Chứng khoán Mỹ bị bán tháo mạnh trong phiên cuối tuần trước và đặc biệt là đầu tuần nay đã kích hoạt lệnh bán tháo trên thị trường chứng khoán toàn cầu trong tuần qua. Sau 2 phiên bán tháo mạnh nay, phố Wall đã hồi phục rất tốt trong phiên thứ Ba, đem lại kỳ vọng cho nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ nói riêng và chứng khoán toàn cầu nói chung. Minh chứng là nhiều thị trường chứng khoán Âu, Á sau đó đã hồi phục theo phố Wall.
Tuy nhiên, trong phiên thứ Tư, tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ đã thận trọng trở lại khiến các chỉ số quay đầu giảm nhẹ. Trong phiên thứ Năm, không chỉ là thận trọng, tâm lý hoảng loạn như phiên đầu tuần mới lại diễn ra, đẩy chứng khoán Mỹ đồng loạt lao dốc mạnh với mức giảm trên dưới 4% của cả 3 chỉ số chính.
Tâm lý lo lắng của giới đầu tư bắt nguồn từ dữ liệu vừa công bố cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 45 năm, nhiều khả năng sẽ khiến mức lương tăng và gây lực lên lên lạm phát và dĩ nhiên sẽ khiến Fed đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất để đối phó với tình trạng này.
Kết thúc phiên 8/2, chỉ số Dow Jones giảm 1.032,89 điểm (-4,15%), xuống 23.860,46 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 100,66 điểm (-3,75%), xuống 2.581,00 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 274,82 điểm (-3,90%), xuống 6.777,16 điểm.
Tương tự, trên thị trường chứng khoán châu Âu, sau phiên hồi phục tích cực hôm thứ Tư, các chỉ số chính của khu vực này đã đồng loạt quay đầu giảm mạnh trở lại trong phiên thứ Năm, nhất là đà giảm mạnh ở cuối phiên do tác động tiêu cực từ sự bán tháo trên thị trường Mỹ.
Kết thúc phiên 8/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 108,73 điểm (-1,49%), xuống 7.170,69 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 330,14 điểm (-2,62%), xuống 12.260,29 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 104,21 điểm (-1,98%), xuống 5.151,68 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, lực cầu bắt đáy sau mấy phiên lao dốc giúp chứng khoán Nhật Bản hồi phục mạnh trở lại trong phiên thứ Năm, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Hồng Kông cũng trấn tĩnh trở lại sau phiên giảm mạnh trước đó. Trong khi đó, dù dữ liệu xuất khẩu tháng 1 tích cực được công bố, chứng khoán Trung Quốc đại lục vẫn tiếp tục có phiên lao dốc và là phiên giảm thứ 3 liên tiếp, chính thức xuống mức thấp nhất 6 tháng.
Kết thúc phiên 8/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 245,49 điểm (+1,13%), lên 21.890,86 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 128,07 điểm (+0,42%), lên 30.451,27 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 47,21 điểm (-1,43%), xuống 3.262,05 điểm.
Việc đồng USD liên tục leo dốc đã gây áp lực lớn lên giá vàng. Trong phiên thứ Năm, giá kim loại quý này có lúc được đẩy xuống dưới ngưỡng 1.310 USD/ounce, nhưng về cuối phiên đã phục hồi trở lại khi thị trường chứng khoán bị bán tháo.
Kết thúc phiên 8/2, giá vàng giao ngay tăng 0,2 USD/ounce (-0,02%), lên 1.318,3 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 tăng 4,4 USD/ounce (+0,33%), lên 1.319,0 USD/ounce.
Trong khi đó, giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh khi đồng USD tăng, cùng dữ liệu công bố trong phiên trước đó cho thấy, kho dự trữ và sản lượng khai thác của Mỹ tăng mạnh.
Kết thúc phiên 8/2, giá dầu thô Mỹ giảm 0,64 USD (-1,05%), xuống 61,15 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,70 USD (-1,08%), xuống 64,81 USD/thùng.