Giao dịch chứng khoán sáng 6/11: Thị trường phân hóa, dòng bank giúp duy trì đà tăng

Giao dịch chứng khoán sáng 6/11: Thị trường phân hóa, dòng bank giúp duy trì đà tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang đảm nhiệm vai trò leader khá tốt, giúp VN-Index tiếp tục tiến bước và có phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp.

Thị trường đã có những phiên hồi phục giúp chỉ số chính lấy lại đà tăng hơn 1,5% sau 2 tuần lao dốc mạnh. Tuy nhiên, xu hướng khá mong manh khi thanh khoản thị trường chưa có dấu hiệu cải thiện, dòng tiền vẫn chủ yếu đứng ngoài quan sát dù giới phân tích đã đưa ra đánh giá và nhận định mức định giá của VN-Index đã rơi xuống mức thấp và khá hấp dẫn.

Chính vì vậy, diễn biến thị trường đã trở nên phân hóa hơn trong phiên cuối tuần ngày 3/11 sau 2 phiên tăng mạnh trước đó, cho thấy mức độ hưng phấn của nhà đầu tư đã giảm bớt và nhiều cổ phiếu đã chịu áp lực bán khá mạnh.

Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS), hiện thị trường vẫn còn nhiều biến số bất lợi, gồm tình hình chính trị kinh tế quốc tế còn nhiều diễn biến khó lường, trong khi hoạt động doanh nghiệp trong nước vẫn chưa tăng trưởng bền vững, nên có thể chỉ số sẽ còn giằng co. Tuy nhiên, trong tuần này, thị trường có thể rung lắc nhẹ và có thể tiếp tục duy trì mạch hồi phục hướng đến mốc 1.100.

Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng đầu tuần ngày 6/11, đà tăng mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu bluechip là điểm tựa chính giúp VN-Index tăng khá tốt ngay từ khi mở cửa.

Tuy nhiên, lực cầu sôi động vẫn chưa nhập cuộc khiến thị trường chưa thể “bốc đầu”. Chỉ số VN-Index biến động quanh mốc 1.085 điểm trong khoảng 2/3 thời gian của phiên sáng.

Nhóm VN30 vẫn là động lực chính của thị trường khi phần lớn đều giao dịch khởi sắc, trong đó các mã bank đang đóng vai trò là “leader”.

Trong top 10 mã đóng góp tốt nhất cho chỉ số chung thì có tới 6 mã thuộc nhóm ngân hàng, với 4 vị trí dẫn đầu thuộc về VPB, VCB, CTG và MBB đã đóng góp tới hơn 4,5 điểm cho VN-Index.

Áp lực bán gia tăng về cuối phiên khiến thị trường phân hóa hơn, tuy nhiên nhóm cổ phiếu bluechip vẫn đóng điểm tựa chính giúp VN-Index duy trì đà tăng điểm.

Chốt phiên, sàn HOSE có 218 mã giảm và 264 mã tăng, VN-Index tăng 6,96 điểm (+0,65%) lên 1.083,74 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 315,2 triệu đơn vị, giá trị 6.328,31 tỷ đồng, giảm 3,53% về khối lượng và nhích nhẹ về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 3/11. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 63,2 triệu đơn vị, giá trị 1.531,2 tỷ đồng.

Như đã nói, nhóm VN30 có đóng góp chính khi chốt phiên tăng hơn 12,5 điểm với việc ghi nhận 22 mã tăng và chỉ có 7 mã điều chỉnh nhẹ trên dưới 1% như MWG, VRE, TCB, GAS, MSN, BCM, SSI.

Ở chiều tăng, tập trung phần lớn là các cổ phiếu ngân hàng, với các mã dẫn đầu như VPB tăng 4,8%, SSB tăng 4,3%, TPB tăng 3,1%, MBB tăng 2,6%... Ngoài ra, các mã lớn khác như SAB, HPG, FPT, VHM, VIC tăng hơn 1%.

Xét về nhóm ngành, dòng bank vẫn thuộc top có mức tăng tốt trên thị trường và là động lực chính cho đà tăng của VN-Index. Ngoại trừ bộ 3 gồm TCB, MSB và OCB giảm trên dưới 1%, còn lại tất cả các mã bank đều khởi sắc.

Cổ phiếu VPB tiếp tục đóng góp lớn nhất với 1,94 điểm cho chỉ số chung. Một số mã bank tăng tốt trên thị trường như SSB tăng hơn 4%, TPB, MBB, CTG tăng trên dưới 3%... Cổ phiếu STB chốt phiên tăng 1,4%, nhưng là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường, đạt hơn 13,27 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản giao dịch kém khả quan sau những phiên khởi sắc cuối tuần trước. Cụ thể, NVL, DIG, VCG, DXG, CII, PDR… đều đảo chiều giảm nhẹ trên dưới 1%. Trong đó, NVL thuộc top 3 thanh khoản tốt nhất với hơn 10 triệu đơn vị khớp lệnh.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng chủ yếu biến động trong biên độ hẹp và chỉ còn nhích nhẹ. Trong đó, VIX đảo chiều giảm nhẹ 0,7% với khối lượng khớp lệnh sôi động nhất trong ngành, đạt 10,65 triệu đơn vị.

Trái lại nhóm bán lẻ đảo chiều trở thành nhóm giảm mạnh nhất do MWG mất gần 1,7%, ngoài ra FRT cũng đảo chiều giảm nhẹ.

Trên sàn HNX, lực bán gia tăng có lúc đẩy chỉ số chung về sát mốc tham chiếu, nhưng đà tăng điểm có chút nới nhẹ về cuối phiên nhờ sự dẫn dắt của nhóm HNX30.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 65 mã tăng và 93 mã giảm, HNX-Index tăng 0,94 điểm (+0,43%) lên 217,03 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 46,71 triệu đơn vị, giá trị 823,85 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,19 triệu đơn vị, giá trị 37,83 tỷ đồng.

Cổ phiếu chứng khoán SHS dù có chút rung lắc nhưng lực cầu mạnh đã giúp cổ phiếu duy trì khởi sắc và chốt phiên tăng 2% lên mức 15.600 đồng/CP, thanh khoản tốt nhất thị trường với hơn 14 triệu đơn vị.

Trong khi đó, CEO vẫn đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản với hơn 4 triệu đơn vị nhưng áp lực bán chốt lời khiến cổ phiếu này rung lắc và chốt phiên đứng giá tham chiếu 21.900 đồng/CP.

Ngoài ra, một số mã khác trong rổ HNX30 cũng gặp áp lực bán và đảo chiều giảm như HUT giảm 1,6%, PVS giảm nhẹ 0,3%, TNG giảm 0,5%...

Trên UPCoM, thị trường vẫn giữ được sắc xanh với biên độ thu hẹp khi tạm dừng phiên sáng.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,25 điểm (-0,3%) xuống 83,72 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 20,51 triệu đơn vị, giá trị 241,45 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 16,93 tỷ đồng.

3 mã có thanh khoản tốt nhất trên UPCoM đều giao dịch không mấy khả quan. Trong đó, BSR dẫn đầu với hơn 2,27 triệu đơn vị giao dịch thành công, chốt phiên giảm nhẹ 0,5% xuống mức 18.500 đồng/CP.

Tiếp theo là BOT khớp hơn 2 triệu đơn vị, chốt phiên đứng giá tham chiếu 3.500 đồng/CP và GEE khớp hơn 1 triệu đơn vị, chốt phiên giảm mạnh 9% xuống mức 30.200 đồng/CP.

Tin bài liên quan