Trong buổi làm việc mới đây với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã báo cáo, trong 3 đột phá mà Đà Nẵng thực hiện trong nhiệm kỳ mới, đột phá về hạ tầng được xếp thứ 2, sau đột phá về dịch vụ, du lịch… Trong đó, việc đầu tư hạ tầng có trọng điểm và Thành phố sẽ chủ trương vận động đầu tư để khai thác tiềm năng về đầu tư hạ tầng.
Từ hầm chui…
Trong một số cuộc họp về việc xây dựng dự án hầm chui qua sông Hàn, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã đề cập về tương lai phát triển của quận Sơn Trà và quận Hải Châu khi hầm chui được hoàn thành, với việc khai thác những dự án đầu tư bất động sản hiện hữu và tiềm năng.
Bức tranh đó được thể hiện rõ nét hơn trong phác thảo quy hoạch sơ bộ của Sở Xây dựng Đà Nẵng. Những phác thảo cho thấy, dự án hầm đường bộ qua sông Hàn sẽ là điểm nối, giúp tăng giá trị khai thác đất khu vực từ vịnh Đà Nẵng đến khu trung tâm bán đảo Sơn Trà.
Theo tính toán của các nhà quy hoạch, cũng như tư vấn thiết kế, hầm chui qua sông Hàn được xây dựng sẽ liên kết vùng Tây Bắc Thành phố (quận Liên Chiểu) qua trục đô thị mới giữa Hòa Minh - Hòa Khánh, xuống vùng Thanh Bình - Thuận Phước, qua cầu Thuận Phước vượt sông Hàn, nối với các phường trung tâm quận Sơn Trà, gồm Nại Hiên Đông, Mân Thái, Thọ Quang, đến tận đường Võ Nguyên Giáp và Hoàng Sa.
Những lãnh đạo Đà Nẵng tiền nhiệm trước đây, đặc biệt là thời ông Nguyễn Bá Thanh khi còn là Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cũng đã đưa ra kế hoạch khai thác vùng này như một cách phát triển vịnh Đà Nẵng, nhờ tuyến đường Nguyễn Tất Thành ven vịnh và tuyến Hoàng Sa - Trường Sa ven bờ Đông bán đảo.
Ý tưởng đó được cụ thể hóa bằng cầu Thuận Phước gắn kết các quận trung tâm Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu với quận Sơn Trà, mở ra một cơ hội lớn cho bất động sản từ vịnh Đà Nẵng (dưới chân đèo Hải Vân) đến vũng Thọ Quang tại bán đảo Sơn Trà.
Theo các nhà hoạch định, nếu có thể tạo điều kiện kết nối tốt hơn giữa 2 vùng đất, bằng một dự án giao thông vừa phục vụ nhu cầu dân sinh, vừa giúp giảm gánh nặng vận tải hàng hóa từ bên ngoài vào trục xuyên tâm Đà Nẵng để đi sang cảng Tiên Sa, ngược lên Quốc lộ 14B, thì cả khu vực từ vịnh Đà Nẵng sang vũng Thọ Quang, tiếp nối với bờ Đông Sơn Trà, sẽ có thể được khai thác tối đa về vị trí địa lý và hiệu quả kinh tế.
Và Dự án hầm đường bộ qua sông Hàn chính là điểm liên kết cần thiết đó. Hai đầu đường hầm, là các khu đô thị mới, các dự án đầu tư Khu đô thị Mặt Trăng Xanh, Khu du lịch Xuân Thiều... Ông Huỳnh Đức Thơ khẳng định, chính quyền sẽ quan tâm và dốc sức cho dự án hầm chui qua sông Hàn được triển khai hiệu quả.
Theo nhận định của giới chuyên gia địa ốc, một dự án giao thông có ý nghĩa như vậy nhất định sẽ tạo ra giai đoạn bùng nổ mới cho bất động sản Đà Nẵng trong nay mai. Không chỉ giúp bất động sản phát triển, dự án này còn tạo cơ hội cho hệ thống kho ngoại quan, dịch vụ, đầu tư hỗ trợ cảng biển Tiên Sa, cảng nội thị Sông Hàn.
… Đến mở rộng sân bay, di dời ga đường sắt
Không chỉ các dự án cầu, hầm nối 2 bờ sông Hàn, tại Đà Nẵng, nhiều dự án hạ tầng khác đang được gấp rút triển khai cũng sẽ mở đường cho bất động sản phát triển, như Dự án mở rộng, nâng cấp Sân bay quốc tế Đà Nẵng, hay dự án di dời ga đường sắt…
Trước mắt, dự án mở rộng, nâng cấp Sân bay Đà Nẵng mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn (phục vụ cho APEC 2017), nhưng trong tương lai, khi công suất được nâng lên, sẽ thu hút nhiều hãng hàng không mở các đường bay quốc tế đến Đà Nẵng, cũng như tăng cường thêm các loại máy bay cỡ lớn…, giúp du lịch Đà Nẵng phát triển và là cơ hội cho bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.
Bên cạnh dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, hiện nay, Đà Nẵng cũng đang tích cực làm việc với các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước để thực hiện việc di dời ga đường sắt ra khỏi nội đô. Tại vị trí nhà ga hiện hữu, theo lãnh đạo Thành phố, quỹ đất này sau khi khảo sát, tính toán sẽ để phục vụ công ích, nhưng theo nhiều nguồn tin, một số tập đoàn lớn đã thể hiện rõ tham vọng khai thác đầu tư quỹ đất vàng này.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com