Thị trường vừa trải qua một tuần đầy biến động, đặc biệt thông tin về các ca nhiễm mới Covid-19 đã tác động mạnh đến thị trường trong phiên 28/1 (chỉ số VN-Index giảm kỷ lục 73 điểm với gần 400 mã cổ phiếu giảm giá sàn). Dòng tiền kỳ vọng bắt đáy đã giúp thị trường hồi phục ở phiên cuối tuần, phần nào giải tỏa tâm lý nhà đầu tư. Đâu là góc nhìn của ông/bà về diễn biến giao dịch trong tuần tới?
Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán
Phiên giảm mạnh ngày 28/1 thực ra là kết quả cho sự báo hiệu từ phiên 19/1 khi nó có xu hướng tác động đến nhiều yếu tố như nợ margin, tâm lý nhà đầu tư.
Cú sụt giảm này rõ ràng đã khiến nhà đầu tư có dư nợ cao phải bán ra và đã tạo cơ hội cho những nhà đầu tư khác lao vào bắt đáy phiên 29/1. Tuy nhiên, trong một diễn biến kiểu như vậy, thì tuần giao dịch cận Tết, tôi cho rằng sẽ không ổn. Thông thường, khi nhà đầu tư đã xác định bắt đáy thì họ sẽ chỉ canh bán để kiếm lời.
Như vậy, áp lực với xu hướng tăng sẽ là rất lớn khi cả lượng cung của nhà đầu tư bắt đáy và lượng cung của những nhà đầu tư kẹt có mong muốn bán ra. Với việc TTCK toàn cầu đều đang chịu áp lực điều chỉnh mạnh, dịch Covid tại Việt Nam vẫn đang có diễn biến phức tạp, trong khi Tết cận kề thì khó kỳ vọng thị trường tăng lên. Tôi cho rằng, sẽ có áp lực bán nữa xuất hiện và mốc 1.000 điểm sẽ chịu thử thách.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS)
Tôi không cho rằng nguyên nhân chính của đợt giảm điểm lần này là do các thông tin về Covid-19, thông tin này chỉ đơn giản là “đổ thêm dầu vào lửa”. Nguyên chân chính đến từ việc thị trường đã trải qua chuỗi ngày tăng trưởng dài và nóng trước đó với sự tham gia nhiệt tình của dòng tiền nóng F0, rất nhiều cổ phiếu đã tăng giá gấp 2-3 lần so với vùng đáy do đó việc chốt lời mạnh cũng không nằm ngoài dự đoán của đa số các tổ chức tài chính.
Hoạt động bán tháo và giải chấp đã diễn ra, áp lực bán cũng đã vãn sẽ không còn quá mạnh trong vài phiên sắp tới, đây là cơ sở để xuất hiện các nhịp hồi phục xen kẽ, sự phân hóa cũng sẽ rõ ràng hơn chứ không còn đồng pha trần-sàn hàng loạt như các phiên gần đây. Tạm thời thị trường đã tìm được điểm cân bằng cần thiết với ngưỡng tâm lý 1.000 điểm.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường sẽ được quyết định nhiều trong diễn biến giao dịch tuần tới đây, nếu giữ được mốc hỗ trợ 1.000 điểm cơ hội phục hồi trở lại sẽ rộng mở. Còn ngược lại, nếu sau vài phiên phục hồi, chỉ số lại để mất mốc 1.000 điểm thêm lần nữa thì xu hướng giảm sẽ là chủ đạo trong ngắn hạn.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, CTCK VPS
Sau khi gặp siêu kháng cự mốc 1.200 điểm và điều chỉnh mạnh, VN-Index có thể đã tạo đáy sâu nhất tuần qua tại khu vực 1.000 - 1.040 điểm. Tôi nghiêng về kịch bản thị trường sẽ hồi phục đi kèm với việc tạo đáy mới cao hơn mức đáy cũ 30 - 40 điểm trong tuần tới. Dòng tiền bắt điều chỉnh mạnh đi kèm với việc tăng điểm mạnh của cp lớn là tín hiệu khá tin cậy.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)
Quan điểm kỹ thuật: Phiên hồi phục của thị trường chưa làm thay đổi các tín hiệu kỹ thuật trước đó của các chỉ số. Cụ thể, tín hiệu Tiêu cực ngắn hạn vẫn duy trì trong khi tín hiệu Trung hạn của VN-Index, VN30 vẫn giữ ở mức Trung tính còn của các chỉ số còn lại vẫn giữ trạng thái Tích cực.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh |
Dự báo trong phiên giao dịch tới, thị trường sẽ duy trì quán tính hồi phục để VN-Index kiểm định kháng cự ngắn hạn MA5 và trung hạn MA50 ngày đang nằm tại 1085 điểm. Sự giằng co giữa cung và cầu giá cao sẽ xuất hiện tại đây. Nếu cung chiếm ưu thế, VN-Index có thể sẽ đảo chiều giảm điểm trở lại để kiểm định lại hỗ trợ MA100 ngày tại 1010 điểm một lần nữa.
Ngược lại, nếu lực cầu chiếm ưu thế, đặc biệt tại nhóm cổ phiếu dẫn dắt giúp VN-Index đóng cửa trên mốc 1085 điểm, tín hiệu đáy sẽ hình thành theo dạng V-Sharp. Mặc dù mẫu hình này không thường xuyên xuất hiện, nhưng vẫn sẽ có khả năng xảy ra. Trong kịch bản này, VN-Index sẽ có cơ hội tăng lên lại vùng 1200 điểm sau đó.
Nhà đầu tư có thể có tâm lý nghỉ ngơi khi thời gian nghỉ tết đang đến gần. Thế nhưng, dòng tiền thì không có khái niệm nghỉ và luôn chực chờ cơ hội. Đặc biệt, so với vùng đỉnh 1.200 (phiên 13/2), nhiều cổ phiếu đã ghi nhận giảm 20 - 30%. Ở thời điểm hiện tại, nhóm cổ phiếu nào có nhiều cơ hội, theo phân tích của ông/bà?
Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán
Cá nhân tôi đang nhìn nhận thị trường chịu áp lực điều chỉnh tiếp theo do một số yếu tố tâm lý, nợ... Vì thế, khi đã rơi vào vòng xoáy này thì không thể nhắc đến nhóm cổ phiếu nào hấp dẫn nữa, đặc biệt trong xu thế ngắn hạn như thế này. Tuy nhiên, có lẽ để "cứu" chỉ số thì nhóm ngân hàng luôn là lực chọn tối ưu nhất.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS)
Tâm lý nghỉ Tết cũng sẽ khiến cho thị trường giao dịch bớt sôi động hơn, điều này vẫn thường diễn ra trong các năm trước đây tuy nhiên nó không phải yếu tố quyết định có thể ảnh hưởng đến xu thế chính. Sau đợt giảm điểm mạnh chắc chắn nhà đầu tư sẽ có cái nhìn thận trọng hơn cũng như việc cơ cấu danh mục được thực hiện kỹ hơn.
Các cổ phiếu theo chúng tôi có nhiều cơ hội phục hồi mạnh hơn sẽ nằm ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Bởi vì đây thường là nhóm danh mục được nhiều tổ chức lớn nắm giữ dài hạn, do đó mỗi khi giá cổ phiếu giảm mạnh họ sẽ tận dụng mua vào và cũng là nhóm giữ được sự hồi phục ổn định hơn.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, CTCK VPS
Có thể đây vẫn là thời điểm mua vào cổ phiếu và các cổ phiếu lớn, cổ phiếu bluechip thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, bất động sản, dầu khí là tâm điểm của dòng tiền trong giai đoạn hồi phục trước Tết.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)
Nhóm cổ phiếu là cơ hội bao gồm nhóm cổ phiếu dự báo EPS 2021 vẫn tiếp tục tăng, trong đó bao gồm một số cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng, bất động sản, dược phẩm... một số điểm lưu ý là không phải tất cả các cổ phiếu trong cùng ngành tăng đều như thời gian vừa qua mà có sự chọn lọc.
Thị trường giảm mạnh, margin lại được nhắc tới như một tác nhân phụ đẩy thị trường giảm sâu. Lo ngại tình trạng tài khoản call margin hay các CTCK đã phải kích hoạt một số lệnh force sell vẫn còn hiện hữu. Ở thời điểm hiện tại, có đáng lo ngại về tình trạng “căng cứng” margin tại nhiều CTCK không, theo các ông/bà?
Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán
Theo các tính toán của tôi, giá hầu hết cổ phiếu từ đỉnh chạm đến đáy phiên 28 và 29/1 mất khoảng 20%. Với việc sử dụng thêm đòn bẩy thì lượng tài khoản chịu áp lực bán là lớn, nhưng chưa hết được.
Ông Nguyễn Hữu Bình |
Với lượng cho vay lên đến hơn 90.000 tỷ đồng, thì chỉ với phiên 29/1 chưa thể giảm bớt đi bao nhiêu. Những nhà đầu tư bắt đáy vừa qua liệu có sử dụng margin hay không? Theo tôi là có.
Như vậy, vòng quay này sẽ còn lặp lại cho đến khi ổn định lại và điều này cần nhiều thời gian. Cần nhớ rằng, nợ margin là hơn 90.000 tỷ đồng, cao hơn gấp 2 lần so với lịch sử năm 2018.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS)
Trên thực tế, đã có thời điểm nhiều CTCK phải tạm dừng các hoạt động dịch vụ về cho vay, ứng trước, bảo lãnh, nhưng sau những phiên giảm mạnh vừa qua thì hoạt động giải chấp đã được xử lý phần lớn với trạng thái hiện tại nên tạm thời không còn là yếu tố quá đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu xu thế tiêu cực được nối lại, đó sẽ lại là vấn đề cần quan tâm khi theo quan sát của chúng tôi, dư nợ margin trên thị trường vẫn còn đang ở ngưỡng rất cao.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, CTCK VPS
Chúng ta nên nhớ rằng chính việc lựa chọn cổ phiếu riêng lẻ hay quản trị danh mục cổ phiếu như thế nào mới quan trọng hơn so với việc quan tâm đến tình trạng margin tại các công ty chứng khoán (sẽ luôn có hạn đối với dòng tiền lớn đang tham gia trên thị trường).
Ông Lê Đức Khánh |
Diễn biến hiện tại tuỳ thuộc nhiều vào tâm lý nhà đầu tư, yếu tố ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch COVID-19 mới bùng phát tại Việt Nam. Như vậy, yếu tố căng cứng margin không quan trọng bằng khả năng kiểm soát đại dịch trong giai đoạn sắp tới.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)
Về margin, thời gian vừa qua được nhắc đến nhiều lần như yếu tố thúc đẩy thị trường rớt nhanh hơn, tuy nhiên hiện nay, tình trạng margin ở các công ty chứng khoán bắt đầu từ từ giảm bớt áp lực vì 2 lý do: lượng bán force sell hai phiên vừa qua gần như hấp thụ hết, thứ hai thị trường khó dự đoán hơn trước nên nhà đầu tư không dám dùng margin để mua cổ phiếu tiếp tục.
Ở thời điểm hiện tại, việc chọn bán cổ phiếu để bảo toàn vốn (chốt lãi đối với những nhà đầu tư vào giai đoạn trước, cắt lỗ đối với nhà đầu tư vào sau) hay mua tăng thêm tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu đang là băn khoăn rất lớn đối với nhà đầu tư. Hành động này đang được ví như “bắt dao rơi”. Còn với các ông/bà, đâu là chiến lược phù hợp?
Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán
Rất nhiều báo cáo phân tích và những lời tung hô và việc kiếm lời quá dễ khiến nhà đầu tư không còn tỉnh táo. Giờ đây, khi thị trường có những dấu hiệu điều chỉnh, những nhà đầu tư này lại không biết nên làm như thế nào.
Nếu nhà đầu tư nhìn TTCK là nơi kiếm tiền dễ dàng, chỉ vài phiên đã có vài chục phần trăm, thì việc mất mát là không thể tránh khỏi. Cá nhân tôi chưa tin thị trường đã bình ổn và sẽ đi lên nữa. Vì thế, mọi hành động bắt đáy hay mua bình quân giá là không nên làm. Điều nên làm là cần hạ nhanh tỷ lệ đòn bẩy, đưa tài khoản về vị thế an toàn với danh mục tốt nhất. Khi tâm chưa tĩnh thì chưa thể nhìn nhận cơ hội và rủi ro.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS)
Duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn, tạm thời đứng ngoài quan sát thêm các diễn biến mang tính quyết định ở tuần tới sẽ tạm thời là chiến lược cần thiết lúc này để đảm bảo quản trị rủi ro. Như tôi đã nói, nếu mốc tâm lý 1.000 điểm không giữ được, xu thế tiêu cực nhiều khả năng tiếp diễn thì hành động “bắt dao rơi” sẽ chịu rủi ro rất lớn.
Ông Dương Hoàng Linh |
Ngược lại, ở thời điểm hiện tại quyết định bán tháo khi nhiều cổ phiếu đã giảm trên 30% cũng không phải quyết định đúng đắn, với nhà đầu tư đang còn tỷ trọng cổ phiếu cao, có thể canh các thời điểm hồi phục để hạ về ngưỡng an toàn.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, CTCK VPS
Tôi không nghĩ giai đoạn này bán cổ phiếu mà đúng hơn là mua vào và tích lũy cổ phiếu ít nhất là trước quý II/2021. Cơ hội hồi phục của thị trường vẫn hiện hữu, nhiều cổ phiếu giảm sâu rất có thể hồi phục mạnh giai đoạn trước Tết. Như vậy, nhà đầu tư nên tích lũy cổ phiếu với tầm nhìn 3 - 6 tháng sẽ hợp lý hơn.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)
Theo tôi, chiến lược phù hợp:
Đối với nhà đầu tư đầu tư giai đoạn trước vẫn còn lời nhiều (vì có một số nhà đầu tư có tỷ suất sinh lời 70 - 100%) thì những phiên vừa qua làm giảm lợi nhuận, nhưng mức sinh lời vẫn còn mức cao có thể chốt một phần để hạ tỷ trọng margin hoặc hiện thực hoá lợi nhuận.
Đối với nhà đầu tư vào sau còn đang lỗ hoặc còn dùng margin thì phải hạ tỷ trọng margin xuống mức thấp nhất, thêm tiền mặt để cân bằng danh mục ở những phiên đieu chỉnh mạnh.
Ngoài ra, không cần cắt lỗ bằng mọi giá vì sau Tết khi thị trường ổn định, tâm lý nghỉ ngơi và chốt lời trước Tết không còn, thì cơ hội thị trường tăng điểm vẫn có. Chưa kể với những ca nhiễm covid đang tăng lên không ảnh hưởng quá mạnh như năm ngoái, bởi lẽ hiện nay ta đã có kinh nghiệm chống dịch, vaccin đã có, thế giới đã hiểu về virut nhiều hơn, không phải mù mờ như cùng thời điểm 1 năm trước đây.