Các chiến lược gia Dominic Wilson và Vickie Chang đã viết trong một ghi chú về diễn biến tích cực gần đây của các thị trường châu Âu và sự đảo ngược của mức tăng mạnh đối của giá dầu đang “cho thấy sự nới lỏng đáng kể trong đánh giá của thị trường về tác động toàn cầu” của căng thẳng địa chính trị.
Tài sản giờ đây “dễ bị tổn thương hơn nếu tiến độ giải quyết chỉ là thoáng qua hoặc nếu nguồn cung cấp năng lượng bị gián đoạn nghiêm trọng hơn”, các chiến lược gia cho biết.
Chỉ số Stoxx Europe 600 của châu Âu đã hồi phục trở lại mức trước khi giảm mạnh kể từ khi căng thẳng địa chính trị leo thang vào ngày 24/2, trong khi chỉ số S&P 500 hiện đang giao dịch cao hơn mức đóng cửa trước cuộc xung đột.
Theo kịch bản giảm giá của Goldman Sachs, sự gián đoạn nghiêm trọng trong dòng khí đốt từ Nga có thể làm giảm 2,5% tổng sản phẩm quốc nội của châu Âu và làm giảm 0,25% sản lượng kinh tế của Mỹ trong năm nay.
Các chiến lược gia cho biết: “Trường hợp bất lợi của chúng tôi không còn được phản ánh đúng trong nhiều lĩnh vực của thị trường hiện tại và giờ đây việc xác định và phòng thủ trước các rủi ro tiềm ẩn trở nên dễ dàng hơn so với cách đây vài tuần. Nhà đầu tư có thể điều chỉnh danh mục theo sự biến động của các quyền chọn cũng như sử dụng các vị thế “long” dầu đang nổi bật”.
Đề cao sự tương phản giữa thị trường lạc quan và rủi ro từ cuộc xung đột, Mỹ đã cảnh báo rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đi xa tới mức đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nếu Ukraine tiếp tục phản kháng gay gắt với Nga, nhưng thị trường chứng khoán hầu như không phản ứng với thông tin này.
Chiến lược gia Emmanuel Cau của Barclays Plc cũng đồng tình với quan điểm của Goldman Sachs. “Có thể cần nhiều tiến bộ đáng kể hơn nữa để xu hướng chấp nhận rủi ro tiếp tục tồn tại. Ngay cả khi một thỏa thuận ngừng bắn sẽ sớm xảy ra, nhưng vẫn chưa rõ liệu các lệnh trừng phạt đối với Nga có được dỡ bỏ ngay lập tức hay không. Vì vậy, tác động tiêu cực đến tăng trưởng và lạm phát cao hơn sẽ vẫn hiện thực hóa”, ông cho biết.