Các sản phẩm của Habeco hấp dẫn người tiêu dùng bởi yếu tố chất lượng

Các sản phẩm của Habeco hấp dẫn người tiêu dùng bởi yếu tố chất lượng

Habeco đẩy mạnh đầu tư chiếm lĩnh thị phần

(ĐTCK) Tổng công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đang chuẩn bị sẵn sàng cho mùa hè 2017 - mùa tiêu thụ sản phẩm lớn nhất trong năm.

Lợi nhuận quý I tăng trưởng mạnh

Theo báo cáo hợp nhất quý I/2017, 3 tháng đầu năm nay, Habeco đạt 1.274,8 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2016 (1.268,5 tỷ đồng). Doanh thu hợp nhất tăng nhẹ, nhưng tính riêng công ty mẹ, Habeco ghi nhận kết quả tăng trưởng khá ấn tượng, với doanh thu thuần tăng 22,6%, đạt 1.234 tỷ đồng.

Cùng với con số tăng trưởng doanh thu, Habeco ghi nhận mức tăng lợi nhuận lớn, với lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tại báo cáo hợp nhất quý I/2017 tăng hơn 51% so với quý I/2016, đạt 122,8 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh này có đóng góp không nhỏ từ thu nhập thanh lý vỏ chai, vỏ keg (két bia) là 30,8 tỷ đồng, nhưng vẫn cho thấy sự tăng trưởng mạnh từ hoạt động chính của Habeco nhờ Tổng công ty đẩy mạnh các hoạt động marketing.

Cụ thể, trong quý I/2017, Habeco chi tổng cộng 81,5 tỷ đồng chi phí quảng cáo, khuyến mãi, hỗ trợ bán hàng, tăng hơn gấp đôi so với mức chi quý I/2016 là gần 36 tỷ đồng. Thêm vào đó, tỷ lệ giá vốn hàng bán trên doanh thu trên báo cáo tài chính hợp nhất giảm mạnh từ mức 76,7% trong quý I năm ngoái xuống mức 71,2% trong quý I năm nay, giúp Habeco tiết kiệm được hơn 65 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất.

Thay đổi chiến lược thị trường?

Giảm mạnh tỷ lệ giá vốn hàng bán trên doanh thu, đi kèm với chi phí quảng cáo truyền thông tăng mạnh và thu nhập từ bán thanh lý vỏ chai, vỏ keg lớn…, những yếu tố này khiến thị trường cảm nhận về một sự thay đổi chiến lược sản phẩm, thị trường của Habeco. Với cuộc chiến cạnh tranh thị phần ngày một khốc liệt, Habeco dường như đang điều chỉnh chiến lược sản phẩm, hướng tới đẩy mạnh bán sản phẩm có tỷ lệ sinh lời cao hơn ra thị trường.

Phải chờ đến cuộc họp Đại hội đồng cổ đông lần tới, nhà đầu tư mới có thể nhận được thông tin chi tiết về chiến lược kinh doanh, cạnh tranh của Habeco. Nếu như Tổng công ty đang lựa chọn thay đổi chiến lược sản phẩm, thị trường thì có vẻ chiến lược này đã bắt đầu mang lại thành công khi duy trì được doanh số, tăng hiệu quả kinh doanh, bất chấp việc đẩy mạnh hoạt động marketing dẫn đến chi phí tăng cao.

Sở hữu bộ thương hiệu mạnh với 17 công ty con, 5 công ty liên kết ở khắp miền Bắc, Habeco từ lâu vẫn giữ được sức hấp dẫn trên thị trường nhờ chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, cuộc đổ bộ của các thương hiệu ngoại như Carlsberg, Tiger, Heineken, Sapporo… đã thổi luồng gió nóng vào sự thay đổi của Habeco trong sức ép duy trì vị thế.

Với lợi thế dồi dào về nguồn lực tài chính, trong đó chỉ tính riêng công ty mẹ, Habeco đã có tới xấp xỉ 2.500 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, với hơn 1.525 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn, dư địa để Tổng công ty đầu tư và thay đổi hoạt động là rất lớn.

Năm 2017, Habeco dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông kế hoạch 8.743 tỷ đồng doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính, 808,625 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, chia cổ tức tỷ lệ 15% vốn điều lệ. Con số này lớn hơn nhiều so với kết quả đạt được trong quý I cho thấy kỳ vọng về doanh thu, lợi nhuận của Habeco trong những quý tới, đặc biệt trong mùa hè.

Nếu tiếp tục giảm được tỷ lệ giá vốn hàng bán trên doanh thu trong các quý tiếp theo, Habeco có thể sẽ ghi nhận được con số lợi nhuận lớn hơn kế hoạch mà Hội đồng quản trị dự kiến sẽ trình cổ đông.

Tin bài liên quan