Gỡ nút thắt tăng vốn tại ngân hàng thương mại có vốn nhà nước

Gỡ nút thắt tăng vốn tại ngân hàng thương mại có vốn nhà nước

(ĐTCK) Dưới góc nhìn của chuyên gia tài chính quốc tế, chính sách tái cấp vốn không chỉ đơn thuần giúp ngân hàng thương mại nhà nước có thêm vốn, thêm dư địa cho vay, nâng cao khả năng chống chọi cho nền kinh tế, mà từ đây giúp các ngân hàng thêm hấp dẫn nhà đầu tư ngoại.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Vietcombank (VCB) tăng vốn điều lệ từ 35.978 tỷ đồng lên 39.575 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ tỷ lệ 10%.

Đây là phương án đã được Đại hội đồng cổ đông Vietcombank thông qua trong kỳ họp thường niên 2017. Nếu kế hoạch được triển khai thành công, Vietcombank sẽ trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất trong hệ thống.

Tăng vốn điều lệ đang là vấn đề của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.

Thực tế, tại hội nghị tổng kết hoạt động của các ngân hàng trong khối này ba năm gần đây, câu chuyện tăng vốn liên tục được lãnh đạo các ngân hàng đề cập, bởi các kế hoạch tăng vốn liên tục bất thành.

Chính tại Vietcombank, thỏa thuận phát hành 7,73% vốn cho Quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore GIC được hai bên ký thỏa thuận ghi nhớ từ cuối tháng 8/2016, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Phát hành cho cổ đông ngoại được xem là “con đường ngắn nhất” để các ngân hàng Việt Nam tăng vốn, bởi trong bối cảnh hiện nay, rất khó để tìm được tổ chức trong nước có khả năng rót nhiều nghìn tỷ đồng “tiền tươi” đầu tư vào ngân hàng. Tương tự Vietcombank, BIDV đang trong quá trình thương thảo với Ngân hàng Hana KEB trong thương vụ trở thành nhà đầu tư chiến lược.

Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho biết, Agribank hiện là ngân hàng thương mại 100% vốn nhà nước, việc tăng vốn điều lệ dựa vào ngân sách nhà nước cấp. Từ năm 2011 đến nay, Agribank được cấp 8.300 tỷ đồng.

Vốn điều lệ của Ngân hàng hiện là 30.000 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước, dẫn đến năng lực tài chính hạn chế, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đạt thấp, ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn.

Nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đang chiếm khoảng 50% tổng dư nợ của hệ thống các tổ chức tín dụng. Trong khi đó, số liệu thống kê của NHNN cho thấy, tính đến ngày 31/5/2018, vốn tự có của khối ngân hàng thương mại nhà nước là 252.472 tỷ đồng, thấp hơn so với vốn tự có của khối ngân hàng cổ phần là 315.340 tỷ đồng.

Theo đó, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của khối ngân hàng thương mại nhà nước là 9,39%, trong khi của khối ngân hàng thương mại cổ phần là 11,34%.

Sau ba năm Vietcombank không tăng được vốn, động thái NHNN có văn bản chấp thuận cho ngân hàng tăng vốn điều lệ được thị trường đánh giá tích cực. Tuy vậy, một lãnh đạo cao cấp NHNN chia sẻ: “Quyết định này là một trong các cách nhằm xử lý câu chuyện tăng vốn, chứ không phải tháo ngòi câu chuyện nóng”.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán liên quan đến việc tăng vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước tại buổi trình bày Báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB), ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam nhận định, tái cấp vốn cho các ngân hàng có vốn nhà nước ở Việt Nam là vấn đề rất quan trọng.

“Dư địa về vốn của các ngân hàng có vốn nhà nước khá mỏng, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa vùng đệm vốn, từ đó tạo ra độ an toàn hơn và chống chịu tốt hơn trước những bất ổn của nền kinh tế, giúp cho hệ thống ngân hàng hoạt động tốt hơn, là đơn vị trung gian về tài chính cũng như việc phân phối lại nguồn lực cho xã hội, từ đó, tạo ra nền tảng cho tăng trưởng của nền kinh tế.

Chính sách tái cấp vốn là giải pháp tổng thể trong việc cải cách hệ thống ngân hàng và là một phần rất quan trọng đối với sự ổn định cũng như phục vụ cho tăng trưởng”, ông Sebastian Eckardt nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nêu quan điểm, các ngân hàng Việt Nam sẽ phải tăng vốn nhằm đáp ứng yêu cầu vốn tối thiểu theo Basel 2.

Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu đã hỗ trợ nhiều việc xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và cho phép các ngân hàng đã thu hồi nợ từ việc bán tài sản thế chấp với những biện pháp cụ thể hơn. Dần dần với các biện pháp như vậy, các ngân hàng có đủ điều kiện tốt hơn để đáp ứng yêu cầu cho việc thực hiện theo Basel 2 và đây là xu hướng tích cực phải duy trì trong thời gian tới.

“Tái cấp vốn cho các ngân hàng sẽ phải dùng tiền của ngân sách nhà nước. Khi các ngân hàng được tái cấp vốn sẽ được nhìn nhận là hấp dẫn và tạo nên chiến lược thu hút vốn từ các nhà đầu tư chiến lược”, ông Eric Sidgwick nói.

Tin bài liên quan