỳ thì có 4/5 năm gần đây (trừ năm 2012), khối ngoại mua ròng trong giai đoạn tháng 1. Bên cạnh yếu tố chu kỳ, khả năng khối ngoại đẩy mạnh hoạt động giải ngân trở lại sau khi “nút thắt” tỷ giá được giải quyết cũng được tôi đặt kỳ vọng cao.
Ông có dự báo gì về diễn biến chỉ số chứng khoán trong ngắn hạn?
Giai đoạn khó khăn nhất trong ngắn hạn có lẽ đã trôi qua, đó là thời gian từ nửa cuối tháng 11 đến nửa đầu tháng 12, khi VN-Index hình thành xu hướng giảm mạnh.
Hiện tại, đà giảm của VN-Index dần chậm lại và vùng hỗ trợ gần nhất tại khu vực 550 điểm đang phát huy hiệu quả nâng đỡ. Khả năng cao nhất là VN-Index sẽ tích lũy đi ngang trong vùng 550 - 590 điểm trong một thời gian trước khi xác lập xu hướng rõ ràng hơn.
Thanh khoản tuy được cải thiện trong hơn một tuần vừa qua, nhưng sự cải thiện này chưa đủ mạnh để tôi có thể nhìn nhận dòng tiền đã quay lại trạng thái mở rộng.
Với nhìn nhận nêu trên, tôi cho rằng, sẽ phù hợp hơn nếu NĐT giữ một tỷ trọng cân bằng giữa tiền mặt và cổ phiếu trong giai đoạn hiện nay.
Việc giải ngân cũng nên ưu tiên cho nhóm cổ phiếu cơ bản và hạn chế nhóm cổ phiếu có hệ số beta cao, vốn là nhóm rất cần dòng tiền mạnh để có thể tăng giá.
Một số điểm tích cực trong ngắn hạn, theo quan điểm của tôi bao gồm: kinh tế vĩ mô đang hồi phục với tốc độ nhanh dần; tái cấu trúc hệ thống ngân hàng về cơ bản đã diễn ra thành công; tăng trưởng tín dụng có sự cải thiện tích cực và kỳ vọng tiếp tục tăng mạnh trong năm 2016; câu chuyện nới “room” dành cho khối ngoại; hiệu ứng từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.
Về các nhóm ngành và cổ phiếu, chúng tôi dành sự quan tâm nhiều hơn đến các nhóm ngành được hưởng lợi từ các “câu chuyện” nêu trên, cụ thể là: cảng biển và logistic, xây dựng, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, bất động sản...