Để khuyến khích người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chủ trì phối hợp với 17 huyện ngoại thành và thị xã Sơn Tây tổ chức rà soát, kiểm tra hiện trạng điểm đón trả khách trên các tuyến, thống nhất lựa chọn được 307 vị trí có thể đầu tư lắp đặt được nhà chờ xe buýt.
Theo Sở Giao thông Vận tải, các nhà chờ xe buýt này phải tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành và phù hợp với kiến trúc cảnh quan tại khu vực lắp đặt; chủng loại vật liệu sử dụng và công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Hình thức kiến trúc nhà chờ sẽ tham khảo các mẫu điển hình và các mẫu nhà chờ của một số nước tiên tiến trên thế giới hiện nay.
Trên cơ sở đó, lựa chọn loại hình nhà chờ có thiết kế phù hợp với cảnh quan, khí hậu của Thủ đô cũng như đáp ứng yêu cầu vận hành, phục vụ của nhà chờ. Các nhà chờ có khả năng mở rộng, tích hợp ứng dụng như sử dụng công nghệ thông minh (wifi, bảng điện tử, màn hình cảm ứng, pin năng lượng mặt trời tại những vị trí có đủ điều kiện...).
Việc sớm lắp đặt nhà chờ trên các tuyến buýt kết nối khu vực trung tâm với ngoại thành sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của người dân, thu hút người dân tham gia, sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Với tỷ lệ chiều dài tuyến chiếm 57% toàn mạng, hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt khu vực ngoại thành Hà Nội giữ vai trò quan trọng trong mạng lưới xe buýt của thành phố phục vụ vận chuyển hành khách đi lại giữa các địa phương, kết nối khu vực nội thành với ngoại thành.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thì hiện tại tỷ lệ số điểm dừng đón trả khách có nhà chờ mới chỉ đạt khoảng 1% tổng số điểm dừng chờ.
Thành phố có 71 tuyến buýt (bao gồm các tuyến nhánh) đi qua khu vực 17 huyện ngoại thành và thị xã Sơn Tây với 2.127 điểm dừng xe buýt (bao gồm cả các điểm đầu, cuối) để đón trả khách. Cự ly bình quân giữa các điểm dừng ở khu vực ngoại thành khoảng 900m/điểm. Nhưng hiện mới có 23 điểm dừng có nhà chờ xe buýt (chiếm dưới 1% tổng số điểm dừng hiện có).
Qua khảo sát, hiện các vị trí dừng đón trả khách của xe buýt tập trung khá đông hành khách chờ xe. Thời gian chờ đợi xe buýt của hành khách tại các điểm dừng khu vực ngoại thành lâu hơn so với khu vực nội đô do mật độ xe buýt và tần suất hoạt động thấp. Việc bố trí nhà chờ che nắng, che mưa và có ghế ngồi cho hành khách là cần thiết.
Người dân ngoại thành thường phải di chuyển cự ly dài để đến các điểm dừng do xe buýt chỉ hoạt động trên các đường trục chính. Việc chờ xe buýt không thuận lợi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút hành khách sử dụng xe buýt. Số lượng điểm dừng xe buýt ở ngoại thành lắp đặt trên lề đường chiếm tỷ lệ lớn, không thuận tiện, không đảm bảo vệ sinh và an ninh trật tự.