Chiều ngày 26/10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi. Quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân (khoản 4, Điều 80, Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi) còn có nhiều ý kiến khác nhau nhận được ý kiến góp ý của nhiều đại biểu.
Hai phương án quy định chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân
Liên quan đến vấn đề quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân (khoản 4, Điều 80, Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết có nhiều ý kiến khác nhau.
Theo đó, một số ý kiến tán thành quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân như dự thảo Luật do Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ năm. Ý kiến khác đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đầu tư dự án nhà lưu trú công nhân, không làm dự án nhà ở xã hội.
Một số ý kiến đề nghị không quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân mà trách nhiệm này thuộc về UBND cấp tỉnh.
Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ kinh phí đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư là từ nguồn nào.
Tại Báo cáo số 529/BC-CP ngày 10/10/2023 của Chính phủ góp ý về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Báo cáo số 390/BC-TLĐ ngày 11/9/2023 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đề xuất: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, sử dụng nguồn vốn tài chính công đoàn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành cần tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để nâng cao điều kiện sống, sinh hoạt, làm việc, bảo đảm an sinh xã hội cho công nhân, người lao động là đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng. Tuy nhiên, đây là chính sách mới, việc quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân cần phải được đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở yêu cầu thực tiễn, điều kiện về nguồn lực, năng lực thực hiện, quy định chặt chẽ, bảo đảm tính khả thi và sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Do vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội 2 phương án như sau:
Phương án 1: Tiếp thu ý kiến của Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo hướng: quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê để vừa bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp, thu hút người lao động tham gia tổ chức Công đoàn, vừa giới hạn phạm vi thực hiện dự án nhà ở của chủ thể này để nâng cao tính khả thi.
Tuy nhiên, theo phương án này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần có giải pháp cân đối nguồn lực để bảo đảm tính khả thi của dự án đầu tư do đây là các dự án nhà ở cho thuê, vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn dài; đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, cho thuê nhà ở xã hội...
Phương án 2: Chưa quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở (sửa đổi), vì đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua (theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật. Với cơ chế như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất (sử dụng nguồn vốn tài chính công đoàn, chỉ thực hiện dự án nhà ở xã hội để cho thuê, thu hồi vốn chậm) thì sẽ khó khăn về nguồn lực, khó bảo đảm thực hiện được mục tiêu của chính sách.
Vì vậy, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật.
Có nên trao quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội?
Góp ý về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) tán thành việc trao quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội là một quy định với mục đích rất nhân văn; góp phần tháo gỡ thực trạng việc phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút được chủ đầu tư, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân hiện nay.
Tuy nhiên, theo bà Nga, tại phương án 1 khoản 4 Điều 80 Dự thảo Luật quy định cho phép “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ thể quản lý dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội thuê”. Như vậy, theo quy định này, đối tượng được thuê nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn đầu tư thu hẹp hơn so với các đối tượng tại Điều 76, Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga góp ý. |
“Theo tôi, nên mở rộng đối tượng được phép thuê nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn đầu tư, bởi khi dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, bước vào giai đoạn vận hành cho thuê, mà chỉ cho phép công nhân, người lao động thuê sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng công nhân, người lao động chưa có nhu cầu thuê hết, thì nhà cho thuê vẫn thừa mà nhiều đối tượng khác thuộc Điều 76 có nhu cầu, nhưng không thể thuê do không thuộc đối tượng “công nhân, người lao động”. Vì vậy, để đảm bảo đúng mục đích, nhiệm vụ hoạt động của Tổng Liên đoàn nhưng vẫn khai thác tối đa hiệu quả đầu tư nhà ở xã hội, chỉ nên quy định “các dự án nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn đầu tư thì ưu tiên cho đối tượng là công nhân, người lao động thuê”.
Bên cạnh đó, quy định điều kiện các dự án nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn đầu tư phải xuất phát từ nhu cầu thực tế và dự báo nhu cầu thực tế của công nhân, người lao động tại địa bàn đầu tư dự án”, bà Nga đề nghị.
Sau khi nghiên cứu kỹ, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (tỉnh Yên Bái) cũng thống nhất với phương án 1: “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê”.
“Tôi cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực nhà nước còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa mặn mà với đầu tư nhà ở xã hội, việc quy định Tổng Liên đoàn tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn để cho công nhân, người lao động có nhu cầu về nhà ở thuê là cần thiết, phát huy nguồn lực phát triển nhà ở xã hội theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để nâng cao điều kiện sống, sinh hoạt, làm việc, bảo đảm an sinh xã hội cho công nhân, người lao động là đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng.
Tuy nhiên, tôi thống nhất với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần có giải pháp cân đối nguồn lực để bảo đảm tính khả thi của dự án đầu tư do đây là các dự án nhà ở cho thuê, vốn đầu tư lớn, nhưng thời gian thu hồi vốn dài; đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan của một số luật có liên quan tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có cơ sở triển khai thực hiện. Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cần có những cơ chế, chính sách hợp lý để quản lý, thực hiện việc đầu tư và cho thuê nhà ở xã hội để nâng cao hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí các nguồn lực đầu tư”, ông Luận đề xuất.
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (tỉnh Quảng Ngãi) cũng thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn phương án 1: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê để vừa bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp, thu hút người lao động tham gia tổ chức công đoàn, vừa giới hạn phạm vi thực hiện (không bao gồm nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp) để nâng cao tính khả thi.
Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương cho rằng, tại điểm b khoản3 Điều 84 quy định: Trường hợp có từ 2 nhà đầu tư trở lên đăng ký làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì thực hiện lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thông qua hình thức đấu thầu theo pháp luật về đấu thầu. Bà Sương đề nghị Ban soạn thảo rà soát, thống nhất với quy định trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, có một số ý kiến của đại biểu quốc hội phản biện việc giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Nguyên nhân là cần tách bạch chức năng quản lý nhà nước, chức năng của tổ chức chính trị xã hội và chức năng sản xuất, kinh doanh.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP.Hà Nội) tranh luận về ý kiến các đại biểu đồng tình chọn phương án 1 là tổ chức công đoàn là chủ đầu tư. Ông Cường cho rằng, lý giải này là chưa thỏa đáng, vì công đoàn là đại diện tiếng nói cho người lao động. Đồng thời bày tỏ băn khoăn khi nhà ở có vấn đề thì ai là người đại diện cho người lao động nói lên tiếng nói đó? Khi thiếu nhà ở thì công đoàn cũng phải chịu trách nhiệm.
Phát biểu tranh luận về vấn đề Tổng Liên đoàn tham gia phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) cho rằng, đây là vấn đề mới, trong quá trình thực hiện còn nhiều vấn đề cần làm rõ, Chính phủ chưa đánh giá kỹ lưỡng việc thực hiện các quy định sẵn có, do vậy, cần có đánh giá tổng thể kỹ lưỡng để xem vấn đề này đã “chín”, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm chưa, qua đó đưa vào quy định một cách hợp lý.
Đại biểu cũng cho rằng, việc giao cơ quan nhà nước, hay một tổ chức chính trị, xã hội làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua chưa phù hợp với yêu cầu tách biệt giữa chức năng của cơ quan nhà nước, chức năng của tổ chức chính trị xã hội và chức năng sản xuất, kinh doanh. Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị cần cân nhắc kỹ, chưa đưa nội dung này vào trong luật, mà cần thực hiện theo các quyết định hiện hành, tổng hợp thực tiễn để luật hóa những nội dung đã chín, đã rõ.