Hạ tầng dẫn lối dòng vốn vào Ninh Thuận

0:00 / 0:00
0:00
Hạ tầng hoàn thiện là động lực quan trọng giúp Ninh Thuận thu hút đầu tư, trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch quốc gia và trung tâm năng lượng tái tạo của Việt Nam…
Ninh Thuận đang trở thành điểm đến của các dự án năng lượng tái tạo. Trong ảnh: Tổ hợp năng lượng tái tạo của Trung Nam Group

Ninh Thuận đang trở thành điểm đến của các dự án năng lượng tái tạo. Trong ảnh: Tổ hợp năng lượng tái tạo của Trung Nam Group

Biến bất lợi thành lợi thế

PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, Ninh Thuận chọn cách phát triển “đảo logic”. Đó là biến những điểm bất lợi phát triển truyền thống thành lợi thế phát triển hiện đại.

“Nắng to, gió lớn, đất khô cằn - những thứ đã khiến Ninh Thuận trong suốt nhiều thế kỷ là một vùng đất nghèo khó, đến mức tưởng như là cạn kiệt sinh lực phát triển, thì nay trở thành nguồn lực phát triển hiện đại mạnh mẽ hiếm thấy, là năng lượng tái tạo với điện gió, điện mặt trời; du lịch. Biến toàn bộ khung cảnh hoang sơ và khốc liệt của cát, đá, nắng cháy và biển xanh trở thành tài nguyên du lịch hạng nhất. Thành tựu mà Ninh Thuận đạt được trong những năm qua là phi thường”, PGS-TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Theo Văn phòng Phát triển kinh tế Ninh Thuận (EDO), tỉnh Ninh Thuận áp dụng chính sách thu hút đầu tư theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất, thủ tục hành chính thuận tiện và đơn giản nhất cho các nhà đầu tư có dự án trên địa bàn tỉnh. Đó là mức ưu đãi cao nhất trong khung quy định của Nhà nước đối với thuê đất, cấp đất, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế xuất nhập khẩu theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế xuất nhập khẩu.

Ninh Thuận có vị trí địa lý nằm ở giao điểm các trục giao thông chiến lược là Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam đi qua dài 67 km với 5 nhà ga, Quốc lộ 27 lên Nam Tây Nguyên và Quốc lộ 27B chạy qua huyện Bác Ái đến Cam Ranh (Khánh Hòa). TP. Phan Rang - Tháp Chàm, thành phố tỉnh lỵ của Ninh Thuận cách sân bay quốc tế Cam Ranh 60 km, cách TP.HCM 350 km. Ninh Thuận là cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm giữa Đông Nam bộ với các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ.

Đánh giá về lợi thế phát triển của Ninh Thuận, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định: “Hiện nay, hệ thống giao thông kết nối giữa Ninh Thuận với Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đã cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, những ưu đãi về giá đất, thuế các loại… đang tạo ra lợi thế để Ninh Thuận thu hút đầu tư. Với cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do mang lại, các nhà đầu tư đang tìm kiếm những địa bàn có lợi thế sản xuất hàng xuất khẩu, nên Ninh Thuận cần xem đây là cơ hội vàng”.

Nhìn lại quá trình phát triển hạ tầng của địa phương, ông Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận chia sẻ, năm 1992, khi tỉnh Ninh Thuận mới tái lập, hệ thống giao thông của tỉnh chỉ gói gọn chưa đến 500 km, tập trung chủ yếu ở Phan Rang - Tháp Chàm với những tuyến đường cũ, mặt cắt ngang nhỏ hẹp, xuống cấp, không được đầu tư đồng bộ các công trình kỹ thuật…

“Để phát triển hạ tầng giao thông, Ninh Thuận đã mạnh dạn triển khai các cơ chế, chính sách mới để huy động nguồn lực cho doanh nghiệp, đầu tư phát triển hạ tầng bằng hình thức xây dựng - chuyển giao. Đến nay, có thể khẳng định, hệ thống mạng lưới giao thông của tỉnh gần như phát triển toàn diện, với tổng chiều dài trên 1.526 km. Trong đó, các tuyến quốc lộ đi qua tỉnh là 174 km, 14 tuyến tỉnh lộ với chiều dài 324 km, các tuyến đường huyện 212 km, mật độ giao thông toàn tỉnh tăng nhanh...”, ông Thanh thông tin.

Dự án hạ tầng tạo động lực phát triển

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận cho hay, một trong những định hướng phát triển của Ninh Thuận đến năm 2030 là tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu về kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, liên thông đa mục tiêu, có tính kết nối cao, phát huy tiềm năng, lợi thế; ưu tiên hạ tầng giao thông, cảng biển, thủy lợi, đô thị, khu cụm công nghiệp, truyền tải điện.

Bên cạnh đó, theo TS. Trần Du Lịch, Ninh Thuận vẫn cần ưu tiên xây dựng hạ tầng giao thông. “Xuất phát từ thực tiễn, trong 10 năm tới, Ninh Thuận cần tập trung vào những giải pháp mang tính chất đột phá như tạo sự chuyển biến mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước; ưu tiên xây dựng giao thông hành lang ven biển và hệ thống giao thông kết nối tam giác kinh tế Nha Trang - Đà Lạt - Phan Rang - Tháp Chàm, nhằm tạo hạ tầng cho ngành du lịch”, TS. Trần Du Lịch đề xuất.

Thực tế, hơn 20 năm qua, tỉnh Ninh Thuận đã luôn tận dụng và nắm bắt cơ hội để đầu tư, kêu gọi đầu tư thực hiện những dự án lớn về hạ tầng, mang tính đột phá phát triển.

Một trong những dự án được đánh giá đã giúp Ninh Thuận “chuyển mình” là Dự án Đường ven biển từ Bình Tiên đến Cà Ná với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, khởi công tháng 10/2009 và hoàn thành năm 2014. Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận đánh giá, việc hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến đường ven biển dài 105,8 km này đã góp phần hoàn thành một bước cơ bản về hạ tầng giao thông, phá thế chia cắt giữa các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, đồng thời tạo điều kiện để sắp xếp lại dân cư vùng ven biển.

Đặc biệt, tuyến đường ven biển góp phần khai thác tốt hơn các tiềm năng, lợi thế của biển và ven biển Ninh Thuận, nhất là tiềm năng về năng lượng tái tạo và du lịch.

“Nếu trước đây kêu gọi đầu tư du lịch biển, Ninh Thuận phải ‘trải thảm’ chào đón nhà đầu tư; thì từ khi tuyến đường ven biển được khởi công, tỉnh có quyền lựa chọn nhà đầu tư”, PGS-TS. Phan Quốc Anh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận phân tích.

Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Trương Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Núi Chúa cũng đánh giá, việc đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển là một chủ trương đúng đắn của Ninh Thuận. Tuyến đường có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là du lịch biển, sinh thái, giúp kết nối với các tour du lịch trọng điểm tại tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa…, đưa Ninh Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư và du khách.

Một trong những động lực chính giúp Ninh Thuận tăng nhanh thực lực phát triển trong thời gian qua đã được PGS-TS. Trần Đình Thiên chỉ ra, là lấy việc thu hút “đại bàng” về làm “trụ cột” xây dựng nền kinh tế hiện đại của tỉnh.

“Việc thu hút Trung Nam Group là yếu tố quyết định trong việc xoay chuyển căn bản cơ cấu kinh tế Ninh Thuận theo hướng hiện đại trong thời gian khá ngắn, là lực lượng trụ cột định hình và định hướng chân dung kinh tế tương lai của tỉnh”, PGS-TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Sở dĩ PGS-TS. Trần Đình Thiên đề cao vai trò của Trung Nam Group đối với sự phát triển của Ninh Thuận là dựa trên tác động lan tỏa từ công trình Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và tuyến dây 500 kV, 220 kV do Trung Nam đầu tư, bàn giao cho Nhà nước với giá 0 đồng vào năm 2020. Công trình này đã góp phần tạo cú hích đưa Ninh Thuận thực sự trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Không chỉ là nhà đầu tư tư nhân đầu tiên của cả nước xây dựng công trình truyền tải điện 500 kV, Trung Nam Group còn đầu tư và hoàn thành Dự án Nhà máy Điện mặt trời công suất 450 MW tại xã Phước Minh (Thuận Nam) chỉ trong 6 tháng.

Ông Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận đánh giá: “Dự án của Trung Nam Group đi vào hoạt động đã góp phần tháo gỡ điểm nghẽn, giải tỏa công suất (tổng công suất 1.800 MW - PV) cho các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”.

Còn theo chủ đầu tư, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group, trạm biến áp và tuyến dây 500 kV đã chứng minh hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực; giúp giải tỏa toàn bộ công suất các nhà máy điện gió, điện mặt trời ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận. Các nhà máy điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tránh được tình trạng phải giảm phát gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng mỗi năm; góp phần tăng thu ngân sách và cải thiện môi trường thu hút đầu tư cho Ninh Thuận.

Ngoài các dự án trên, hiện nay, dự án giao thông đang triển khai có tầm quan trọng đối với sự phát triển của Ninh Thuận là Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Các chuyên gia đánh giá, dự án này hoàn thành sẽ giúp Ninh Thuận kết nối tốt hơn với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và miền Trung.

Tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có chiều dài khoảng 78,5 km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận (đoạn qua địa bàn Ninh Thuận dài khoảng 63 km) với tổng vốn đầu tư 8.925 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà đầu tư là 3.786 tỷ đồng. Dự án đã khởi công từ ngày 30/11/2021; dự kiến tháng 3/2024 sẽ được đưa vào khai thác.

Tỉnh Ninh Thuận cũng đang kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nút giao liên thông Thuận Nam trong giai đoạn I của Dự án Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo để kết nối đồng bộ với Quốc lộ 1A và cảng biển tổng hợp Cà Ná.

Ngoài ra, tỉnh đang triển khai thủ tục để đầu tư tuyến đường kết nối từ cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1A và cảng biển Cà Ná (22,6 km). “Tuyến đường sẽ tạo kết nối thông suốt, góp phần khai thác có hiệu quả cảng tổng hợp và Khu công nghiệp Cà Ná, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận” ông Lê Kim Hoàng chia sẻ.

Dự án lớn đã triển khai tại Ninh Thuận

Tổ hợp Năng lượng tái tạo kết hợp sản xuất muối công nghiệp do Tập đoàn BIM Group làm chủ đầu tư trên diện tích 2.500 ha, vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, đã đưa vào sử dụng gồm 3 dự án: cánh đồng muối sạch tại Quán Thẻ; Nhà máy Điện mặt trời BIM 1, 2 , 3; Nhà máy Điện gió BIM.

Dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná (giai đoạn I) do Trung Nam Group làm chủ đầu tư, tổng vốn 6.500 tỷ đồng, diện tích quy hoạch 85 ha, công suất thiết kế lượng hàng qua cảng đạt khoảng 3,7 triệu tấn/năm, dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2023.

Dự án đã được phê duyệt

Dự án Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná giai đoạn I, công suất 1.500 MW, vốn đầu tư hơn 49.000 tỷ đồng.

Dự án Khu công nghiệp Cà Ná, diện tích 827 ha, gồm 2 phân kỳ đầu tư xây dựng hạ tầng, dự kiến kinh phí khoảng 7.420 tỷ đồng.

Tin bài liên quan