Habubank: Sáp nhập để tồn tại!

Habubank: Sáp nhập để tồn tại!

(ĐTCK) Dù nuối tiếc thương hiệu Habubank đã tồn tại 20 năm, nhưng các cổ đông của NGân hàng đã thông qua việc sáp nhập để giải quyết bài toán "tồn tại hay không tồn tại".

> Diễn biến vụ HBB sáp nhập vào SHB

Tại ĐHCĐ, mặc dù còn đâu đó những sự nuối tiếc đối với thương hiệu Habubank đã tồn tài hơn 20 năm qua cũng như sự chưa hài lòng về cách thức sáp nhập, tỷ lệ sáp nhập với SHB, nhưng các cổ đông Habubank vẫn biểu quyết sáp nhập để giải quyết bài toán “tồn tại hay không tồn tại”...

 

Chỉ tiêu

Thep BCTC kiểm toán 2011

BCTC được kiểm toán theo chuẩn mực VAS tại ngày 29/2/2012

Đánh giá đặc biệt theo dự báo mức độ rủi ro lớn nhất tại 09/2/2012

Tổng tài sản

41.285

36.855

33.307

Nợ phải trả

36.892

33.112

33.112

Vốn chủ sở hữu

4.051,455

3.741

195,339

Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ

4,42%

16,06%

32,06

Dự phòng

(292)

(495)

(2.622)

Lợi nhuận thuần trước thuế

310,132

(649)

(4.197)

Nguồn: Habubank. Đơn vị Tỷ đồng

 

Sốc với thông tin vốn chủ còn hơn 195 tỷ đồng

Tại phiên họp ĐHCĐ diễn ra ngày 28/4/2012, trong quá trình trình bày lại đề án sáp nhập Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank - mã HBB) vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội, Ban lãnh đạo Habubank đã đưa ra một bức tranh tài chính cập nhật đến cuối tháng 2/2012 khiến không ít cổ đông giật mình.

Theo đó, nếu theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS), tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của Ngân hàng thời điểm 29/2 là 16,06% chủ yếu do phải hạch toán khoản nợ của Vinashin, cao hơn rất nhiều so với con số 4,42% cuối năm 2011. Habubank cũng đã ghi nhận con số lỗ gần 650 tỷ đồng do phải trích dự phòng 495 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu của Ngân hàng thời điểm này giảm về mức 3.741 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đó là con số tính toán theo VAS vốn đang được áp dụng đối với tất cả định chế tài chính khác, được Công ty Kiểm toán Ernst&Young thực hiện kiểm toán.

Còn theo đánh giá đặc biệt theo yêu cầu của NHNN, không dựa theo VAS, mà dựa trên các quan điểm rủi ro nhất và với giả định các tài sản (như các khoản vay hay đầu tư, ủy thác) không tiếp tục hoạt động bình thường trong hoạt động kinh doanh của Ngân hàng, mà đang phải chịu sức ép thanh lý ngay tài sản cũng như giả định bất thường rằng Ngân hàng không thực hiện bất cứ biện pháp chủ động hay tích cực nào để quản lý các tài sản này với mục đích duy trì và nâng cao chất lượng tài sản, thì tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của Habubank lên tới 32,06%, lợi nhuận trước thuế âm 4.197 tỷ đồng, đưa vốn chủ sở hữu của Habubank về hơn 195 tỷ đồng. KQKD này là con số sau khi đã tính dự phòng dư nợ cho vay của nhóm công ty thuộc Vinashin.

Không ít cổ đông đã tỏ ra bất ngờ và có phần bức xúc với những con số được công bố. Tại sao chỉ trong một thời gian ngắn, hơn 4.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu của Habubank đã bị bay mất? Một số cổ đông đặt câu hỏi về việc: ai chịu trách nhiệm cho con số thua lỗ này và trách nhiệm cơ quan quản lý ở đâu khi để Habubank lâm vào tình trạng như vậy?

Một cổ đông có kinh nghiệm tham gia TTCK nhiều năm phát biểu rằng, cổ đông chúng tôi không chấp nhận con số này, vì nó không có cơ sở pháp lý gì. Chúng tôi chỉ có thể chấp nhận các báo cáo theo chuẩn mực kế toán Việt Nam . Khi có một khoản nợ xấu, Ngân hàng phải trích dự phòng rủi ro, nhưng không có nghĩa là tài sản đó bằng không. Nếu DN đó còn tồn tại, DN phải có trách nhiệm trả nợ. Trường hợp DN phá sản, khi phát mại tài sản, Ngân hàng vẫn có thể thu về một phần giá trị đã cho vay. 

“Con số chênh lệch quá lớn đến mức tôi không tin đó là con số chuẩn xác. Với tình trạng vốn chủ như vậy, chẳng lẽ Ngân hàng có nguy cơ phá sản?”, một cổ đông phát biểu.

 Habubank: Sáp nhập để tồn tại! ảnh 1

Sáp nhập để tồn tại

Vấn đề được nhiều cổ đông Habubank quan tâm là việc sáp nhập có quá vội vàng? Vì sao phải sáp nhập trong khi các năm trước, Habubank vẫn có lãi? Và các cơ quan quản lý hết năm này đến năm khác đều khen và đánh giá cao Habubank? Mặt khác, trong quá khứ, có không ít ngân hàng rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nhưng dưới sự hỗ trợ của NHNN, họ đã vượt qua và trở lại hoạt động bình thường như Ngân hàng Hàng Hải, Ngân hàng VPBank.

Một cổ đông khác Habubank chất vấn: “Trước kia, trong phương án kinh doanh không sáp nhập, Ngân hàng dự kiến chia cổ tức 5%, giờ bảo sáp nhập để mạnh hơn, nhưng lại kế hoạch 3 năm tới không chia cổ tức. Gửi tiền ngân hàng còn được nhận lãi, chúng tôi đầu tư vào ngân hàng mà 3 năm không có cổ tức là tại sao”.

Một vài nhóm cổ đông không đồng ý với phương án sáp nhập với SHB do cho rằng, Habubank phải lựa chọn sáp nhập với ngân hàng mạnh hơn hẳn. “Habubank đã có báo cáo đánh giá rà soát đặc biệt. Nhưng nếu muốn sáp nhập, SHB cũng phải có báo cáo đánh giá đặc biệt của thanh tra NHNN trung ương”, một cổ đông nhận xét.

Về những vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Bảng, Chủ tịch HĐQT Habubank cho biết: “Từ cuối năm ngoái, sau khi được NHNN cảnh báo với vấn đề Vinashin, Ngân hàng ở tình thế buộc phải nhanh chóng tái cấu trúc. Ngân hàng đã có phương án tăng vốn, đã được NHNN chấp thuận, nhưng tham khảo với các cổ đông, chúng tôi biết là không thể huy động vốn được. Ngân hàng buộc phải tìm đến phương án hợp nhất hoặc sáp nhập”.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc NHNN Hà Nội cho biết: “Nếu đề án sáp nhập với SHB không thành công, chúng tôi có thể sẽ phải đưa Habubank vào diện kiểm soát đặc biệt”.

Trong những ý kiến đồng tình với quyết định sáp nhập, một cổ đông tổ chức chốt lại vấn đề: “Nếu nhìn theo đánh giá đặc biệt, vốn chủ sở hữu của HBB chỉ còn 195 tỷ đồng, nếu không chốt việc sáp nhập trong ngày hôm nay (tức 28/4), không hiểu sắp tới, Ngân hàng sẽ hoạt động như thế nào?”.

Có lẽ, đây là lý do khiến đề án sáp nhập của Habubank vào SHB, sau hơn 4 giờ tranh luận gay gắt, cũng đã được thông qua với tỷ lệ 85,21% cổ phần nhất trí.

 Habubank: Sáp nhập để tồn tại! ảnh 2

Một cổ đông của HBB nói: "Muốn sáp nhập, SHB cũng phải có báo cáo đánh giá đặc biệt của Thanh tra NHNN"

Tại sao lại là SHB và 0,75?

Sau khi đã chốt chủ trương sáp nhập, một vấn đề khác cũng nóng không kém là tại sao tỷ lệ chuyển đổi là 1 HBB = 0,75 SHB và tại sao đối tác lại là SHB?

Có cổ đông cho rằng, Habubank nên lựa chọn một ngân hàng khác lớn hơn. “Tỷ lệ an toàn vốn của Habubank là hơn 16%, còn SHB chỉ có hơn 10%. Ngoài ra Habubank có hạn mức liên ngân hàng lớn tại các ngân hàng lớn trong nước và các ngân hàng nước ngoài, còn SHB thì hầu như không có, nên chẳng có lý do gì để chọn SHB cả”, một cổ đông nhận xét. Thêm vào đó, đề án chưa nêu rõ cách khắc phục tình trạng nợ xấu của ngân hàng sau sáp nhập, nên làm sao để cổ đông tin tưởng được?

Về tỷ lệ chuyển đổi, nhiều cổ đông cho rằng, phải định giá lại tài sản của Habubank, chứ không thể căn cứ trên giá trị sổ sách và tính toán lại nợ xấu được. “Nhiều tài sản có thể có giá thị trường lớn hơn giá trị sổ sách, chưa kể nợ xấu không hẳn đã mất hết. Vì thế, đưa ra tỷ lệ chuyển đổi 1 HBB nhận 0,75 SHB là quá vội vàng”, một số cổ đông đánh giá.

Trả lời các thắc mắc của cổ đông liên quan đến lựa chọn đối tác và tỷ lệ chuyển đổi, ông Bảng cho hay: “Từ cuối năm ngoái, sau khi được NHNN cảnh báo do tình hình Vinashin, chúng ta ở tình thế buộc phải nhanh chóng tái cấu trúc. Chúng tôi cũng chủ động tìm kiếm đối tác phù hợp nhưng tới nay SHB là phù hợp hơn cả”.

Theo ông Bảng, SHB là một lựa chọn hợp lý của Habubank và việc sáp nhập mang lại lợi ích cho cả hai bên, chứ không phải riêng một bên nào.

“Ngân hàng của chúng ta khó khăn, SHB không phải là tốt hết, nhưng SHB có lợi thế hơn chúng ta, có mặt mạnh hơn như là ngân hàng tăng trưởng tín dụng nhóm 1, có lợi nhuận năm trước cao. Không có ngân hàng nào hoàn hảo, nhưng trên thị trường, họ là nhóm 1, có nền tảng, được mở chi nhánh tại Đông Dương. SHB có mục tiêu rõ ràng, chúng ta đi cùng họ sẽ vượt qua khó khăn”, ông Bảng đánh giá.