Giao dịch chứng khoán sáng 8/7: VN-Index đảo chiều giảm nhẹ, cổ phiếu phân bón khởi sắc

Giao dịch chứng khoán sáng 8/7: VN-Index đảo chiều giảm nhẹ, cổ phiếu phân bón khởi sắc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh thị trường chung giao dịch thận trọng và chỉ số VN-Index biến động giằng co nhẹ bởi nhóm bluechip có dấu hiệu "quay xe", nhóm cổ phiếu phân bón đã trở thành điểm sáng khi các mã trong ngành đua nhau khởi sắc.

Mặc dù thanh khoản sụt giảm mạnh mẽ, thậm chí có phiên ghi nhận dòng tiền tham gia yếu nhất trong hơn nửa đầu năm, và áp lực bán của nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa mấy giảm nhiệt, nhưng thị trường đã có tuần hồi phục tích cực đầu tháng 7 khi chỉ số VN-Index lấy lại toàn bộ điểm số để mất trong tuần cuối cùng của tháng 6.

Khép lại phiên giao dịch cuối tuần ngày 5/7, hai chỉ báo RSI và MACD vẫn đang duy trì xu hướng hướng lên, cùng với việc CMF tăng trở lại, cho thấy lực mua chủ động đã gia tăng và VN-Index sẽ sớm hướng lên khu vực 1.300 điểm.

Tuy xu hướng tăng duy trì suốt cả 5 phiên giao dịch nhưng diễn biến tích cực chủ yếu diễn ra ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn, trạng thái giằng co diễn ra ở hầu hết các nhóm ngành, cổ phiếu, thậm chí đã xuất hiện một số cổ phiếu liên tục phá đáy ngắn hạn. Theo ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích CTCK Sacombank, nhiều khả năng xu thế giằng co trong kênh tích lũy 1.250-1.300 điểm của VN-Index sẽ tạm thời chiếm ưu thế trong ngắn hạn đi kèm với thanh khoản thấp và sự khó khăn của hoạt động lướt sóng ngắn hạn.

Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng đầu tuần 8/7, VN-Index tiếp tục quán tính đi lên trong bối cảnh thị trường chung vẫn thận trọng. Sự mong manh này đã khiến chỉ số chung khó tiến xa và nhanh chóng quay đầu khi thị trường đang tiệm cận vùng đỉnh cũ 1.290 điểm.

Sau hơn 1 giờ giao dịch, áp lực bán dần gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip đã khiến VN-Index đảo chiều giảm nhẹ. Các nhóm cổ phiếu trụ cột như ngân hàng, chứng khoán đều trong trạng thái phân hóa.

Điểm sáng là nhóm cổ phiếu phân bón. Bên cạnh LAS và BFC sớm khoe sắc tím, các mã khác trong ngành cũng đua nhau khởi sắc như DCM tăng hơn 3,3%, thậm chí có thời điểm tăng hơn 5%; DPM tăng 1,5%, DDV tăng khoảng 5,5%... Trong đó, DCM đang là 1 trong 5 mã có giao dịch sôi động nhất sàn HOSE, với 5,2 triệu đơn vị khớp lệnh thành công.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu thép đang có những tín hiệu tích cực. Cụ thể, HSG đang tăng trên dưới 2% với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt 7,6 triệu đơn vị; HPG và NKG đang tăng trên dưới 1%.

Áp lực bán có chút gia tăng ở cuối phiên sáng khiến sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện tử, đặc biệt nhóm bluechip có thời điểm gây sức ép khiến VN-Index thủng mốc 1.280 điểm, nhưng dòng tiền tham gia sôi động hơn là động lực chính giúp thị trường nhanh chóng tìm lại vùng giá này.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 179 mã tăng và 234 mã giảm, VN-Index giảm 1,38 điểm (-0,11%) xuống 1.281,66 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 387,5 triệu đơn vị, giá trị 10.005,56 tỷ đồng, tăng 37,17% về lượng và 38,6% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 5/7. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 55,2 triệu đơn vị, giá trị 1.516,3 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chốt phiên giảm gần 4 điểm khi có 16 mã giảm và chỉ 8 mã tăng. Trong đó, PLX là điểm sáng khi có mức tăng vượt trội là 3,5%, chốt phiên đứng tại mức giá cao nhất 45.500 đồng/CP; ngược lại SAB giảm mạnh nhất khi mất 2,9%; còn lại các mã tăng giảm đều trong biên độ hẹp trên dưới 1%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp đôi nhà Đất Xanh DXG – DXS bất ngờ bị bán mạnh. Chốt phiên, DXG giảm 3,3% xuống mức 14.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt 18,34 triệu đơn vị; trong khi DXS giảm 6,9% xuống mức giá sàn 6.590 đồng/CP với khối lượng khớp gần 6,3 triệu đơn vị và dư bán sàn tới gần 2,9 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu phân bón vẫn có mức tăng vượt trội trên thị trường. Trong đó, BFC và LAS vẫn tăng kịch trần, DCM nới rộng biên độ và chốt phiên tăng 4,5% lên mức 39.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh gần 8 triệu đơn vị; DPM cũng tăng tích cực 1,7% lên mức 38.100 đồng/CP và khớp hơn 3 triệu đơn vị.

Trong bộ 3 trụ cột bank – chứng – thép, các cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán tiếp tục phân hóa giằng co nhẹ, còn cổ phiếu thép có diễn biến tích cực hơn nhưng vẫn còn hạn chế. Cụ thể, HSG chốt phiên tăng 1,4% và thanh khoản chỉ thua DXG với 9,84 triệu đơn vị khớp lệnh; HPG chỉ nhích nhẹ 0,3% và khớp 9,2 triệu đơn vị; NKG tăng 1,8% lên mức 25.000 đồng/CP và khớp 2,82 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, “nhận” tín hiệu bán ra trên sàn HOSE, HNX-Index cũng có thời điểm đảo chiều điều chỉnh trước khi hồi phục sắc xanh.

Chốt phiên, sàn HNX có 67 mã tăng và 75 mã giảm, HNX-Index tăng nhẹ 0,08 điểm (+0,03%) lên 242,39 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 32,5 triệu đơn vị, giá trị 721,72 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,53 triệu đơn vị, giá trị hơn 13 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, cổ phiếu phân bón LAS đã có phiên giao dịch tích cực. Chốt phiên, LAS tăng 9,8% lên mức giá trần 25.800 đồng/CP với thanh khoản đứng thứ 2 thị trường, đạt 2,77 triệu đơn vị và dư mua trần gần 0,8 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, một điểm sáng khác của thị trường là cổ phiếu nhựa TPP cũng sớm tìm thấy sắc tím. Chốt phiên, TPP tăng 9,9% lên mức giá trần 11.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh chỉ thua LAS, đạt gần 2,3 triệu đơn vị.

Cũng đóng góp vào diễn biến khởi sắc của nhóm thép, cổ phiếu VGS chốt phiên tăng 5,5% lên mức 38.500 đồng/CP và khớp 1,38 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, cổ phiếu chứng khoán SHS vẫn có giao dịch sôi động nhất thị trường với hơn 4,3 triệu đơn vị, nhưng chốt phiên giảm nhẹ 0,6% xuống mức 17.500 đồng/CP.

Trên UPCoM, thị trường cũng may mắn thoát hiểm thành công.

Chốt phiên sáng, UPCoM-Index tăng 0,03 điểm (+0,03%), lên 98,29 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 21,87 triệu đơn vị, giá trị 404,54 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,84 triệu đơn vị, giá trị 320,3 tỷ đồng, trong đó riêng ACV thỏa thuận 1,77 triệu đơn vị, giá trị hơn 208 tỷ đồng và VGG thỏa thuận 2,45 triệu đơn vị, giá trị 98 tỷ đồng.

Không nằm ngoài xu hướng ngành, cổ phiếu phân bón DDV cũng khởi sắc, chốt phiên tăng 4,9% lên mức 21.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh gần 3 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, cặp đôi dầu khí là BSR và OIL đều tăng nhẹ, tương ứng tăng 0,9% và 1,4%, với khối lượng giao dịch lần lượt đạt 4 triệu đơn vị và hơn 1 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan