Đây đều là những DN nằm trong số các tổng công ty nhà nước phải tiến hành cổ phần hóa (CPH) trong giai đoạn từ nay đến năm 2015.
Thực ra, đây là vấn đề đã tồn tại ngay từ khi EVN bắt tay vào tiến trình tái cơ cấu các DN thành viên, trong đó đối với các Genco thì thiếu vốn là nỗi lo thường trực ngay từ khi các đơn vị này được thành lập.
Ông Nguyễn Văn Lê, Chủ tịch HĐQT Genco 3 đã từng thừa nhận, khó khăn lớn nhất chính là thiếu vốn nghiêm trọng cho việc đầu tư các dự án nguồn điện, trong khi DN lại không thể vay bổ sung vốn cho các dự án vì vốn vay hiện chiếm tỷ trọng quá lớn, tới 85% trong tổng mức đầu tư của dự án.
Bên cạnh đó, nguồn vốn lưu động của Genco 3 quá thấp, không đáp ứng yêu cầu chi phí sản xuất của một chu kỳ thanh toán tiền điện, trong khi các nhà đầu tư lại rất lo ngại về khi nhìn thấy khoản nợ quá lớn.
Đối với Genco1, tình hình có vẻ khả quan hơn, nhưng không phải là đã hết những khó khăn.
Năm 2014, Genco 1 xác định việc giải quyết khó khăn nguồn vốn vẫn là nhiệm vụ hàng đầu, theo đó lãnh đạo Công ty cho biết đã đề ra một loạt các giải pháp quyết liệt như kiểm soát chặt chẽ chi phí đầu tư xây dựng theo thiết kế và hợp đồng, chú trọng công tác lập kế hoạch vốn và nghiệm thu để giải ngân nhanh các nguồn vốn vay trong và ngoài nước.
Cũng trong năm 2014, Genco1 đặt mục tiêu hoàn thành thủ tục và đàm phán với các tổ chức tài chính - ngân hàng nước ngoài để vay được khoản tín dụng 800 triệu USD nhằm có nguồn vốn cho khởi công Dự án Duyên Hải 3 mở rộng, cũng như hoàn thành mục tiêu sản xuất điện đạt 15,448 tỷ kWh, đầu tư xây dựng các dự án nguồn điện với tổng giá trị thực hiện khoảng 19.707 tỷ đồng… Điều này cho thấy, giải bài toán thiếu vốn vẫn là những trăn trở lớn của các DN này.
Đánh giá tại Hội thảo về kế hoạch CPH 3 tổng công ty Genco1, Genco 2, Genco 3 mới đây, lãnh đạo EVN cho rằng, mặc dù các Genco đã có lãi, nhưng tỷ suất sinh lời rất thấp. Cả 3 Genco đều có các nhà máy phát điện với giá thành sản xuất điện cao, trong khi giá bán điện thấp. Đặc biệt, tình hình tài chính còn rất khó khăn do các Genco chưa có khả năng tự huy động vốn sẽ vẫn là những trở ngại lớn ảnh hưởng tới công tác CPH các đơn vị này.
Trước thực trạng trên, để đảm bảo thực hiện lộ trình CPH hóa đặt ra cho 3 đơn vị, EVN đề xuất ban hành cơ chế đảm bảo Genco hoạt động kinh doanh có lãi thông qua việc thiết kế Hợp đồng mua bán điện phù hợp cũng như cơ chế tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh và minh bạch.
Để giải bài toán thiếu vốn, EVN yêu cầu các Genco tái cơ cấu các khoản vay bằng cách chuyển chủ thể các hợp đồng tín dụng từ EVN cho các Genco, kéo dài thời gian trả nợ, giảm lãi suất; EVN sẽ phát hành trái phiếu để cho Genco vay lại, đảm bảo mục tiêu lành mạnh hóa tài chính trong thời gian đầu tiên sau khi tiếp nhận đầy đủ hợp đồng tín dụng từ EVN.
Đồng thời, sẽ thực hiện đánh giá lại giá trị tài sản của các nhà máy phát điện hạch toán phụ thuộc trong công ty mẹ Genco khi thực hiện CPH, lựa chọn phương pháp phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, đảm bảo dòng tiền kinh doanh và đầu tư của các đơn vị trong điều kiện bình thường…
Bên cạnh đó, lãnh đạo EVN cũng nhấn mạnh sẽ rà soát lại lộ trình cụ thể để từ nay đến năm 2017 tiến hành CPH lần lượt 3 Genco theo hướng CPH từng Genco, nhằm bảo toàn nguồn vốn nhà nước cũng như nâng cao năng lực tài chính của các đơn vị này.