Trong 16 thanh viên ban cố vấn kinh tế của ông Trump, chỉ có 2 người là phụ nữ

Trong 16 thanh viên ban cố vấn kinh tế của ông Trump, chỉ có 2 người là phụ nữ

Hai bóng hồng trong ban cố vấn kinh tế của Tổng thống đắc cử Donald Trump

(ĐTCK) Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã chiêu mộ dàn nhân tài trong lĩnh vực kinh doanh để tham gia vào ban cố vấn của mình trong nhiệm kỳ sắp tới. Ban cố vấn này có tên “Diễn đàn Chiến lược và Chính sách”, bao gồm 16 nhà lãnh đạo từ các công ty, tập đoàn kinh doanh hàng đầu và các bộ ngành có liên quan.

Ban cố vấn kinh tế sẽ có đường dây nối trực tiếp với ông Trump, được giao nhiệm vụ cung cấp cho Tổng thống đắc cử ý kiến trung lập về tác động của các chính sách chính phủ lên tình hình việc làm và nền kinh tế Mỹ.

Hãng tin CNN cho biết, nhóm 16 người trên được lựa chọn và dẫn dắt bởi ông Stephen Schwarzman, tỷ phú sáng lập Tập đoàn tài chính chuyên đầu tư vốn cổ phần tại Mỹ Blackstone.

Trong 16 cái tên được chọn, chỉ có 2 người là phụ nữ. Nhiều ý kiến cho rằng đây là một sự chênh lệch lớn về giới tính. Tuy nhiên, ông Schwarzman cho biết, giới tính hay đảng phái không phải là yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn ra thành viên của nhóm, bởi ông Trump đã nói rằng: “Tôi không quan tâm về điều đó. Tôi không quan tâm tới bất cứ thứ gì ngoài tài năng, sự khôn ngoan và cách nhìn nhận vấn đề”.

Thực tế, danh sách ban cố vấn bao gồm một số người ủng hộ mạnh mẽ cho Đảng Dân chủ, bao gồm Bob Iger - nhà tài trợ tranh cử cho bà Hillary Clinton và Larry Fink - người từng được cân nhắc vào vị trí Bộ trưởng tài chính nếu bà Clinton đắc cử.

Ông Schwarzman cũng nói thêm rằng, Tổng thống đắc cử Donald Trump “yêu quý tất cả bọn họ”.

Vậy, hai người phụ nữ tài năng đã được lựa chọn vào nhóm “ngôi sao” này và được Trump tin tưởng - họ là ai?

Đó là bà Mary Barra, Chủ tịch kiêm CEO hãng sản xuất ô tô General Motors (GM) và bà Ginni Rometty, Chủ tịch kiêm CEO hãng công nghệ IBM.

Mary Barra - Nữ tướng quyền lực nhất ngành ô tô thế giới

Bà Barra sinh năm 1961. Năm 1980, bà bắt cộng tác với GM khi đang là sinh viên ngành Động cơ ô tô tại Đại học Kettering. Sau đó, bà gia nhập GM với vai trò là kỹ sư tại nhà máy Pontiac. Năm 1990, bà nhận bằng MBA từ Đại học Stanford.Đây được coi là tiền đề để bà thăng tiến lên nhiều vị trí quan trọng trong công ty, trong đó có vị trí Giám đốc phát triển sản phẩm.

Trong vai trò này, bà chịu trách nhiệm cho việc thiết kế, quản lý chương trình và chất lượng xe GM trên toàn thế giới.

Hai bóng hồng trong ban cố vấn kinh tế của Tổng thống đắc cử Donald Trump ảnh 1

 Tháng 1/2014, Mary Barra chính thức trở thành CEO của GM

Tháng 1/2014, Mary Barra chính thức trở thành CEO của GM. Theo giới truyền thông, đây được coi là một sự thay đổi lớn trong ngành ô tô, bởi Barra là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới giữ chức vụ quan trọng như vậy trong một thương hiệu xe hơi toàn cầu.

Barra cũng đã nhiều năm được xếp trong danh sách những người phụ nữ quyền lực nhất của tạp chí Forbes. Chính bà đã chèo lái con thuyền GM ra khỏi cái bóng thảm họa của bê bối thu hồi xe lỗi động cơ đánh lửa, góp công lớn trong việc “hồi sinh” thương hiệu xe lừng lẫy một thời của nước Mỹ.

Dưới sự lãnh đạo của Barra, bất chấp những khó khăn khách quan từ thị trường quốc tế, doanh thu của GM vẫn tăng vọt trong thời gian qua.

Ginni Rometty - Sếp nữ lương cao nhất nhì thung lũng Silicon

Bà Rometty sinh năm 1957, tốt nghiệp ngành Kỹ thuật và khoa học ứng dụng tại Đại học Northwestern, đồng thời nhận bằng cử nhân về Khoa học máy tính và kỹ thuật điện toán trong cùng năm 1979.

Hai bóng hồng trong ban cố vấn kinh tế của Tổng thống đắc cử Donald Trump ảnh 2

Rometty chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh tại 170 thị trường trên toàn cầu của IBM 

Ginni Rometty bắt đầu sự nghiệp của mình với IBM vào năm 1981 tại Detroit, Michigan. Kể từ đó, bà đã từng bước trải qua nhiều vị trí lãnh đạo ở IBM.

Đặc biệt, khi nắm giữ vị trí Phó chủ tịch cấp cao phụ trách mảng bán hàng, marketing và chiến lược, Rometty chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh tại 170 thị trường trên toàn cầu, giúp IBM hoạt động và tiên phong trong việc mở rộng nhanh chóng thị phần của mình tại các nền kinh tế mới nổi.

Ngoài ra, Rometty còn gây được tiếng vang với thương vụ sáp nhập mảng tư vấn IT của hãng kiểm toán PwC vào IBM. Không chỉ vậy, thách thức của Rometty sau đó là làm sao để sáp nhập 30.000 chuyên viên tư vấn của PwC vào đội ngũ 150.000 chuyên viên của IMB mà không vấp phải xung đột văn hóa.

Rometty đã thành công khi giúp cho quá trình sáp nhập được diễn ra suôn sẻ nhờ chế độ lương thưởng hợp lý và công bằng cho mọi nhân viên, dù là người của PwC hay IBM.

Năm 2015, Ginni Rometty là một trong những nữ giám đốc được trả lương cao nhất nhì thung lũng Silicon (19,3 triệu USD).

Bước vào vị trí mới: hứa hẹn và thách thức

Cùng với các thành viên khác của ban cố vấn kinh tế, bà Mary Barra sẽ thường xuyên họp với ông Trump để thảo luận về tác động của các chính sách của chính phủ đối với nền kinh tế, đặc biệt là với ngành ô tô.

“Tôi rất vui khi có cơ hội tham gia “Diễn đàn Chính sách và Chiến lược” của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Việc này tạo điều kiện cho chúng tôi góp tiếng nói vào một cuộc đối thoại mở và mang tính xây dựng về các vấn đề chính sách quan trọng,” bà Barra cho biết.

Mối quan tâm hàng đầu của bà Barra có lẽ là các vấn đề xung quanh mức thuế mà ông Trump đã tuyên bố sẽ áp đặt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico, bởi các hoạt động của GM nói riêng cũng như ngành ô tô nói chung sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi chính sách này.

Về phía Ginni Rometty, bà cũng đã gửi tới ông Trump bức thư ngỏ về việc sẽ tạo ra thêm công ăn việc làm tại Mỹ, theo định hướng của tổng thống đắc cử. Động thái này được cho là xuất phát từ những chỉ trích trước đó của ông Trump đối với IBM, khi hãng này đã sa thải nhiều công nhân ở Minneapolis và chuyển nhiều việc làm ra nước ngoài. Hiện IBM có khoảng 380.000 nhân viên trên toàn thế giới, và đã cắt giảm hàng nghìn nhân sự trong vài năm qua. 

Về vai trò cụ thể bà Rometty trong ban cố vấn, phía IBM đã từ chối đưa ra bình luận.

***

Năm 2015, bà Mary Barra dẫn đầu danh sách 50 phụ nữ quyền lực nhất toàn cầu trong lĩnh vực kinh doanh do tạp chí Fortune bình chọn, vị trí thứ 2 thuộc về bà Ginni Rometty.

Với kinh nghiệm phong phú, hiểu biết sâu rộng cũng như tầm nhìn thấu đáo, việc hai nữ giám đốc quyền lực nhất nhì thế giới này được chọn lựa vào ban cố vấn của tổng thống đắc cử Donald Trump đã phản ánh sự nỗ lực và đấu tranh của phụ nữ, để vươn đến những vị trí cao và có tiếng nói mạnh mẽ trong giới doanh nghiệp nói riêng cũng như trong xã hội nói chung. 

14 vị trí còn lại trong ban cố vấn kinh tế của ông Trump

1. Stephen A. Schwarzman - Nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm CEO của Blackstone

2. Paul Atkins - Ceo của Patomak Global Partners, LLC; Nguyên Ủy viên Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái

3. Toby Cosgrove - CEO của Cleveland Clinic

4. Jamie Dimon - Chủ tịch kiêm CEO của JPMorgan Chase & Co

5. Larry Fink - Chủ tịch kiêm CEO của BlackRock

6. Bob Iger - Chủ tịch kiêm CEO của Walt Disney

7. Rich Lesser - Chủ tịch kiêm CEO của Boston Consulting Group

8. Doug McMillon - Chủ tịch kiêm CEO của Wal-Mart

9. Jim McNerney - Cựu Chủ tịch kiêm CEO của Boeing

10. Adebayo “Bayo” Ogunlesi - Chủ tịch của Global Infrastructure Partners

11. Kevin Warsh - Cựu thành viên Ban lãnh đạo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED)

12. Mark Weinberger - Chủ tịch kiêm CEO của EY

13. Jack Welch - Cựu Chủ tịch kiêm CEO của General Electric

14. Daniel Yergin - Phó Chủ tịch IHS Markit

Tin bài liên quan