GS - TS Hoàng Văn Cường: Thay đổi phương thức quản lý gói hỗ trợ toàn dân

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội vừa ký ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Theo GS - TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đây gần như là gói hỗ trợ toàn dân, nên phải thay đổi căn bản các phương thức quản lý, quản trị, kiểm soát chính sách để gói hỗ trợ đến được với mọi người.

Việt Nam đã nhiều lần thực hiện các gói hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, người dân và doanh nghiệp, nhưng gói hỗ trợ vừa được ban hành theo Nghị quyết 43/2022/QH15 là lớn chưa từng có. Ông bình luận gì về gói hỗ trợ này?

GS - TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

GS - TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Ngay từ năm 2020 và cả năm 2021, hầu hết các nước trên thế giới đã sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp về tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, với quy mô nguồn lực khác nhau, phù hợp với môi trường thể chế và khả năng huy động nguồn lực.

Quy mô gói hỗ trợ ở các nước phát triển năm 2020 và 2021 lần lượt khoảng 10,9% GDP và 8,6% GDP; các nước mới nổi là 4,3% GDP và 3,4% GDP; các nước thu nhập thấp là 3,2% GDP và 0,7% GDP.

Với những nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, EU, Anh, Nhật Bản... Chính phủ còn có gói hỗ trợ toàn dân, dùng ngân sách nhà nước phát cho toàn dân. Mọi người đều được hưởng vì đại dịch xảy ra không ai không bị tác động tiêu cực.

Năm 2021, tổng quy mô các chính sách chi hỗ trợ trong và ngoài tài khóa, tiền tệ của Việt Nam là 269.464 tỷ đồng, tương đương 3,2% GDP, cao hơn rất nhiều so với các nước tương đương về trình độ kinh tế (0,7% GDP). Tuy nhiên, khác với nhiều nước, gói hỗ trợ của Việt Nam trong năm 2020 và cả năm 2021 chủ yếu cho sản xuất, doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh, còn gói hỗ trợ vừa được ban hành theo Nghị quyết 43/2022/QH15 gần như là gói hỗ trợ toàn dân. Hầu hết người dân, phần lớn doanh nghiệp đều được hưởng, như gói giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%. Bất cứ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nào mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ đều được giảm thuế nên độ lan tỏa rất lớn.

Gói hỗ trợ lớn thường mang theo kỳ vọng rất lớn nên câu chuyện làm sao thực hiện cho thực chất, hiệu quả, thưa ông?

Cần phải đưa chính sách sớm đi vào cuộc sống, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn của đại dịch, chính sách đưa ra để phục hồi càng sớm càng hiệu quả. Bởi nếu không, qua một thời gian, kinh tế tiếp tục suy giảm, doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, thì có muốn hỗ trợ cũng không được.

Cũng như người bệnh, khi còn cơ hội thì phải chạy chữa ngay, chữa đúng thầy, đúng thuốc, thì mới khỏi và phục hồi sức khỏe trở lại. Nếu chậm trễ, bệnh tình quá ra, thì có muốn cứu cũng không được hoặc phải mất rất nhiều tiền của, công sức và rất nhiều thời gian, người bệnh mới phục hồi.

Gói hỗ trợ ban hành theo Nghị quyết 43/2022/QH15 có nhiều cấu phần, cấu phần nào cũng phải triển khai càng sớm càng tốt. Như việc gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%... có thể áp dụng ngay. Nhưng cũng có những cấu phần của phải thực hiện các quy trình, thủ tục, hồ sơ, giấy tờ, vì đây là những quy định chung nhất trong quản lý, quản trị tài chính, tiền tệ, ngân sách nhà nước. Do vậy, thủ tục cần được thiết kế thật đơn giản, rõ ràng và phù hợp với điều kiện thực tiễn của đối tượng được thụ hưởng. Tránh tình trạng chính sách hay, nhưng lại đưa ra thủ tục để quản lý quá chặt, nhiều quy định quy trình không sai, nhưng lại không đến được với người thụ hưởng.

Nhưng vẫn cần phải có các điều kiện để quản lý thật chặt, bởi gói hỗ trợ này là tiền thuế của dân, phải đi vay và cuối cùng người dân vẫn phải trả nợ, thưa ông?

Phải quản lý chặt, nhưng không được đưa ra những ràng buộc phi thực tế, như gói hỗ trợ cho chủ doanh nghiệp gặp khó khăn vay tiền với lãi suất 0% để trả lương cho lao động được triển khai trong năm 2020.

Việc quản lý là cần thiết, nhưng các điều kiện đặt ra cần thực tiễn. Muốn chính sách đi vào cuộc sống, khi xây dựng, cần phải tham vấn các đối tượng thụ hưởng xem nên kiểm soát như thế nào mới hợp lý, thay vì để chính cán bộ quản lý đặt ra. Ở đây, rất cần có tiếng nói, ý kiến phản hồi từ chính đối tượng hưởng thụ để đưa ra điều kiện ràng buộc trong kiểm soát thực thi chính sách.

Ông quan tâm điều gì nữa?

Đó là, khi đã đưa ra được các điều kiện, thủ tục, chỉ tiêu để kiểm soát rồi thì phải tiến hành rà soát, làm sao hỗ trợ đúng và trúng đối tượng. Đây là điều vô cùng quan trọng. Trúng thì đã trúng rồi: ai gặp khó khăn do dịch bệnh đều được hỗ trợ. Nhưng đúng thì sao? Làm sao để đúng đối tượng.

Tôi nhấn mạnh rằng, cách thiết kế chính sách theo Nghị quyết 43/2022/QH15 rất hay, vì không đưa ra quy định ai là người được hỗ trợ, mà chỉ ra đối tượng nào không được hỗ trợ theo hình thức “chọn bỏ” thay vì “chọn cho” như các chính sách trước đây. Số chọn bỏ (không được hỗ trợ) rất ít, chỉ có nhóm doanh nghiệp đang có lợi thế trong đại dịch như lĩnh vực kinh doanh tài chính - ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, viễn thông… Số còn lại đương nhiên được hưởng hỗ trợ, không cần xin - cho gì cả. Với cách thiết kế này, việc kiểm soát sẽ không quá khó khăn.

Tuy nhiên, trong chính sách có những gói không cẩn trọng thì sẽ có tình trạng cùng thuộc đối tượng, nhưng có người tiếp cận được dễ dàng và được hỗ trợ nhiều, nhưng có người không tiếp cận được hoặc được hỗ trợ không đáng kể.

Ông có thể đưa ví dụ cụ thể?

Đơn cử gói hỗ trợ 2% lãi suất vay vốn ngân hàng.

Rõ ràng, đây là gói tác động rất rộng, rất mạnh đến doanh nghiệp vì Chính phủ chỉ bỏ ra 40.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất, nhưng lại tác động đến 2 triệu tỷ đồng tiền vốn vay ngân hàng. Doanh nghiệp nào sẽ được hưởng lãi suất thấp của 2 triệu tỷ đồng đó?

Nếu không cẩn thận, có thể 2 triệu tỷ đồng đó chỉ dồn vào một nhóm doanh nghiệp lớn, lại chưa chắc là đối tượng thực sự khó khăn. Trong khi đó, nhiều hộ kinh doanh gia đình, doanh nghiệp nhỏ và vừa là những đối tượng cần phải được hỗ trợ nhất. Nếu không hỗ trợ kịp thời, sẽ có hàng loạt doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh sẽ phải đóng cửa, ngừng hoạt động, nhưng chưa chắc đã được nhận hỗ trợ.

Tôi nhấn mạnh một điều rằng, Nghị quyết 43/2022/QH15 chỉ là nghị quyết, chỉ là giấy phép, còn đi vào cuộc sống hay không lại phụ thuộc nhiều vào chương trình hành động để thực hiện.

Tôi rất trông đợi điều này từ Chính phủ: đó là giao trách nhiệm cho từng ngành, từng lĩnh vực triển khai cụ thể để sau này, khi kiểm tra đánh giá lại sẽ không chỉ dừng ở việc các cơ quan triển khai chính sách không có sai phạm, mà còn đánh giá được hiệu quả của chính sách, đánh giá giải ngân được bao nhiêu, vào được bao nhiêu doanh nghiệp, bao nhiêu đối tượng.

Tin bài liên quan