Lao đao vì cả cung lẫn cầu đều giảm
Giống như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cuối tuần trước, cùng với việc dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm nay, đã nhấn mạnh, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Tuy nhiên, định chế tài chính này thừa nhận, dịch bệnh Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến Việt Nam, hình thành các cú sốc đối với cả phía cung và phía cầu ở hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Và đó là một trong những lý do quan trọng nhất khiến tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý I/2020 đã giảm xuống còn 3,82%, từ mức 6,8% của cùng kỳ năm 2019.
Các con số được ADB viện dẫn, đó là ở phía cầu, việc hạn chế đi lại đã kìm hãm tăng trưởng tiêu dùng nội địa trong quý I/2020. Tăng trưởng doanh số bán lẻ còn 4,7% trong quý I, giảm so với mức 12% cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, hoạt động thương mại toàn cầu giảm mạnh cũng ảnh hưởng tới tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.
Trên thực tế, điều này đã được các cơ quan quản lý, các chuyên gia kinh tế nhắc tới. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương lo ngại khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đã giảm 4% trong tháng 3. Còn nếu tính chung cả quý I, sau khi trừ yếu tố giá cả, mức tăng chỉ là 1,6%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 9,3% của cùng kỳ năm ngoái. Ngay cả ở thời điểm khủng hoảng 2008-2009, sức mua của nền kinh tế cũng không tăng thấp đến mức này.
Còn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nói rằng, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt mức 0,5% trong quý I là “đáng báo động”. Theo Bộ trưởng, hầu hết các thị trường xuất khẩu quan trọng, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều trong tình trạng rất khó khăn, đơn hàng giảm, chỉ còn tới hết tháng 4.
Như vậy, sức mua cả thị trường trong nước và nước ngoài đều giảm. Điều này dẫn tới sản xuất trong nước, vốn đang gặp rất nhiều khó khăn do rủi ro “đứt gãy chuỗi sản xuất”, thiếu động lực để phát triển.
Báo cáo Chính phủ, Bộ Công thương cũng cho biết, sự đứt gãy chuỗi cung ứng đã gây khó khăn cho doanh nghiệp, cho sản xuất, nhưng việc sức cầu yếu càng ảnh hưởng nhiều hơn nữa. “Khó khăn về thị trường xuất khẩu sẽ nghiêm trọng hơn so với việc thiếu hụt nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Nếu đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ không có dòng tiền để quay vòng vốn, trang trải chi phí, trả lãi ngân hàng, khấu hao nhà xưởng, trả lương công nhân..., do đó sẽ không thể duy trì hoạt động”, Bộ Công thương nhận định.
Năm 2008-2009, khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, sức mua thị trường thế giới giảm sút, thị trường trong nước đã trở thành “điểm tựa”. Khi ấy, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã lần lượt quay về với thị trường nội địa. Nhưng nay, ngay cả thị trường nội địa, sức mua cũng đang giảm sút nghiêm trọng.
“Trở đi mắc núi, trở về mắc sông”, vì thế, sản xuất công nghiệp trong các quý tiếp theo được cho là sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn bởi vấn đề sụt giảm thị trường tiêu thụ trong nước, cũng như toàn cầu trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng lan rộng. Kinh tế Việt Nam vì thế thêm lao đao.
Bài toán “thị trường mới ở trong nước và thị trường lớn ở nước ngoài”
“Chúng ta gặp tình trạng yếu cả cung, yếu cả cầu, vì vậy, phải tìm thấy ‘thị trường mới ở trong nước và thị trường lớn ở nước ngoài’, phải có biện pháp giữ ổn định sản xuất - kinh doanh, nếu không, không thể giải quyết việc làm và tăng trưởng”, Thủ tướng Chính phủ nói.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, không dễ trong ngày một ngày hai có thể tìm thị trường mới, có mặt hàng mới, khi mà cầu thị trường cả trong và ngoài nước đều sụt giảm.
Hiện cả dệt may, da giày, hàng điện tử, điện thoại…, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều có nguy cơ sụt giảm kim ngạch xuất khẩu trong năm nay.
Samsung đã có sự sụt giảm nhẹ về kim ngạch xuất khẩu vào năm ngoái, đạt 59 tỷ USD. Năm nay, nhà sản xuất này đặt mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu 8%, đạt trên 62 tỷ USD. Nhưng đó là khi chưa có dịch xảy ra.
Theo Hãng nghiên cứu thị trường Strategy Analytics Inc., doanh số smartphone toàn cầu năm 2020 có thể giảm 10% do tác động của dịch Covid-19. Sự sụt giảm nhu cầu này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành sản xuất điện tử tại Việt Nam. Nếu xuất khẩu của Samsung sụt giảm, sẽ ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu và cả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Đó là mới nói đến một sản phẩm, chưa nói tới các sản phẩm, thị trường khác. Câu chuyện cung - cầu thị trường trên thực tế không thể dùng mệnh lệnh hành chính để xử lý.
Song theo Bộ Công thương, vẫn có thể tận dụng các cơ hội để thúc đẩy sản xuất trong nước và xuất khẩu. Với thị trường nội địa, đẩy mạnh triển khai công tác bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, có phương án để phục vụ các địa bàn trên cả nước trong mọi tình huống của dịch bệnh; đẩy mạnh các hoạt động thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ hàng hóa…
Với thị trường xuất khẩu, có thể nghiên cứu gói cứu trợ kinh tế 2.000 tỷ USD của Mỹ để nắm bắt các trọng tâm kích cầu tiêu dùng của họ, từ đó có phương án tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu thích hợp. Hay tập trung hoàn tất các công việc để sớm thông qua Hiệp định EVFTA và chuẩn bị tốt các công việc để triển khai thực thi có hiệu quả Hiệp định này ngay sau khi có hiệu lực…
Cơ hội từ các hiệp định thương mại
ADB nhận định, số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia cũng hứa hẹn tăng cường việc tiếp cận thị trường cho Việt Nam. Đây là yếu tố thiết yếu cho sự phục hồi kinh tế sau Covid-19. Việc Trung Quốc khống chế được Covid-19 và khả năng thị trường Trung Quốc có thể trở lại bình thường sẽ giúp hồi sinh chuỗi giá trị toàn cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi kinh tế tại Việt Nam.