Nhiều sinh viên Việt Nam đã tốt nghiệp các trường đại học có vốn FDI tại Việt Nam, như RMIT...
Cách đây hơn 2 tuần, Trường Đại học Anh quốc - British University Vietnam (BUV) đã chính thức khởi công xây dựng cơ sở mới tại Khu đô thị Ecopark (Hưng Yên).
Với tổng vốn đầu tư 70 triệu USD, được xây dựng trên diện tích 6,5 ha và có khả năng đáp ứng hơn 7.000 sinh viên, BUV là một trong những dự án FDI lớn nhất vào lĩnh vực giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) tại Việt Nam hiện nay.
“Việc xây dựng cơ sở mới tại Ecopark là bước đi đầu tiên đặt nền móng vững chắc cho BUV tại Việt Nam, bởi đầu tư cho giáo dục là đầu tư lâu dài và đầu tư cho tương lai”, ông Jesse David Boone, Tổng giám đốc BUV chia sẻ như vậy với Báo Đầu tư.
Sự xuất hiện của BUV, đặc biệt lại đặt trong bối cảnh chỉ trước sự kiện này 3 ngày, Khu phức hợp giáo dục Pegasus gồm Trường Cao đẳng quốc tế Pegasus và Trường Quốc tế Singapore của Tập đoàn KinderWorld (Singapore) cũng đã chính thức khánh thành và đi vào hoạt động tại Đà Nẵng, đã thêm một lần nữa khẳng định đầu tư vào giáo dục ở Việt Nam đang dần trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN).
Thống kê từ Cục ĐTNN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến ngày 20/5/2015, cả nước có 213 dự án FDI trong lĩnh vực giáo dục, với tổng vốn đăng ký 822 triệu USD. Kết quả này được cho là khá khiêm tốn, nhất là trong bối cảnh, hàng năm người dân Việt Nam phải chi hàng tỷ USD (gần 1,5 tỷ USD trong năm 2014) cho việc đi du học ở nước ngoài chỉ vì chất lượng giáo dục trong nước còn thấp.
Đại diện Cục ĐTNN nhận xét, tuy số lượng dự án và số vốn đầu tư chưa được như kỳ vọng, song điều đáng mừng là, các nước có nền GD-ĐT hiện đại, tiên tiến như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Singapore, Australia... đều có dự án đầu tư tại Việt Nam.
Hiện đã có 24 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam. Nổi bật trong số này, ngoài dự án của BUV vừa kể trên, còn có các dự án Trường Đại học Mỹ - Thái Bình Dương tại Đà Nẵng của nhà đầu tư Mỹ - American Pacific University, LLC, vốn đầu tư 150 triệu USD; Dự án Trung tâm Nagai Việt Nam của Nhật Bản, vốn đăng ký 68,9 triệu USD hay Dự án của Oasis Development Management Ltd. (British Virgin Islands), vốn đầu tư 68 triệu USD đều tại Hà Nội...
RMIT (Australia) đã đầu tư 41,1 triệu USD vào dự án các trường đại học RMIT tại Việt Nam. Trong khi đó, KinderWorld cũng là một trong những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam.
Theo ông Ricky Tan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Giáo dục KinderWorld, KinderWorld đang vận hành 15 học xá tại Việt Nam, với các thương hiệu Trường Quốc tế Singapore (SIS), Trường Mẫu giáo quốc tế KinderWorld (KIK), Trường Quốc tế Việt Nam Singapore (SVIS) và Trường Cao đẳng quốc tế Pegasus, cung cấp chương trình đào tạo song ngữ và quốc tế cho học sinh từ cấp mẫu giáo đến đại học và trên đại học tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Bình Dương…
Ngoài các địa điểm trên, KinderWorld cũng đang lên kế hoạch đầu tư các trường học tại Khánh Hòa, Bình Định. Dự án đầu tư ở Khánh Hòa dự kiến có tổng mức đầu tư gần 316 tỷ đồng (tương đương gần 16 triệu USD), được xây dựng trên diện tích hơn 6 ha tại Khu đô thị Mỹ Gia (xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang). Trong khi đó, dự án ở Bình Định đã được chấp thuận về chủ trương đầu tư.
Năm ngoái, KinderWorld cũng đã nhận Giấy chứng nhận đầu tư để triển khai Dự án Khu giáo dục kỹ năng sống Outward Bound Việt Nam và Du lịch sinh thái tại tỉnh Vĩnh Phúc, với tổng vốn đầu tư 17 triệu USD. Phát biểu tại lễ khánh thành Pegasus Đà Nẵng mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương khẳng định, những dự án do Kinderworld đầu tư đều rất có ý nghĩa, đáp ứng nhu cầu phát triển GD-ĐT chất lượng cao từ mẫu giáo đến phổ thông trung học ngay tại Việt Nam.
“Việc KinderWorld chính thức thành lập Trường cao đẳng quốc tế Pegasus tại Đà Nẵng một lần nữa đã thể hiện cam kết và mong muốn của Tập đoàn trở thành doanh nghiệp FDI hàng đầu trong lĩnh vực GD-ĐT tại Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nói.
Không chỉ là KinderWorld, nhiều thông tin cho thấy, ngày càng nhiều nhà ĐTNN quan tâm đến lĩnh vực giáo dục của Việt Nam. Chẳng hạn, Dự án Trường Đại học Y khoa Tokyo, do Học viện Y khoa Tokyo (Nhật Bản) cùng một số đối tác đầu tư, với vốn đầu tư dự kiến trên 400 tỷ đồng (20 triệu USD), quy mô đào tạo khoảng 1.500 sinh viên, cũng sẽ được xây dựng tại Hưng Yên. Hay BUV, bên cạnh việc triển khai cơ sở mới ở Hưng Yên, cũng đang lên kế hoạch hợp tác với một đối tác Malaysia để đầu tư xây dựng một cơ sở giáo dục tại Đà Nẵng.
Tuy nhiên, theo Cục ĐTNN, hiện các dự án FDI trong lĩnh vực giáo dục mới chỉ tập trung ở 3 thành phố lớn là TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, số lượng cũng chưa được nhiều, quy mô các dự án chưa lớn. Hơn nữa, việc xúc tiến đầu tư FDI vào lĩnh vực giáo dục chưa thực sự mạnh.
Chính vì vậy, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, để tiếp tục thu hút FDI vào lĩnh vực giáo dục, cần hoàn thiện các văn bản pháp quy về công tác xúc tiến đầu tư, đặc biệt là xúc tiến đầu tư vào ngành giáo dục; xây dựng và triển khai hoạt động xúc tiến đầu tư theo chuyên ngành GD-ĐT; đồng thời tích cực hỗ trợ nhà đầu tư trong việc tìm kiếm địa điểm…
“Đầu tư vào GD-ĐT cũng đồng nghĩa với việc phải đầu tư một lượng vốn lớn trong một thời gian tương đối dài. Vì vậy, Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa việc xúc tiến đầu tư FDI để phát triển ngành giáo dục - đào tạo Việt Nam”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục ĐTNN bày tỏ quan điểm.
"Hoan nghênh ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện chính sách về thu hút đầu tư vào giáo dục" Ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trong những năm gần đây, mặc dù chịu tác động bất lợi của nền kinh tế thế giới và khu vực, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá cao. Năm 2014 tăng trưởng GDP đạt 5,98% và quý I năm nay đạt 6,03%, cao nhất trong 5 năm qua. Nhằm đảm bảo việc phát triển bền vững của đất nước trong tương lai, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là vô cùng cần thiết. Chính vì vậy, với chức năng quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã luôn thúc đẩy và theo sát quá trình đầu tư các dự án giáo dục - đào tạo của các nhà nước ngoài tại Việt Nam. Những dự án đầu tư này có ý nghĩa to lớn trong việc đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục - đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế từ mẫu giáo đến bậc đại học ngay tại Việt Nam. Điều này góp phần quan trọng vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam, nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn hoan nghênh những ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện chính sách về thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. "Cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài là rất lớn" Ông Jesse Boone, Tổng giám đốc Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) Những con số đã chứng minh rõ nét về nhu cầu có môi trường học tập chất lượng cao tiêu chuẩn quốc tế ngày càng tăng tại Việt Nam. Đó cũng chính là những gì BUV đang xây dựng và phát triển. Tại BUV, sinh viên được học trong cùng một môi trường giáo dục, đều được những giảng viên có kinh nghiệm hướng dẫn với cùng một hệ bằng cấp…, nhưng chi phí chỉ bằng 70% so với học tập tại Anh. Chúng tôi tin rằng, giá trị cạnh tranh này sẽ thu hút sự chú ý của nhiều gia đình Việt Nam. Chúng tôi hãnh diện vì đã tạo ra các cơ hội tốt như vậy tại đây. Hơn thế, cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài là rất lớn. "Hiện thực hóa ước mơ giáo dục chất lượng quốc tế tại Việt Nam" TS. Ngô Tuyết Mai, Giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc tế, Đại học Hà Nội Việc phụ huynh Việt Nam đầu tư số tiền lớn cho con em mình đi du học ở nước ngoài trong những năm gần đây và có thể tiếp tục tăng trong những năm tới là dấu hiệu đáng mừng xét từ nhiều góc độ. Trong quá trình hội nhập quốc tế, nhiều trường đại học công của Việt Nam đã nỗ lực để nâng cao chất lượng quản lý và chất lượng giảng dạy để thu hút sinh viên Việt Nam lựa chọn học tại Việt Nam. Sự có mặt của các chương trình đào tạo cử nhân và sau đại học có chất lượng tại Việt Nam, liên kết giữa các trường đại học Việt Nam và các trường đại học đối tác quốc tế thực sự đã và đang giúp hiện thực hóa ước mơ giáo dục chất lượng quốc tế tại Việt Nam. "Số lượng các trường đại học được thành lập mới tăng quá nhanh" PGS.TS. Trần Văn Bình, Chủ tịch Hội đồng Thành viên BK-Holdings Cơ hội đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và dạy nghề ở Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, bất cập lớn nhất của Việt Nam hiện nay là thiếu nhất quán trong việc triển khai chiến lược đổi mới giáo dục của quốc gia. Số lượng các trường đại học được thành lập mới tăng quá nhanh. Nhiều người đang nói nhiều đến vấn đề cởi trói, trao quyền tự chủ cho các trường đại học. Họ còn cho rằng, Nhà nước can thiệp quá sâu vào hoạt động của các trường.. Hãy cẩn thận, trước khi trao quyền, phải xây dựng cho được cơ chế giám sát, phải buộc các trường phải minh bạch trong quá trình ra quyết định. |