Trong ngày đầu tuần, thị trường tài chính thế giới chao đảo khi đồng nhân dân tệ giảm xuống mức thấp nhất 10 năm so với đồng USD. Cùng với đó, Trung Quốc cũng tuyên bố ngừng nhập thịt heo và nông sản của Mỹ.
Về phía Mỹ, sau khi Tổng thống Trump viết trên Twiter rằng Trung Quốc thao túng tiền tệ, Bộ Tài chính Mỹ đã chính thức đưa Trung Quốc vào những nước thao túng tiền tệ, cáo buộc Bắc Kinh phá giá đồng Nhân dân tệ khi cuộc chiến thương mại giữa hai bên leo thang.
Tuyên bố cũng cho biết, ông Steven Mnuchin, Bộ trưởng Tài chính Mỹ sẽ tham vấn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để loại trừ ưu thế cạnh tranh không công bằng mà Trung Quốc nhận được từ hành động mới nhất liên quan đến phá giá đồng nội tệ.
Sự leo thang đến mức nguy hiểm của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt là việc Bắc Kinh phá giá đồng nhân dân tệ đã khiến giới đầu tư trên thị trường tài chính toàn cầu hoảng loạn, đồng loạt bán tháo trong phiên đầu tuần mới, đẩy phố Wall tiếp tục lao dốc với mức giảm tồi tệ nhất trong năm. Trong đó, nhóm bị ảnh hưởng tiêu cực nhất là cổ phiếu công nghệ, vốn rất nhạy cảm với cuộc chiến.
Kết thúc phiên 5/8, chỉ số Dow Jones giảm 767,27 điểm (-2,90%), xuống 25.717,74 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 87,31 điểm (-2,98%), xuống 2.844,74 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 278,03 điểm (-3,47%), xuống 7.726,04 điểm.
Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng không thoát khỏi phiên bán tháo thứ 2 liên tiếp do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang đến giai đoạn nguy hiểm.
Kết thúc phiên 5/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 183,21 điểm (-2,47%), xuống 7.223,85 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 213,93 điểm (-1,80%), xuống 11.658,51 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 117,44 điểm (-2,19%), xuống 5.241,55 điểm.
Không nằm ngoài xu hướng chung, chứng khoán châu Á cũng bị bán tháo mạnh trong phiên đầu tuần mới sau động thái Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất 1 thập kỷ, cùng nhiều quyết định khác đẩy cuộc chiến thương mại vào giai đoạn nguy hiểm.
Kết thúc phiên 5/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 366,87 điểm (-1,74%), xuống 20.720,29 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 46,34 điểm (-1,62%), xuống 2.821,50 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 767,26 điểm (-2,85%), xuống 26.151,32 điểm.
Sự hoảng loạn trên thị trường chứng khoán đã tiếp động lực cho vàng nhảy vọt trong phiên đầu tuần mới.
Kết thúc phiên 5/8, giá vàng giao ngay tăng 23,4 USD (+1,62%), lên 1.463,4 USD/ounce. Trong khi giá vàng giao tháng 8 tăng 19,0 (+1,31%), lên 1.464,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 19,0 USD (+1,30%), lên 1.476,5 USD/ounce.
Trong khi đó, cuộc chiến thương mại leo thang làm gia tăng mối lo suy thoái kinh tế, ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ, khiến giá dầu thô quay đầu giảm mạnh trong phiên đầu tuần mới sau phiên hồi phục tốt cuối tuần qua.
Kết thúc phiên 5/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,97 USD (-1,77%), xuống 54,69 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,08 USD (-3,48%), xuống 59,81 USD/thùng.