Đúng như lo ngại, việc cựu luật sư riêng của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận tội vi phạm các quy định về bầu cử và nhiều cáo buộc khác liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 đã ảnh hưởng tiêu cực tới phố Wall khi mở cửa phiên giao dịch thứ Tư.
Nhà đầu tư cũng đang thận trọng trước cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu vào thứ Năm.
Dù vậy, các chỉ số chứng khoán Mỹ cũng chỉ giằng cho quanh tham chiếu và đóng cửa Dow Jones, S&P 500 đảo chiều giảm nhẹ, trong khi Nasdaq vẫn duy trì đà tăng nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ.
Trong phiên thứ Tư, Fed công bố cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) ngày 31/7/2018 cho thấy, các quan chức Fed có khả năng sẽ tăng lãi suất của Mỹ trong tháng 9 do tăng trưởng kinh tế vững chắc và kỳ vọng nhiều hơn. Tuy nhiên, các thành viên FOMC cho biết, các tranh chấp thương mại kéo dài giữa Mỹ và các đối tác thương mại lớn của nó có thể có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Kết thúc phiên 22/8, chỉ số Dow Jones giảm 88,69 điểm (-0,34%), xuống 25.733,60 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,14 điểm (-0,04%), xuống 2.861,82 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 29,92 điểm (+0,38%), lên 7.889,10 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại đảo chiều hồi nhẹ trở lại trong phiên thứ Tư khi giới đầu tư hướng về cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung và những vấn đề pháp lý liên quan đến ông Trump.
Kết thúc phiên 22/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 8,54 điểm (+0,11%), lên 7.574,24 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 1,21 điểm (+0,01%), lên 12.385,70 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 12,02 điểm (+0,22%), lên 5.420,61 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng tốt trở lại nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ, nhưng đà tăng được hãm bớt do đà sụt giảm của nhóm cổ phiếu viễn thông sau thông tin Chính phủ Nhật giảm giá cước điên thoại di động. Chứng khoán Hồng Kông cũng có phiên tăng thứ 4 liên tiếp nhờ phản ứng tích cực với chứng khoán Mỹ trong phiên trước đó, trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục quay đầu giảm khi nhà đầu tư thận trọng trước cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sắp diễn ra.
Kết thúc phiên 22/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 142,82 điểm (+0,64%), lên 22.362,55 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 174,79 điểm (+0,63%), lên 27.927,58 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 19,22 điểm (-0,70%), xuống 2.714,16 điểm.
Trên thị trường vàng, giá kim loại quý này tiếp tục duy trì đà tăng mạnh và vượt qua mốc 1.200 USD/ounce khi giới đầu tư tìm kiếm kênh trú ẩn sau thông tin pháp lý bất lợi liên quan đến Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, đà tăng sau đó hạ nhiệt dần vào cuối phiên do áp lực chốt lời và sau khi biên bản cuộc họp tháng 8 của Fed được công bố với kế hoạch tăng lãi suất trong tháng 9.
Kết thúc phiên 22/8, giá vàng giao ngay giảm 0,2 USD (-0,02%), xuống 1.195,3 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 3,3 USD/ounce (+0,28%), lên 1.203,3 USD/ounce.
Trong khi đó, giá dầu thô tiếp tục tăng vọt trong phiên thứ Tư với giá dầu thô Brent lên mức cao nhất 3 tuần sau khi dữ liệu vừa công bố cho thấy, kho dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm 5,8 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn mức dự báo 1,5 triệu thùng của các nhà phân tích.
Kết thúc phiên 22/8, giá dầu thô Mỹ tăng 2,02 USD (+2,98%), lên 67,86 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,15 USD (+2,88%), lên 74,78 USD/thùng.