Phố Wall tiếp tục thiết lập mức đỉnh mới trong phiên thứ Ba nhờ sự lạc quan về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, cùng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hạ nhiệt.
Kết thúc phiên 9/1, chỉ số Dow Jones tăng 102,80 điểm (+0,41%), lên 25.385,80 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,58 điểm (+0,13%), lên 2.751,29 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 6,19 điểm (+0,09%), lên 7.163,58 điểm.
Chứng khoán châu Âu có phiên tăng thứ 4 liên tiếp trong ngày thứ Ba nhờ vào nhóm cổ phiếu mùa vụ và kỳ vọng vào kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp, cũng như đồng euro giảm.
Kết thúc phiên 9/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 34,51 điểm (+0,45%), lên 7.731,02 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 17,81 điểm (+0,13%), lên 13.385,59 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 36,52 điểm (+0,67%), lên 5.523,94 điểm.
Tương tự, chứng khoán châu Á cũng tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên thứ Ba, trong đó chứng khoán Nhật Bản lên mức cao nhất 26 năm nhờ doanh số bán lẻ tháng 12/2017 tăng, trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục tăng phiên thứ 8 liên tiếp, chứng khoán Hồng Kông thậm chí có phiên tăng thứ 11 liên tiếp lên mức cao nhất 10 năm nhờ dòng tiền chảy mạnh từ Đại lục và sự thăng hoa của cổ phiếu Tencent.
Kết thúc phiên 9/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 135,46 điểm (+0,57%), lên 23.849,99 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 111,88 điểm (+0,36%), lên 31.011,44 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 4,42 điểm (+0,13%), lên 3.413,90 điểm.
Trong khi đó, giá vàng lại quay đầu giảm khá mạnh trong phiên thứ Ba khi đồng USD tăng mạnh trở lại, trong khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang giảm với cuộc gặp giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, cùng thị trường chứng khoán khởi sắc, đang hút mạnh dòng tiền vào đây.
Kết thúc phiên 9/1, giá vàng giao ngay giảm 7,1 USD/ounce (-0,54%), xuống 1.312,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2018 giảm 7,5 USD/ounce (-0,57%), xuống 1.313,7 USD/ounce.
Giá dầu thô tăng mạnh trong phiên thứ Ba do OPEC cắt giảm sản lượng và nhu cầu gia tăng tốt. Một thông tin nữa hỗ trợ giá dầu là theo số liệu của Việ Dầu khí Mỹ (API), lượng dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước giảm 11,2 triệu thùng, xuống 416,6 triệu thùng.
Kết thúc phiên 9/1, giá dầu thô Mỹ tăng 1,23 USD (+1,95%), lên 62,96 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,04 USD (+1,51%), lên 68,82 USD/thùng.