Tại hội nghị, ông Peter Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài thẳng thắn cho rằng, lâu nay, lãnh đạo TP. HCM đã nhận thấy việc thành lập trung tâm tài chính là xương sống để phát triển kinh tế Thành phố nói riêng, kinh tế cả nước nói chung, nhưng hiện vẫn chưa thực hiện được bởi gặp nhiều vướng mắc về chủ trương, chính sách.
"TP. HCM hiện chưa có chính sách mở về thuế, hải quan và tài chính. Thành phố cũng chưa sử dụng một cách hiệu quả dòng kiều hối chảy về bởi cơ chế đưa ngoại tệ vào đầu tư còn quá khó khăn…", ông Hồng nói.
Liên quan đến thu hút nhân sự giỏi, lấy ví dụ trong ngành ngân hàng, ông Hồng cho biết, trong danh sách kiều bào hiện tại, có rất nhiều người là chuyên gia ngân hàng, chuyên gia kỹ thuật số về ngành này, nhưng rất khó để có thể mời họ về nước làm việc bởi lương của họ làm ở các tập đoàn quốc tế rất cao, lên tới cả triệu USD/năm.
"Muốn thu hút nguồn nhân lực này, Việt Nam phải có cơ chế mở về chính sách lương, thưởng để mời họ về. Ở góc độ rộng hơn, nếu không mở về cơ chế thì không thể thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, nền kinh tế khó có thể phát triển mạnh", ông Hồng nhấn mạnh.
Thực tế, nút thắt thể chế, chính sách không chỉ là vấn đề của riêng TP. HCM, mà còn là của quốc gia. Khảo sát nhanh khoảng 300 doanh nghiệp về những khó khăn mà họ gặp phải trong quá trình kinh doanh tại một hội thảo kinh tế cũng được tổ chức tại TP. HCM hồi trung tuần tháng 3/2019 cho thấy, có hơn 54% doanh nghiệp trả lời thủ tục hành chính vẫn là những trở ngại lớn nhất.
Về thực thi cải cách hành chính trong năm 2018, chỉ có 37% doanh nghiệp cho rằng có sự thay đổi, trong khi có hơn 57% cho biết không có gì thay đổi, số còn lại bỏ phiếu cho phương án cải cách vẫn còn rất chậm. Kết quả cuộc khảo sát cũng cho thấy, có 52% doanh nghiệp cho rằng điều quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế chính là xây dựng thể chế phù hợp…
Trong khi đó, theo tài liệu về Chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới dựa theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) do Tổng cục Hải quan vừa cập nhật cho thấy, năm 2018, chỉ số này của Việt Nam đứng thứ 100/190 quốc gia, giảm 6 bậc so với trước đó.
Lý do chính của sự sụt giảm này, theo WB, là do việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa bao phủ lên toàn bộ lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan, bên cạnh một số nguyên nhân khác như việc áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro trong nghiệp vụ hoạt động hải quan còn nhiều hạn chế do cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, công tác lựa chọn soi chiếu vẫn chưa đáp ứng hoàn toàn yêu cầu quản lý…; về hoạt động quản lý kiểm tra chuyên ngành và triển khai cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, số lượng hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành còn chiếm tỷ trọng lớn...
“Nói là mở cửa để doanh nghiệp ra biển lớn, nhưng có một thực tế là chúng ta đang bị xâm lấn, đang chịu thua thiệt ngay tại sân nhà. Bởi chính sách của chúng ta đâu đó vẫn còn có sự phân biệt và dường như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn được ưu ái hơn, trong khi trên 97% doanh nghiệp Việt là nhỏ và vừa. Thế nên, tổn thương từ hội nhập của doanh nghiệp Việt là rất lớn”, ông Trần Ngọc Liêm - Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận.
Cũng theo ông Liêm, các hiệp định thương mại (FTA) Việt Nam ký kết với các nước tạo ra nhiều cơ hội, nhưng khả năng tận dụng của doanh nghiệp trong nước là chưa tốt. Khảo sát của VCCI cho thấy, trong số các nước đã ký kết FTA, Việt Nam được hưởng lợi về thuế quan nhiều nhất là Hàn Quốc, đạt 80% dựa trên tổng số lô hàng mà doanh nghiệp Việt xuất sang thị trường này, trong khi các thị trường khác chỉ khoảng 20-40%. Điều này cho thấy, so với những cam kết trên giấy tờ, tỷ lệ hưởng lợi thực tế của Việt Nam từ các FTA là khá hạn chế.
“Chính những thay đổi về môi trường kinh doanh và thể chế pháp lý mới tạo cú huých lớn cho tăng trưởng kinh tế một cách bền vững, chứ không đơn thuần chỉ là lợi ích do các FTA mang lại…”, ông Liêm nêu quan điểm.