Giới đầu tư hài lòng với quyết định của Fed

Giới đầu tư hài lòng với quyết định của Fed

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall kéo dài đà tăng một cách vững chắc sang phiên ngày thứ Tư (3/11) sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố sẽ bắt đầu cắt giảm nhịp độ mua trái phiếu hàng tháng, bắt đầu vào tháng 11 và dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2022, đúng như những gì nhà đầu tư đã mong đợi.

Sau cuộc họp định kỳ kéo dài 2 ngày, thị trường đón nhận thông báo sẽ bắt đầu giảm nhịp độ mua trái phiếu mỗi tháng từ Fed trong tháng này, qua đó đánh dấu bước đi đầu tiên trong quá trình rút dần sự hỗ trợ cho nền kinh tế Mỹ.

Theo đó, cứ mỗi tháng, Fed sẽ giảm mua khoảng 15 tỷ USD từ mức 120 tỷ USD hiện nay, trong đó bao gồm 10 tỷ USD đối với trái phiếu Chính phủ Mỹ và 5 tỷ USD với chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp. Các nhà hoạch định chính sách cho biết, động thái này được đưa ra “trong bối cảnh nền kinh tế đã đạt bước tiến đáng kể từ tháng 12/2020”.

Đồng thời, Fed cũng quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức gần 0%. Các quyết định của Fed đều đã được thị trường dự đoán trước.

Trong cuộc họp báo sau tuyên bố trên của Fed, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, thị trường việc làm Mỹ có thể đạt mức cải thiện “tối đa” vào giữa năm 2022, yếu tố chính mà ngân hàng trung ương sẽ đặt lên bàn cân để xem xét việc tăng lãi suất.

Tuy nhiên, ông Powell cũng thừa nhận rằng, lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới trong 5 tháng qua đã cao gấp đôi mục tiêu 2% của Fed và đang tăng cao “một cách khó chịu” do “sự hỗn loạn” trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này có khả năng kéo dài đến nửa cuối năm sau, đặt ra thách thức đối với các gia đình có thu nhập cố định hoặc có mức lương thấp.

Mặt khác, màu báo cáo quý III tốt hơn kỳ vọng tiếp tục hỗ trợ tâm lý thị trường. Với khoảng 360 công ty đã công bố báo cáo, lợi nhuận của S&P 500 dự kiến ​​sẽ tăng 40,4% trong quý III, theo Refinitiv.

Cổ phiếu CVS Health tăng 5,7% sau khi công ty điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận cho năm 2022 tăng với kỳ vọng chi phí y tế sẽ giữ ổn định. Cổ phiếu Lyft tăng 8,2% sau khi công ty dịch vụ gọi xe này báo cáo doanh thu quý III tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về dữ liệu kinh tế, theo Bộ Thương mại Mỹ hôm thứ Tư, so với tháng trước đó, lượng đơn đặt hàng tại nhà máy của Mỹ tăng 0,2% trong tháng 9, trong khi các chuyên gia Dow Jones dự báo con số này không đổi. Tính đến nay, số đơn đặt hàng tại nhà máy đã tăng 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, Viện quản lý cung ứng Mỹ (ISM) cho biết, chỉ số PMI phi sản xuất tháng 10 của Mỹ tăng lên mức 66,7, cao hơn mức tăng 61,9 của tháng 9 và cao hơn dự đoán của giới phân tích.

Cả 3 chỉ số đều khép phiên tại mức cao kỷ lục. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, S&P Futures, Dow Futures và Nasdaq Futures cũng đang leo dốc.

Kết thúc phiên 3/11, chỉ số Dow Jones tăng 104,95 điểm (+0,29%), lên 36.157,58 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 29,92 điểm (+0,65%), lên 4.660,57 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 161,98 điểm (+1,04%), lên 15.811,58 điểm.

Chứng châu Âu giữ ổn định trong phiên ngày thứ Tư với mùa báo cáo quý III tiếp tục với những con số lạc quan, trong khi các cổ phiếu khai thác cũng phục hồi sau những tổn thất gần đây do giá hàng hóa tăng. Tuy nhiên, dự đoán về việc cắt giảm kích thích từ Fed đã giữ mức tăng trong tầm kiểm soát.

Kết thúc phiên 3/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 25,92 điểm (-0,36%), xuống 7.248,89 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 5,53 điểm (+0,03%), lên 15.959,98 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 23,62 điểm (+0,34%), lên 6.950,65 điểm.

Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm trong phiên hôm qua. Chứng khoán Trung Quốc giảm do tâm lý thị trường ảm đạm sau khi Thủ tướng Lý Khắc Cường cảnh báo về áp lực suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Chứng khoán Hồng Kông và Hàn Quốc cùng giảm khi các nhà đầu tư đứng ngoài chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách của Fed.

Chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch Ngày Văn hóa.

Kết thúc phiên 3/11, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 7,09 điểm (-0,20%), xuống 3.498,54 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 74,92 điểm (-0,30%), xuống 25.024,75 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 37,78 điểm (-1,25%), xuống 2.975,71 điểm.

Giá vàng đêm qua giảm sâu bất chấp USD suy yếu sau khi thị trường đón nhận kết luận từ cuộc họp Fed. Với nhiều dữ liệu kinh tế tích cực, dòng tiền đổ vào thị trường tài sản rủi ro đã gây áp lực lớn lên vàng.

Kết thúc phiên 3/11, giá vàng giao ngay giảm 18,40 USD (-1,03%), xuống 1.769,30 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 25,50 USD (-1,43%), xuống 1.763,90 USD/ounce.

Giá dầu phiên ngày thứ Tư giảm xuống mức thấp nhất trong gần 4 tuần sau khi dự trữ dầu thô của Mỹ được báo cáo tăng hơn dự kiến và tồn kho xăng chạm mức thấp nhất trong 4 năm.

Dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng hơn 3,3 triệu thùng nhưng dự trữ xăng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2017. Nguồn cung dầu trên thị trường Mỹ bị thắt chặt với dự trữ tại trung tâm lưu trữ Cushing, Oklahoma ở mức thấp nhất trong ba năm.

Fed, như dự đoán, tuyên bố bắt đầu giảm bớt mua tài sản trong tháng này sau cuộc họp định kỳ. Điều đó có thể làm suy yếu một số hoạt động mua đầu cơ vào các tài sản rủi ro bao gồm dầu.

OPEC+ sẽ nhóm họp vào thứ Năm và dự kiến ​​sẽ tiếp tục kế hoạch duy trì mức tăng nguồn cung ổn định hàng tháng bất chấp những lời kêu gọi tăng tốc từ Mỹ.

Kết thúc phiên 3/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 3,05 USD (-3,6%), xuống 80,86 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,73 USD (-3,2%), xuống 81,99 USD/thùng.

Tin bài liên quan