Đóng vai trò quan trọng như vậy nên thẩm định viên về giá là một nghề có điều kiện chặt chẽ. Một cá nhân được hành nghề thẩm định viên phải có 3 năm kinh nghiệm làm việc, có chứng chỉ đào tạo thẩm định giá, tham gia một kỳ thi do Bộ Tài chính tổ chức và được cấp thẻ thẩm định viên về giá.
Định kỳ, Bộ Tài chính công bố danh sách thẩm định viên đủ điều kiện hành nghề, các thẩm định viên có vi phạm nghiêm trọng sẽ bị thu hồi thẻ hành nghề.
Trong số 4 tiêu chuẩn thẩm định viên về giá do Bộ Tài chính ban hành, Tiêu chuẩn số 01 là về những quy tắc đạo đức hành nghề thẩm định giá.
Về cơ bản, thẩm định viên phải trung thực, khách quan, tuân thủ tiêu chuẩn chuyên môn.
Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều trường hợp thẩm định viên vi phạm. Tháng 4/2019, Bộ Tài chính có văn bản thông báo về việc xóa tên thẩm định viên về giá không đủ điều kiện hành nghề thẩm định giá đối với 2 thẩm định viên Hoàng Duy Quang (sinh năm 1983) và Võ Văn Mạnh (sinh năm 1976) thuộc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và thẩm định giá AMAX.
Hai thẩm định viên này đã có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thẩm định giá và bị truy tố, xét xử trong vụ án Tổng công ty Viễn thông Mobifone (Mobifone) mua 95% cổ phần Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).
Công ty AMAX là đơn vị được Mobifone chọn để xác định giá trị doanh nghiệp của AVG.
AMAX xác định giá trị AVG theo 2 phương pháp là phương pháp tài sản có giá trị 16.565 tỷ đồng và phương pháp thu nhập có giá trị 17.184 tỷ đồng.
Mobifone đã sử dụng kết quả thẩm định của AMAX để đàm phán với tổng mức đầu tư dự án là 11.700 tỷ đồng.
Tại phiên xét xử đang diễn ra, Hoàng Duy Quang đã có lời khai cho thấy thẩm định viên này đã ký vào báo cáo xác định giá trị doanh nghiệp, chứng thư thẩm định giá mà không tiến hành công việc thẩm định.
Theo lời khai của bị cáo Quang, việc thẩm định do “anh em trong Công ty làm”, bản thân bị cáo chỉ ký để lấy hoa hồng.
Bị cáo phụ trách Chi nhánh phía Bắc của Công ty AMAX, làm marketing, tìm kiếm khách hàng.
Trong lĩnh vực định giá doanh nghiệp, bị cáo không có kinh nghiệm, chưa từng làm trước đó, cũng không đủ năng lực để thực hiện, không nắm được thực trạng doanh nghiệp, nhưng bị cáo vẫn nhận làm.
Theo chế độ Công ty, nếu chỉ tìm được khách hàng, nhân viên được hưởng 5% giá trị hợp đồng, nếu nhân viên thực hiện thẩm định thì được hưởng 15%.
Chính vì thẩm định viên không thực sự tiến hành các công việc định giá doanh nghiệp nên Hoàng Duy Quang không thể trả lời giá trị doanh nghiệp AVG theo phương pháp tài sản được cấu thành như nào, gồm những gì.
Theo cựu Giám đốc Công ty AMAX Võ Văn Mạnh, giá trị doanh nghiệp AVG bao gồm tài sản lưu động và tài sản cố định, tài sản cố định bao gồm tài sản hữu hình và vô hình.
Riêng tài sản vô hình được định giá lên tới hơn 13.400 tỷ đồng.
Về cơ bản, tài sản cố định vô hình là các tài sản không có hình thái vật chất, nhưng xác định được giá trị, do doanh nghiệp nắm giữ sử dụng trong sản xuất - kinh doanh, cung cấp dịch vụ, hoặc cho thuê phù hợp với tiêu chuẩn ghi nhận.
Tài sản cố định vô hình phải được ghi nhận theo chuẩn mực kế toán.
Trong trường hợp định giá AVG, Công ty AMAX đã sử dụng nguồn số liệu đầu vào không có cơ sở, không có kiểm chứng để xác định giá trị tài sản vô hình ngoài bảng cân đối kế toán là hơn 13.400 tỷ đồng.
Khoản này chưa được hạch toán. Cựu Giám đốc AMAX cho rằng, cách thức xác định tài sản vô hình tại thời điểm thực hiện định giá là đúng, nhưng sau này bị cáo mới biết việc làm của bản thân là sai.
AVG có giấy phép sử dụng 4 kênh tần số cao, được đánh giá là có giá trị thương mại lớn. Nhưng thực tế, đây chỉ là giấy phép thí điểm thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng truyền dẫn, phát sóng kỹ thuật số và phát triển hoạt động truyền hình giải trí kỹ thuật số trả tiền hợp tác với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bình Dương.
Giấy phép thí điểm có thời hạn sử dụng nhất định. AMAX định giá các giấy phép này có giá trị hơn 112 triệu USD, tương đương hơn 2.400 tỷ đồng.
Đối với tài sản hữu hình, Công ty AMAX không tiến hành khảo sát doanh nghiệp, không kiểm kê phân loại, nhưng vẫn ghi nhận giá trị. AMAX cũng không xem xét, loại trừ khoản nợ phải trả hơn 1.100 tỷ đồng.
Quá trình mua cổ phần AVG, Mobifone đã sử dụng kết quả định giá của AMAX. Việc này dẫn đến Mobifone phải mua cả nợ phải trả, giấy phép thí điểm, tài sản vô hình chưa được hạch toán...
Cơ quan công tố xác định, khoản thiệt hại của Nhà nước trong vụ việc này lên đến hơn 6.500 tỷ đồng.